Chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 cất cánh rời Kuala Lumpur vào 0h41 ngày 8/3 (theo giờ địa phương) và dự kiến phải tới Bắc Kinh vào khoảng 6h30 cùng ngày. Tuy nhiên, kể từ 2h40 phút, máy bay bị mất tích và cho đến giờ phút này vẫn không thể liên lạc được với nó.
Theo cựu Tổng thanh tra của Cục Giao thông vận tải Mỹ, Mary Schiavo, điều này có nghĩa là nhiều khả năng điều tồi tệ nhất đã xảy ra và sẽ khó lòng có người may mắn sống sót.
|
Chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia đã mất tích quá 12 giờ nhưng đến nay vẫn chưa xác định được vị trí của nó.
|
Bà Mary Schiavo nhấn mạnh, rất có thể,
chiếc máy bay đã bị rơi ở một khu vực không có tín hiệu và không thể liên lạc được. Tùy thuộc vào cách chiếc máy bay bị rơi xuống, có thể có người sống sót (và số lượng người sống sót) nhưng tình huống xấu nhất là không có ai may mắn sống sót.
“Có nhiều cách để xác định vị trí của chiếc máy bay chẳng hạn các máy phát tín hiệu dẫn đường tự động sẽ cho biết vị trí của chiếc máy bay. Có nhiều cách để liên lạc với nó chẳng hạn qua sóng vô tuyến, GPS cũng như hệ thống thông tin liên lạc máy tính trong buồng lái”, bà Schiavo nhận định.
Tuy nhiên, bà Schiavo cảnh báo, nếu vì một số lý do nào đó mà các máy phát tín hiệu truyền thông trên máy bay không hoạt động thì việc tìm kiếm nó sẽ trở nên vô cùng phức tạp và tốn thời gian.
"Nếu chúng (các máy phát tín hiệu truyền thông) không hoạt động thì thật đáng buồn. Vụ tai nạn này có điểm tương đồng với vụ chiếc máy bay của hãng hàng không Air France trong hành trình từ Brazil tới Paris (Pháp) đã bị rơi xuống biển. Sau đó, sẽ rất khó khăn để xác định vị trí chiếc máy bay bởi độ sâu của đại dương", bà Schiavo nói.
Trước đó, chiếc máy bay Airbus A330-203, mang số hiệu 447 của hãng hàng không Air France bị đâm xuống Đại Tây Dương ngày 1/6/2009 khiến toàn bộ 228 hành khách thiệt mạng. Phải mất tới 2 năm với 4 cuộc tìm kiếm được triển khai mới có thể xác định được được vị trí chiếc máy bay dưới lòng đại dương. Xác chiếc máy bay Airbus A330-203 đã bị kẹt ở trong một dãy núi sâu dưới lòng đại dương.
|
Vị trí đảo Thổ Chu, Phú Quốc và vùng biển giữa Việt Nam và Malaysia trên bản đồ.
|
Hiện chiếc máy bay chở khách Boeing 777-2000 của Malaysia được cho là bị rơi ở vùng biển cách đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Việt Nam 153 hải lý.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo điện tử Kiến Thức, Đại tá Nguyễn Hải Triều - Cục Tuyên huấn Chính trị Hải quân Việt Nam thừa nhận: "Trong trường hợp xác định chính xác vị trí máy bay gặp nạn cách đảo Thổ Chu 153 hải lý thì tàu Hải Quân vùng 5 xuất phát đến tham gia cứu hộ phải mất 5 giờ. Tuy nhiên, tại Thổ Chu, dù có lực lượng Hải Quân đóng nhưng hiện không có tàu của Hải Quân vùng 5 nên phải điều tàu từ căn cứ Phú Quốc và thời gian đến vị trí máy bay rơi phải mất 10 giờ".
Tuy nhiên, các chuyên ra hàng không vẫn nhấn mạnh, càng sớm tìm ra chiếc máy bay, càng có nhiều cơ hội tìm thấy người sống sót may mắn.
|
Tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay hiển thị trên Radar trước khi mất tích.
|
Hiện theo hãng tin New Strait Times, chương trình tìm kiếm cứu hộ (SAR) quy mô lớn đã được chính quyền Malaysia huy động tại vùng Biển Đông để tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn. SAR bao gồm MAS, Cục Hàng không Dân dụng, Không quân Hoàng gia Malaysia, Hải quân Hoàng gia Malaysia, Cơ quan Thi hành Luật Hàng hải Malaysia, Hệ thống Phòng thủ Chồng lấn hỗ trợ (IADS) có trụ sở tại Butterworth, các cơ quan khác của Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và Sở chỉ huy quân sự Mỹ tại Hawaii.
IADS gồm 5 nước Malaysia, Anh, Úc, New Zealand và Singapore trong khi Sở chỉ huy quân sự Thái Bình Dương của Mỹ có một đội tàu chiến hùng hậu khắp Thái Bình Dương. SAR đã huy động máy bay chiến đấu, máy bay tuần tra hàng hải, tàu khu trục và tàu ngầm phục vụ việc tìm kiếm máy bay mất tích.
Phát ngôn viên Cơ quan Hàng hải Malaysia, ông Faridah Shuib cho biết,nước này đã triển khai 1 máy bay, 2 máy bay trực thăng và 4 tàu tới tìm kiếm tại vùng biển ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này (thuộc Biển Đông) để tìm kiếm chiếc máy bay bị nạn.
2 tàu cứu hộ Trung Quốc cũng được điều tới Biển Đông tìm kiếm các nạn nhân. Trong khi đó, Philippines cho biết, họ đã gửi 3 tàu tuần tra hải quân và máy bay giám sát trong nỗ lực chung để tìm kiếm chiếc máy bay.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines, Peter Paul Galvez cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Voltaire Gazmin đã ra lệnh cho Tư lệnh lực lượng vũ trang miền Tây "huy động binh sĩ và tham gia các nỗ lực quốc tế" trong việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Cơ quan hàng hải các nước cũng đã thông báo cho tàu đánh cá trong khu vực hỗ trợ tìm kiếm.