Sát thủ “hạ súng” thành... kiểm lâm

Google News

(Kiến Thức) - Họ từng là những xạ thủ số 1, nỗi khiếp đảm của rừng xanh. Mỗi chuyến đi rừng, cơ man nào là gấu, nai, hoẵng, vượn... đều bị hạ sát. Thế nhưng, khi "hạ súng", họ trở thành kiểm lâm bảo vệ rừng già.

Giết gấu dễ như ăn cơm

Hai trong số xạ thủ từng là những người chuyên săn bắn động vật quý hiếm là anh Lò Văn Đoàn người dân tộc Thái ở bản Ít xã Nậm Păm và anh Sùng A Giạng người dân tộc Mông ở bản Chom Khâu xã Ngọc Chiến. Cả hai đều là thành viên tổ bảo vệ rừng Mường La (Sơn La).

Tuy nhiên, trước khi làm kiểm lâm, họ đều là những xạ thủ bậc nhất về săn bắn động vật. Anh Lò Văn Đoàn nhớ lại: "Trước đây, chúng tôi sống bằng nghề săn bắt hái lượm chứ không phải lén lút vào rừng săn bắn nên việc giết động vật là chuyện hết sức bình thường".

Anh Sùng A Giạng từng là xạ thủ chuyên săn vượn đen tuyền. 

Anh Đoàn thành thật: "Ngày trước, tôi giết gấu dễ như việc ăn cơm. Ở đây người ta sợ con vật này, chứ với tôi chỉ "đoàng" một phát trúng óc gấu là con vật ngã khuỵu". Anh cho biết thêm, để cải thiện cuộc sống, ngoài gấu thì nai, hoẵng, sóc, chim... đều bị anh bắn hạ. Con thú to thì đem bán lấy tiền mua gạo, con thú nhỏ thì để ăn.

Anh Đoàn kể: "Rừng Mường La vừa rộng vừa rậm rạp, rắn rết nhiều vô kể. Có loại rắn độc chỉ cắn một phát là chết ngay lập tức. Nhưng chúng tôi kinh nghiệm rồi nên ít khi bị chúng tấn công. Con thú ngày trước cũng nhiều, hổ, báo gầm rên suốt đêm ngày. Có người chỉ chuyên đi săn hổ, báo lấy xương và da. Tôi thì con nào cũng bắn, đấy là cái nghề để sống mà thôi".

Bố của anh Đoàn cũng là một thợ săn nổi tiếng ở Mường La. Tuy nhiên, trong một chuyến săn gấu vào năm 1991, ông đã bị gấu cào đứt một ngón tay. Rất may, ông đã nhanh chóng chạy thoát.

Bảo vệ vượn đen là trách nhiệm cao nhất của tổ tuần rừng. 

Hạ sát cả vượn đen tuyền

Anh Sùng A Giạng lại là một cao thủ chuyên bắn vượn đen tuyền. Để đạt được đến trình độ này, Giạng đã phải luyện tập cùng người anh trai cũng là một thợ săn nổi tiếng ở bản Mông. Giạng bảo: "Bắn con vượn khó hơn những con thú khác. Vượn đen nó khôn lắm. Mình phải trườn bò như con rắn dưới đất thì nó mới không phát hiện ra".

Ở Mường La và khu vực tiếp giáp là cánh rừng rộng đến 20.000ha ở Mù Cang Chải - Yên Bái (hiện được nâng cấp thành khu bảo tồn - PV) tập trung rất nhiều cá thể vượn đen tuyền. Đây là "nguồn sống" của Giạng và gia đình nên ngay từ nhỏ, Giạng đã được anh trai đưa đi trong những chuyến săn bắn. 

Anh Giạng cho biết, có chuyến đi kéo dài hằng tháng mới săn được một con vượn đen. Thịt vượn đen tuy không ngon nhưng rất hợp khẩu vị của những người Mông bản địa. Vì vậy, việc phải bắn hạ được vượn đen trong mỗi chuyến đi có ý nghĩa sống còn với thợ săn.

Có những lần anh Giạng và đội thợ săn bắn được một con vượn đen cái. Tuy nhiên, khi Giạng chạy lại thu "chiến lợi phẩm", anh đã bật khóc khi thấy con vượn này đang ôm một con vượn mới sinh. Ánh mắt cầu khẩn của của vượn mẹ đã ám ảnh Giạng suốt những năm tháng còn lại. Anh quyết tâm "hạ súng", không bao giờ săn bắn nữa.

Anh Lò Văn Đoàn ghi chép số liệu về rừng. 

"Hạ súng" thành... kiểm lâm

Năm 2003, Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) chính thức công bố khu bảo tồn Mù Cang Chải (Yên Bái) và rừng phòng hộ Mường La với tổng diện tích 25.000ha là nơi cư ngụ lớn nhất Đông Nam Á của loài vượn đen tuyền - loài linh trưởng được xếp vào bậc nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Không lâu sau đó, Lò Văn Đoàn và Sùng A Giạng được mời hợp tác với nhóm bảo tồn với mục đích bảo vệ loài vượn đen tuyền quý hiếm. Chẳng cần đắn đo suy nghĩ, hai xạ thủ "hạ súng", gật đầu làm kiểm lâm. Từ đó đến nay, hằng tháng họ vẫn tổ chức tuần rừng, chống lâm tặc để bảo vệ động thực vật của rừng Mường La.

Ấy vậy, mà mỗi người chỉ nhận được mức lương khiêm tốn 1,4 triệu đồng mỗi tháng. Nhưng họ bảo, lương không phải là thứ quan trọng, bảo vệ rừng và loài vượn đen tuyền mới đáng quan tâm. Đó âu cũng là những hành động đẹp để "trả nợ" rừng xanh, trả lại những năm tháng tàn phá bắn giết khốc liệt muông thú của rừng.

Bữa cơm của đoàn tuần rừng bên khe suối. 

Anh Giạng bảo: "Mỗi chuyến tuần rừng kéo dài hằng tuần, mình ăn ở trong rừng luôn. Cảm giác giữa việc bảo vệ rừng khác với đi săn bắn rất nhiều. Mình cứ nghĩ là đứa con của rừng, bảo vệ rừng và được rừng che chở. Cái tâm cũng cảm thấy thoải mái hơn".

Còn anh Đoàn thì thổ lộ: "Vừa rồi chúng tôi có khảo sát, chỉ tính riêng ở địa phận rừng Ngọc Chiến đã có 18 cá thể vượn. Nếu ngày trước, chúng tôi không săn bắn thì có thể sẽ còn nhiều lắm. Bây giờ, làm kiểm lâm rồi tôi mới thấy tiếc thương cho loài vượn này".

Trưởng nhóm bảo vệ rừng - ông Quàng Văn Toàn cho hay: "Một tháng chúng tôi vào rừng 20 ngày, nhiều anh em bị tai nạn do trượt ngã hoặc rắn cắn. Tuy bảo vệ nghiêm ngặt như vậy nhưng rừng vẫn bị tàn phá. Các anh em rất vất vả mới bảo vệ được nơi cư ngụ của vượn đen".

Ông Toàn cũng thành thật: "Đận những năm 1980 đến 1990 là khoảng thời gian vượn đen bị săn bắn nhiều nhất. Chúng phải giảm đến 80% chứ không ít hơn". Ấy thế mà mãi đến năm 2000, việc thu giữ súng mới được triển khai. Chỉ sau một thời gian rất ngắn, mấy nghìn khẩu súng được giao nộp cho cơ quan công an. Sự bình yên của rừng mới được trở lại.

Hiện nay, Tổ bảo vệ rừng ở Mường La chỉ có 10 thành viên và chia làm 3 nhóm, họ tuần tra bảo vệ rừng 24/24 trên khắp một địa bàn rộng hàng chục nghìn ha. Việc bảo vệ rừng cần phải có những người khoẻ mạnh và nhiều kinh nghiệm leo trèo. Anh Sùng A Giạng và Lò Văn Đoàn từng là những thợ săn, nhưng giờ đã thành những kiểm lâm nhiệt tình. 
Ông Trần Ngọc Huệ (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường La)

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Trần Hoà

Bình luận(0)