Bộ trưởng Y tế và phát ngôn… “dậy sóng” dư luận

Google News

(Kiến Thức) - Gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến liên tục có những phát ngôn khó hiểu, “né” trách nhiệm người đứng đầu khiến người dân hoang mang...

"Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin... do kỹ thuật xử lý kỹ thuật"
Dư luận đang dành sự quan tâm đặc biệt đến vụ việc 3 trẻ sơ sinh tại Quảng Trị tử vong ngày 20/7 sau khi tiêm vắc xin viêm gan B. Cùng thời gian đó, ngày 21/7, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị để tham dự lễ khởi công xây dựng nhà tháp chuông tại huyện Gio Linh; thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn...
Tại đây, khi phóng viên đề nghị Bộ trưởng phát ngôn về việc 3 trẻ sơ sinh tử vong sau tiêm vắc xin Viêm gan B, bà đã từ chối trả lời với lý do “đã có đoàn công tác của Bộ Y tế nắm bắt thông tin và trả lời báo chí”.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Ngày 24/7, trả lời báo chí, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích là do lịch công tác ở Quảng Trị đã được… bố trí kín nên bà không thể đến thăm các gia đình có cháu bé bị tử vong. Cùng với đó, Bộ trưởng cho biết, đã cử đoàn công tác tại Quảng Trị đến thăm hỏi và chỉ đạo đoàn công tác của Bộ sớm tìm nguyên nhân và khắc phục hậu quả.
Nữ Bộ trưởng còn khẳng định: “Sẽ không có bao che, mà công khai, minh bạch nguyên nhân. Trách nhiệm của ai sẽ xử lý người đó. Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin; lỗi do người tiêm, xử người tiêm; lỗi do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”.
Phát biểu của Bộ trưởng Y tế càng làm dư luận thêm “nổi sóng” vì cho rằng Bộ trưởng dường như chưa thấu hiểu nỗi đau, mà còn cố gắng tìm cách né trách nhiệm. Dư luận hoang mang không biết rằng theo phát ngôn Bộ trưởng “lỗi của vắc xin thì xử vắc xin”… Vậy, làm thế nào “xử” được vắc xin?!
Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước!
Ngày 27/5, bên hành lang phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Kim Tiến đã trả lời báo chí về vấn đề giảm tải bệnh viện, đầu tư cho ngành y tế…
Liên quan đến tình trạng quá tải bệnh viện kéo dài nhiều năm nhưng việc khắc phục vẫn diễn ra rất chậm, 3-4 bệnh nhân vẫn phải nằm ghép giường, phóng viên có đặt vấn đề, Bộ Y tế đưa ra thời điểm cụ thể giải quyết vấn đề này.
Chờ đợi mỏi mệt khám chữa bệnh ở bệnh viện Ung bướu TP.HCM. 
Bộ trưởng Tiến đã không ngần ngại trả lời rằng: “Câu hỏi này cũng phải dành cho Nhà nước vì Bộ Y tế không thể xây nhà được và cũng không có tiền làm nhà, xây bệnh viện hay mua trang thiết bị. Chúng tôi rất chia sẻ với cử tri và cảm thấy đau xót vô cùng với những nỗi vất vả mà người dân phải chịu khi nằm ghép, chờ đợi lâu. Nhưng cái chính là đầu tư vì Nhà nước mình còn nghèo. Ðương nhiên, Nhà nước đã cố gắng nhưng không thể giải quyết một sớm một chiều”.
Chính phủ với vai trò lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành đã giao nhiệm vụ giải quyết các vấn đề của ngành cho những người đứng đầu. Vậy mà Bộ trưởng Kim Tiến chuyển câu hỏi của dân cho “Nhà nước” thì người dân biết phải… hỏi ai?
Tăng viện phí là thành tựu y tế
Ngày 4/1, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký quyết định công bố 10 thành tựu tiêu biểu của ngành y tế năm 2012. Trong đó, việc tăng giá một số dịch vụ y tế là một trong những thành tựu hàng đầu.
Tại phiên chất vấn ở Quốc hội tháng 11/2012, Bộ trưởng Kim Tiến từng thốt lên rằng, mức viện phí hiện nay là quá thấp so với giá thực chi, vô hình trung làm khổ người dân. Bộ trưởng Tiến cho rằng, việc tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo mà hoàn toàn ngược lại. Nữ Bộ trưởng nhấn mạnh, chính vì giá dịch vụ thấp nên chất lượng không thể cao, vừa làm khổ bệnh nhân, vừa làm khổ bác sĩ.
Tuy vậy, người dân thì cho rằng, không biết Bộ trưởng có đặt vị trí vào quần chúng để hiểu, rằng thu nhập, mức sống của người dân thì có hạn, mà cứ tăng viện phí mãi như thế chỉ “thành tựu” cho bác sĩ, y tá còn người dân thì sẽ chỉ… “thành bệnh”?
Y tế là một trong những lĩnh vực luôn luôn nóng với đời sống dân sinh thời gian qua. Ngành còn những tồn tại kéo dài từ nhiều năm chưa giải quyết được như giá thuốc tăng cao, tình trạng quá tải ở các bệnh viện, thiếu giường bệnh, vấn đề y đức của y bác sĩ… Những tồn tại này đang là gánh nặng của người bệnh mà họ đang hàng ngày đối mặt khi phải vào viện điều trị.
Người dân mong chờ sự thay đổi mạnh mẽ từ ngành Y tế, mong được giảm gánh nặng. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế, ở vị trí “tổng tư lệnh” lại có những phát ngôn chỉ khiến người dân thêm… băn khoăn...
Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận(0)