Xạ trị nhiều, ít không phản ánh độ nặng nhẹ của bệnh

Google News

(Kiến Thức) - Xạ trị là phương pháp dùng các bức xạ để tiêu hủy khả năng tăng trưởng và sinh sản của các tế bào ung thư.

Chị Đặng Thị Phương T. (46 tuổi, quận Phú Nhuận TP.HCM), bị ung thư vú đã phẫu thuật, hóa trị và chuẩn bị phải xạ trị hỗ trợ nhưng chị Phương T. nghe nói xạ trị rất là đau đớn, bỏng da nên chị phân vân, lo lắng. Vậy xạ trị có thật sự đáng sợ hay không, khi nào thì phải xạ trị, số lần xạ trị có phải là phản ánh bệnh nặng hay nhẹ….? ThS.BS Trần Vương Thảo Nghi, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV TP.HCM chia sẻ về điều này.
- Xạ trị là gì? Tại sao bệnh nhân ung thư lại phải xạ trị?
Xạ trị là phương pháp dùng các bức xạ để tiêu hủy khả năng tăng trưởng và sinh sản của các tế bào ung thư. Hiện tượng này cũng có thể xảy ra cho các tế bào lành, nhưng các tế bào ung thư nhạy cảm với tia xạ hơn tế bào lành rất nhiều. Ngoài ra, các tế bào ung thư sẽ bị hủy hoại dần dần trong khi các tế bào lành có thể tự sửa chữa các tổn thương xuất hiện trong quá trình xạ trị. Do đó, xạ trị được dùng để ngăn cản các tế bào ung thư phát triển, cụ thể là tiêu diệt một cách hiệu quả các tế bào ung thư mà ít gây tổn hại cho mô lành xung quanh.
Bác sĩ Thảo Nghi tư vấn và chia sẻ với bệnh nhân ung thư trước khi vào xạ trị.
- Xạ trị thì bệnh nhân nào cũng có số lần điều trị như nhau?
Mỗi bệnh nhân là một trường hợp riêng lẻ nên sẽ được điều trị bằng những phương pháp thích hợp, không một bệnh nhân nào giống một bệnh nhân nào. Số lần xạ trị thay đổi tùy theo trường hợp và không phản ánh mức độ nặng nhẹ của căn bệnh. Nghĩa là khi xạ trị nhiều lần hơn một bệnh nhân khác, không có nghĩa là bệnh của mình nghiêm trọng hơn họ. Như vậy, việc so sánh với những bệnh nhân khác là hoàn toàn không chính xác.
Chân dung ThS.BS Trần Vương Thảo Nghi, Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV TP.HCM.
- Vậy thời gian điều trị của bệnh nhân xạ trị có lâu không?
Thời gian điều trị được dự kiến từ 2 đến 7 tuần, nhưng có thể thay đổi nếu có những tình huống đặc biệt và những phản ứng bất thường xảy ra cho bệnh nhân. Đây là mục đích chủ yếu mà các bác sĩ chuyên khoa xạ trị ung bướu nhắm đến khi điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân đừng nên quá lo lắng, cũng như đừng ngần ngại trao đổi những băn khoăn, thắc mắc với bác sĩ xạ trị vào mọi thời điểm (trước, trong cũng như sau khi xạ trị) để có thể hiểu rõ ràng, chính xác về bệnh cũng như chỉ định xạ trị. Từ đó, bệnh nhân sẽ an tâm và hợp tác tốt nhất với thầy thuốc cũng như nhân viên y tế trong quá trình điều trị, nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất.
- Xạ trị có ưu điểm gì trong điều trị bệnh ung thư?
Xạ trị là một trong các phương pháp điều trị ung thư rất hiệu quả, hơn phân nửa bệnh nhân ung thư có cơ may chữa khỏi bằng xạ trị. Trong một số lớn các trường hợp, chỉ cần dùng đơn thuần phương pháp xạ trị cũng đủ để chữa khỏi căn bệnh ung thư (ví dụ như ung thư dây thanh giai đoạn sớm…).
Ngoài ra, thông thường trong khi xạ trị không bắt buộc bệnh nhân phải nằm viện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần nằm viện như nhà quá xa, gặp khó khăn khi di chuyển, cùng lúc hóa trị, hoặc khi thể trạng bệnh nhân suy yếu cần nằm viện để điều trị hỗ trợ nâng đỡ. Đại đa số các trường hợp, xạ trị sẽ được thực hiện 1 lần/ ngày, việc điều trị chỉ kéo dài vài phút, bệnh nhân chỉ cần đến bệnh viên mỗi ngày một lần và trở về nhà sau khi xạ trị xong.
Khi tính liều xạ trị cho bệnh nhân thì ngoài việc thầy thuốc cho y lệnh còn cần đến kỹ sư vật lý y khoa tính liều. Vai trò của kỹ sư vật lý trong việc điều trị tốt cho bệnh nhân như thế nào?
Bác sĩ xạ trị ung bướu là một chuyên gia điều trị các bệnh ung bướu bằng các bức xạ. Bác sĩ xạ trị quyết định về chỉ định, thực hiện việc điều trị, chọn lựa những vùng phải xạ trị, xác định liều xạ trị và những phương pháp bảo vệ các cơ quan lành bệnh cạnh khối bướu. Mỗi tuần, bác sĩ xạ trị sẽ khám lại cho bệnh nhân để theo dõi hiệu quả điều trị cũng như mức độ dung nạp và đáp ứng với xạ trị. Trong suốt quá trình điều trị, bác sĩ xạ trị sẽ bảo đảm việc theo dõi bệnh nhân thường xuyên.
Trong việc xác định liều xạ trị và những phương pháp bảo vệ các cơ quan lành bên cạnh khối bướu, các bác sĩ xạ trị cần có sự hỗ trợ từ kỹ sư vật lý y học. Đây là một chuyên gia trong lĩnh vực vật lý bức xạ sử dụng trong y học. Họ có nhiệm vụ hỗ trợ bác sĩ xạ trị trong việc chọn lựa những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, thiết lập phương án xạ trị tối ưu theo chỉ định của bác sĩ xạ trị. Ngoài ra, quan trọng hơn cả, họ có trách nhiệm bảo trì các máy xạ trị và kiểm tra chất lượng các bức xạ được sử dụng, để đảm bảo liều xạ trị chính xác tuyệt đối.
Hiện tại, ở Việt Nam chưa có trường đào tạo kỹ sư vật lý y học, mà thường là các kỹ sư vật lý cơ bản, sau đó sẽ được đào tạo thêm về vật lý bức xạ sử dụng trong y học.  Việc có kỹ sư vật lý y học được đào tạo bài bản, chuyên sâu là một thế mạnh vượt trội của Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV TPHCM. Đây là một nhân tố quan trọng không thể thiếu trong việc tính toán và chọn lựa phương pháp điều trị mang lại hiệu quả tối ưu cho bệnh nhân, đồng thời cũng đảm bảo được tính chính xác tuyệt đối của liều xạ trị cũng như đảm bảo máy xạ trị vận hành một cách an toàn và hiệu quả nhất.

ThS.BS Trần Vương Thảo Nghi - Trung tâm Điều trị Ung thư Hy Vọng, Bệnh viện FV

Hương Giang

Bình luận(0)