Triều Tiên cải cách kinh tế theo mô hình của Việt Nam?

Google News

(Kiến Thức) - Từ cuối năm 2012, CHDCND Triều Tiên đã áp dụng thí điểm "cơ chế quản lý kinh tế mới" tại một số nhà máy nhưng các đơn vị này đang hết sức khó khăn trong việc tự duy trì hoạt động sản xuất.

Những dấu hiệu 

Theo Chánh văn phòng Ủy ban theo dõi về quá trình dân chủ hóa ở CHDCND Triều Tiên, một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc, hiện nay tuy chưa nhận được sự chỉ đạo chính thức nhưng một số tổ chức ở CHDCND Triều Tiên đang điều chỉnh giá do nhà nước quy định gần hơn với giá tự do, còn các nhà máy tự giải quyết giá cả sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Một số đơn vị có thu nhập tốt như khai thác than, khoáng sản đã nâng lương cho công nhân gấp nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, không phải đơn vị, xí nghiệp nào cũng có đủ khả năng làm như vậy.  

Theo một số nguồn tin, CHDCND Triều Tiên đang tiến hành điều tra tình hình ngành thủ công nghiệp tư nhân trên toàn quốc với lý do là để thúc đẩy ngành này phát triển hiệu quả hơn cũng như tìm phương án hợp pháp hóa và đưa vào hệ thống sản xuất quốc doanh nhưng thực tế là nhằm kiểm soát hoạt động kinh tế tư nhân và giảm thiệt hại đối với các nhà máy quốc doanh. Khái niệm về ngành thủ công nghiệp không được quy định rõ ràng nhưng có thể hiểu là tất cả các hoạt động sản xuất tư nhân. Hiện đang có hiện tượng một số công nhân tự ý đưa nguyên liệu từ nhà máy về nhà tự sản xuất hàng tiêu dùng tại gia đình để đáp ứng nhu cầu thị trường.   

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới vào ngày 1/1/2013, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un kêu gọi thực hiện một sự chuyển hướng triệt để nhằm xây dựng một cường quốc kinh tế và cải thiện mức sống của người dân. 

CHDCND Triều Tiên chủ trương kết hợp giữa chính sách mở cửa
nhưng vẫn giữ tính độc lập.  

Cải tổ theo mô hình Việt Nam hay Trung Quốc?

Vừa qua, Nhật báo "Frankfurter Allgemeine" xuất bản ở CHLB Đức có đưa ra nhận định rằng, diễn văn đầu năm 2013 của Chủ tịch Kim Jong Un có nhiều nội dung đáng chú ý. Một chuyên gia tư vấn cho tờ Nhật báo "Frankfurter Allgemeine" tiết lộ, Bình Nhưỡng có thể bắt đầu thực hiện cải cách trong năm nay 2013 và Việt Nam sẽ là mô hình để CHDCND Triều Tiên noi theo nhằm hiện đại hóa đất nước.

Theo ông Werner Pfennig, chuyên gia kinh tế thuộc Học viện nghiên cứu về Triều Tiên tại Berlin, CHDCND Triều Tiên chủ trương kết hợp giữa chính sách mở cửa nhưng vẫn giữ được tính độc lập. Theo hướng đó thì Việt Nam là mô hình mà CHDCND Triều Tiên nên học tập. Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa kinh tế, hợp tác với những quốc gia mà mình có thể hoàn toàn kiểm soát được tình hình. Chính điều này làm cho mô hình Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với CHDCND Triều Tiên.  

Ông Werner Pfennig cho rằng, CHDCND Triều Tiên muốn học tập Việt Nam còn là do Việt Nam đã từng chiến thắng trong các cuộc chiến tranh lớn với các đối thủ mạnh hơn mình gấp bội để thống nhất đất nước và hiện nay Việt Nam luôn luôn nhấn mạnh đường lối độc lập và đi theo tư tưởng của lãnh tụ dân tộc Hồ Chí Minh. Thành công của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp, nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 2 trên thế giới, trong những năm 1990, gây ấn tượng mạnh đối với CHDCND Triều Tiên vốn thường xuyên phải đối phó với tình trạng thiếu lương thực triền miên.

Tuy nhiên, giới chuyên gia Đức lại không cho rằng CHDCND Triều Tiên có thể phát triển được theo mô hình Việt Nam hay Trung Quốc do không có những điều kiện cơ bản để thực hiện cải cách như thiếu cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp và gần như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Một yếu tố khác không kém phần quan trọng là CHDCND Triều Tiên thiếu nguồn vốn, tri thức và quan hệ của cộng đồng người Triều Tiên ở nước ngoài, còn Việt Nam lại có thế mạnh này. Chính vì thế, theo các chuyên gia Đức, trước mắt, giải pháp tốt nhất đối với CHDCND Triều Tiên là thay vì cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc hay Việt Nam, Bình Nhưỡng nên xây dựng các đặc khu kinh tế.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:

Thuỳ Dương

Bình luận(0)