Những điểm nóng trong năm 2018

Google News

Năm 2018 tiếp tục chứng kiến xu hướng: xung đột chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, thế giới ngày càng phát sinh nhiều điểm nóng và nguy cơ về an ninh.

Tổ chức học giả Hội đồng Quan hệ quốc tế (CFR) của Mỹ vừa công bố một danh sách những nguy cơ toàn cầu hàng đầu cần phải theo dõi trong năm 2018 sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia hàng đầu.
Từ danh sách 30 cuộc xung đột và nguy cơ xung đột hiện hữu, họ chọn ra 8 mối nguy hiểm lớn nhất trong năm 2018 dựa trên khả năng leo thang hoặc bùng nổ của chúng.
Xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên
Pháo binh Triều Tiên trong ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Triều Tiên tháng 4-2017 - Ảnh: KCN 
Không có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, bất chấp sức ép và các lệnh trừng phạt quốc tế.
Năm 2017, Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 và hàng chục vụ bắn thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có tầm bắn vươn tới Mỹ. Dù Triều Tiên tuyên bố thành công và hoàn tất mục tiêu trở thành "cường quốc hạt nhân", giới chuyên gia cho rằng sẽ còn mất một thời gian nữa Bình Nhưỡng mới thực sự hoàn thành tham vọng đó.
Do vậy, khả năng năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến tiếp các vụ thử nghiệm nhằm hoàn thiện ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên. Khả năng thử hạt nhân lần 7 là hoàn toàn có khả năng, chủ yếu nhằm "thu nhỏ" đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên ICBM, không chỉ một là nhiều đầu đạn như vậy!
Năm 2017, thế giới đã thực sự bất ngờ trước những bước tiến vượt bậc của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân/tên lửa của nước này. Liệu có sự bất ngờ nào đến từ Triều Tiên trong năm 2018?
Câu hỏi này dẫn tới câu hỏi thứ hai: Mỹ - Hàn Quốc - Nhật Bản sẽ tiếp nhận và đáp trả sự bất ngờ này như thế nào?
Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố chiến lược kiên nhẫn của Mỹ với Triều Tiên đã chấm dứt trong năm 2018, liệu đó có phải là tiền đề cho các động thái quân sự của Washington? Ít nhất một lần trong năm 2017 thế giới đã hồi hộp và lo sợ một cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ nhắm vào Triều Tiên.
Đặt giả định trong năm 2018 Triều Tiên hoàn thiện ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vươn tới Mỹ. Viễn cảnh Washington tấn công phủ đầu và phá hủy các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ càng hiện hữu hơn bao giờ hết.
Nếu chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, nó sẽ cuốn Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc và tất cả các nước xung quanh.
Lằn ranh đỏ hiện tại là các lãnh thổ của Mỹ không bị Triều Tiên đe dọa hay tấn công. Washington sẽ không đánh cược tính mạng của hơn 250.000 người Mỹ đang sống tại Hàn Quốc bằng cách tấn công phủ đầu. Nhưng nếu tất cả những người này được sơ tán, đó sẽ là tín hiệu cảnh báo cho Triều Tiên.
Báo cáo của Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã đưa ra khả năng Triều Tiên sẽ tìm kiếm đàm phán trực tiếp với Mỹ sau khi hoàn thiện năng lực hạt nhân. Mỹ chấp nhận đàm phán sẽ là viễn cảnh ít đổ máu nhất lúc này.
Xung đột giữa Iran và Mỹ, hoặc một trong các đồng minh của Mỹ
 Binh sĩ Iran duyệt binh năm 2011 - Ảnh: REUTERS
Bàn cờ Trung Đông chưa bao giờ dễ hóa giải với sự chồng chéo lợi ích. Quan hệ bạn-thù tại khu vực này luôn rõ ràng, được định hình không chỉ bởi sự khác biệt về hệ tôn giáo.
Sự can dự của Iran trong các cuộc xung đột khu vực và việc Tehran hỗ trợ các nhóm phiến quân, bao gồm Phong trào Houthis ở Yemen và nhóm Hezbollah ở Lebanon, là nguy cơ tiềm ẩn kích hoạt chiến tranh.
Cộng với việc Tehran gần đây tuyên bố sẽ ủng hộ các nhóm phản kháng sau khi Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, khả năng xung đột với quốc gia này đang rất cao.
Cuộc đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia - một đồng minh của Mỹ, tại cuộc chiến ở Yemen đã rõ qua từng năm. Nói như một nhà quan sát, thực chất đó là một cuộc đấu đá giữa Iran và Saudi Arabia nhưng được trả bằng máu của người Yemen.
Với sự hình thành liên minh tạm thời và bất ngờ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran vào cuối năm 2017 xoay quanh vấn đề Syria, câu hỏi đang được đặt ra là nếu xảy ra xung đột giữa Iran và Mỹ hoặc giữa Iran với Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO, sẽ đứng về phía nào?
Xung đột vũ trang giữa Nga và NATO
Một cuộc chạm trán giữa Nga và các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), dù là cố ý hay vô tình, chưa bao giờ thôi rình rập. Năm 2017, Nga lặng lẽ mở rộng biên giới của nước Cộng hòa Nam Ossetia vốn không được công nhận, và tiếp tục can dự vào cuộc chiến ở vùng Donbass thuộc Ukraine.
Dù các quốc gia trên không thuộc NATO, một số người lo rằng vấn đề chỉ là thời gian trước khi Nga nhúng tay vào Đông Âu, nhất là khi bây giờ Syria không còn là mối bận tâm quân sự chính của Matxcơva.
 Xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của nga trong cuộc duyệt binh năm 2017 - Ảnh: REUTERS
Ở chiều ngược lại, năm 2017, việc NATO liên tục tăng quân thường trực tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ như Ba Lan, các nước vùng Baltic khiến Mátxcơva tức giận và đáp trả bằng các cuộc tập trận quy mô lớn sát biên giới NATO.
Các vụ chạm trán giữa máy bay chiến đấu Nga và NATO diễn ra với tần suất dày đặc và ở mức độ ngày càng nghiêm trọng như việc tiêm kích F-16 của NATO áp sát máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga. Trên biển, các tàu khu trục của Nga hay bị kiềm cặp và hộ tống bởi các tàu chiến, máy bay của NATO.
Xung đột vũ trang ở Biển Đông
 Các công trình Trung Quốc đã hoàn thành trong năm 2017 trên thực thể nhân tạo Chữ Thập (vùng đỏ) - Ảnh: AMTI/CSI
Sức nóng hạt nhân từ bán đảo Triều Tiên đã biến Biển Đông trở thành điểm nóng bị quốc tế lãng quên trong năm 2017. Điều đó không đồng nghĩa trên thực địa nó hoàn toàn im ắng.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất và bắt đầu xây dựng các công trình thiết yếu cho các tiền đồn lưỡng dụng bất hợp pháp trên Biển Đông. Khả năng Bắc Kinh sẽ triển khai vũ khí tới những thực thể nhân tạo này đang ngày càng hiện hữu.
Các nhà chứa máy bay cỡ lớn, hầm chứa tên lửa và các trạm radar cỡ lớn đã gần như hoàn tất, cho phép các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đồn trú, tương tự như điều họ đang làm trái phép tại đảo Phú Lâm.
Trung Quốc gần đây đã trở nên cứng rắn hơn với vùng lãnh thổ Đài Loan, cả về phát ngôn lẫn hành động. Năm 2017, Trung Quốc 16 lần tập trận không quân sát Đài Loan.
Các vụ tấn công mạng quy mô
Năm 2017 thế giới chứng kiến vụ tấn công mạng chưa từng có tiền lệ của mã độc tống tiền WannaCry. Dù Mỹ tuyên bố thủ phạm của vụ tấn công là Triều Tiên và Bình Nhưỡng không hề lên tiếng xác nhận, vụ tấn công một lần nữa cho thấy các quốc gia rất dễ bị tổn thương trên thế giới mạng. Hơn 150 quốc gia đã trở thành nạn nhân của loại mã độc tống tiền này.
Năm 2018, các vụ tấn công mạng quy mô lớn nhắm vào Mỹ khả năng cao sẽ tiếp diễn. Mục tiêu có thể sẽ là các ngân hàng (đánh cắp tiền) và các cơ quan chính phủ (tài liệu, thông tin mật).
Binh sĩ tác chiến mạng tại căn cứ San Antonio (Texas) của Mỹ - Ảnh: REUTERS 
Một vụ tấn công khủng bố lớn ở Mỹ hoặc một quốc gia đồng minh
Năm qua chứng kiến các vụ tấn công khủng bố đẫm máu trên thế giới. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng bọn khủng bố đang ngày càng nhắm vào dân thường hơn các mục tiêu chính trị, mục đích nhằm giết càng nhiều càng tốt để gieo rắc kinh hoàng.
Các chuyên gia cảnh báo khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng bị thất thế trên thực địa, chúng sẽ càng điên cuồng tổ chức các cuộc tấn công mang tính chất trả đũa.
Giống như quái vật Hydra trong thần thoại Hy Lạp, bị chặt mất một đầu liền mọc hai đầu khác, khả năng IS tổ chức các cuộc tấn công trực diện quy mô lớn nhắm vào Mỹ như chúng đã từng làm ở Iraq hay Syria không cao.
Nạn nhân của xả súng ngày 1/10 ở Las Vegas (Mỹ). Kẻ tấn công là một con "sói đơn độc" nhưng động cơ gì đã khiến hắn làm như vậy vẫn còn bí ẩn - Ảnh: REUTERS 
Tuy nhiên, giống như Chúa tể hắc ám Voldemort ở những tập đầu trong bộ truyện nổi tiếng Harry Porter của nhà văn J. K. Rowling, IS có thể trở nên vô hình, không có thân xác nhưng chúng tồn tại ở những dạng khác sau khi bị tiêu diệt. Chúng ăn sâu vào đầu óc của những kẻ đã từng cầm súng theo chúng khi trở về quê hương, chúng hiện diện qua những video/nội dung cực đoan mà chúng đã dày công tạo dựng và nguy hiểm hơn, chúng bám trụ vào đầu óc của những người Hồi giáo dòng Sunni ở những nơi bị chúng chiếm đóng.
Vậy nên, mối lo lớn nhất trong tương lai không đến từ những phần tử IS thực sự mà đến từ những kẻ bị chúng đầu độc và cực đoan hóa. Các vụ tấn công của những con "sói đơn độc" - chỉ những kẻ không có liên hệ với bất kỳ tổ chức khủng bố nào, bao gồm cả IS, đã cho thấy phần lớn đều bị tiêm nhiễm bởi những video của chúng trên mạng.
Bạo lực leo thang ở Syria khi quân chính phủ tái chiếm lãnh thổ
Dù cuộc nội chiến Syria trông như sắp kết thúc với việc IS mất gần hết lãnh thổ kiểm soát, cần phải nhớ rằng cuộc đối đầu với IS chỉ là một phần của cuộc chiến tranh lớn hơn khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng.
Căng thẳng giữa các bên đứng đằng sau cuộc chiến Syria vẫn còn đó, bao gồm Mỹ, Nga và Iran và gần đây là cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Thực tế cho dù IS có mất tất cả đất đai ở Syria, chính phủ của tổng thống Bashar al-Assad vẫn chưa kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ như trước khi cuộc nội chiến bùng nổ năm 2011. Nhiều khu vực vẫn đang nằm trong sự kiểm soát của phe đối lập Syria, những lực lượng mà chính quyền Assad gọi là khủng bố.
Quân đội Nga đã bắt đầu hiện diện thường trực tại Syria sau khi tuyên bố chiến thắng và hoàn tất nhiệm vụ chống khủng bố IS - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.
Điều trớ trêu là Mỹ lại ủng hộ lực lượng đối lập, một quan điểm hoàn toàn trái ngược với Nga - quốc gia vừa tuyên bố hiện diện quân sự thường trực tại hai căn cứ không quân và hải quân của Syria.
Có cơ sở để lo ngại bạo lực sẽ leo thang khi quân đội Assad tiến hành các chiến dịch quân sự để lấy lại các vùng đất từ phe đối lập. Không loại trừ khả năng người Nga sẽ âm thầm giúp đỡ.
Điều đó đồng nghĩa ông Assad và Nga đang chống các lực lượng do Mỹ hỗ trợ như Syria Dân chủ. Vũ khí Nga đấu vũ khí Mỹ, bên nào sẽ thắng? Câu trả lời là chưa biết, chỉ có dân thường là khổ.
Bạo lực và bất ổn gia tăng ở Afghanistan
Quân nổi dậy Taliban ngày càng lớn mạnh và nguy cơ Chính phủ Afghanistan sụp đổ là những điều thật sự đáng lo ngại. IS gần đây cũng đã xuất hiện ở quốc gia này.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như bất an về những diễn biến mới nhất và đang tái điều động hàng ngàn binh lính trở lại Afghanistan.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) trong cuộc gặp tay ba với hai người đồng cấp Afghanistan (trái) và Pakistan (phải) ngày 26-12 - Ảnh: REUTERS 
Thực tế, Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhảy vào quốc gia Trung Á này, đơn giản vì Afghanistan nằm trong chiến lược "Vành đai, Con đường" của Bắc Kinh. Trong các cuộc gặp những ngày cuối năm 2017, Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ Afghanistan trong cuộc chiến chống khủng bố. Thực chất tầm nhìn xa của Bắc Kinh là muốn đảm bảo sự an toàn cho dòng chảy thương mại qua khu vực Trung Á.
Liệu sự can thiệp của Trung Quốc có đem lại ổn định cho Afghanistan sau khi Bắc Kinh đã khống chế Pakistan - quốc gia bị Afghanistan cáo buộc tài trợ khủng bố và gây bất ổn cho nước này?
Theo Duy Linh-Phúc Long/Báo Tuổi Trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)