7 phận người và “2 thế giới“

Google News

(Kiến Thức) - Trong ngôi nhà ấy có 7 nhân khẩu cùng sinh sống nhưng lại được chia thành... hai thế giới: một của người lành lặn và một của người điên, người thiểu năng trí tuệ.

Chính "cán cân" này cũng không cân bằng khi chỉ duy nhất người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi là lành lặn. Đến nỗi, tôi tưởng như nếu lấy nước mắt để đong sự bất hạnh thì những phận đời trong ngôi nhà ấy cần đến cả một dòng sông.

Chồng chỉ biết... đánh giậm và đi gặt

Nếu ai đó cho rằng, muốn biết xã nào đó có phát triển hay không, giàu hay nghèo hãy cứ nhìn vào... trụ sở ủy ban thì rõ ràng, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương vẫn còn nghèo lắm, khi mà trụ sở vẫn còn là nhà cấp 4 thấp tè lợp ngói cũ kỹ, các phòng làm việc được ngăn với nhau bởi tấm vách. Ở trong mặt bằng chung ấy thì dường như, hoàn cảnh của gia đình bà Nguyễn Thị Tèo - ông Phạm Đình Phúc, thôn Đồng Han thật sự là một chấm đen trên tấm bản đồ xám ngoét. 

Hỏi chuyện bà Tèo, dường như những vất vả, bất hạnh trong mấy chục năm nay khiến người đàn bà ấy như quên cả ý niệm về tháng năm, tuổi tác. Đến nỗi được hỏi tuổi của mình, bà chẳng nhớ, phải lật đật đi tìm cuốn sổ hộ khẩu.

Bà Tèo sinh năm 1953. Bà bảo, chẳng biết có phải cái tên vận vào đời người hay không mà cuộc đời bà cũng coi như đã "tèo" từ ngày lấy chồng. Năm 1971, bà lập gia đình với ông Đào Duy Quầy. Lấy nhau được chừng ba tháng thì ông đi B. Năm 1972, ông hy sinh. Hai ông bà chưa kịp có với nhau mặt con nào. Cuối năm ấy, nhờ người mai mối, bà gật đầu về làm vợ ông Phạm Đình Phúc, sinh năm 1946. Hạnh phúc tưởng như đã tái sinh, bù đắp cho những tháng ngày cô quạnh của người đàn bà góa bụa.

Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi cũng chính trong ngày cưới, bà mới chưng hửng biết rằng chồng... không biết đếm tiền. Ông cũng chẳng biết đọc, biết viết, chậm chạp nên mọi việc trong nhà đều do bà quyết định. Không thể vác được chiếc cày, chiếc bừa ra đồng nhưng bù lại, ông rất chịu khó đi đánh giậm bắt cua cá về cho vợ bán kiếm tiền đong gạo và... biết đi gặt.

Vợ chồng bà Tèo và hai bố con anh Huynh. 

"Không nuôi được thì giết con đi!"

Lần lượt bốn người con (3 trai, 1 gái) của ông bà ra đời. Cuộc sống trong những năm bao cấp với bộn bề khó khăn nên bà Tèo cũng chẳng có thời gian mà để ý đến sự phát triển không bình thường của hai cậu con trai cả và thứ ba. Mãi đến khi cậu con cả là Phạm Đình Huynh (sinh năm 1975) đi học, ba năm mà chẳng biết một chữ nào, bà mới lờ mờ nhận ra con có những biểu hiện chậm phát triển. Còn cậu con thứ ba Phạm Đình Vinh (sinh năm 1980) bên cạnh chứng bị câm bẩm sinh còn thường xuyên đập phá đồ đạc, đi lang thang. Những lúc "lành" nhất, Vinh chỉ ngồi một xó, ăn uống, vệ sinh cá nhân ngay tại chỗ. Vì nghèo túng nên bà Tèo cũng chẳng đưa con đi khám bao giờ.

Bệnh tình của Vinh càng ngày càng nặng. Hơn chục năm nay, ông bà phải tìm dây xích để xích con lại ở góc vườn, lợp tạm tấm bạt che mưa che nắng bởi "nếu không, nó đi đập phá đồ đạc nhà hàng xóm, lấy tiền đâu mà đền".

Năm 2006, bà Tèo đưa con xuống Bệnh viện Tâm thần Hải Dương khám, kết quả là Vinh bị "chậm phát triển tâm thần nặng". Cái tờ giấy kèm kết quả ấy, bà cất vào trong đống giấy tờ, không nộp lên xã. "Việc Vinh được hưởng chế độ 180.000đ/tháng cũng là do chính quyền xã thấy hoàn cảnh của gia đình nghèo túng nên mới làm hồ sơ đề nghị cấp trên", ông Nguyễn Văn Vỹ, cán bộ Ban Thương binh - Xã hội xã Hồng Dụ xác nhận.

Ấy thế mà cũng có lần, Vinh tuột dây xích, trèo tường vào nhà hàng xóm bẻ quả hồng xiêm xanh. Chủ nhà phát hiện, chửi um lên, bảo bà Tèo rằng "nếu không nuôi được thì giết con đi!".

Bà bảo, nghe vậy bà nghẹn đắng vì uất ức, vì tủi phận, "muốn chết quách đi cho rồi". Sau bận ấy, bà phải thay bộ xích và khóa mới, vòng xích cũng siết chặt vào chân con hơn. "Còn chuyện Vinh đánh đấm bố mẹ thì "nhiều như cơm bữa" vì nó có biết bố mẹ là ai đâu", bà chua chát.

Cũng mới hai năm nay, Vinh được chuyển sang "nhà mới" thay vì ở góc vườn. Đó là một căn phòng trong ngôi nhà ngang, rộng chừng chục mét vuông và không cửa liếp che chắn. Ông bà cho xây lên tấm bệ làm chỗ ăn ngủ, sinh hoạt của Vinh nhưng cũng chẳng khác gì chỗ ở ngoài vườn trước đây bởi mùi nồng nặc. Ấy là mùi tổng hòa của người đã lâu rồi không tắm giặt, mùi nước tiểu, mùi thức ăn còn sót lại, mùi ẩm mốc của căn phòng chỉ duy nhất một cửa được mở, mùi chăn màn cáu bện những mồ hôi... Suýt chút nữa, tôi đã nôn thốc nôn tháo nếu không vội bụm miệng lại. Bà Tèo nhìn khách vẻ ái ngại rồi nhìn sang người con tội nghiệp, vỗ về như sợ con lại "nổi điên" tưởng bà vào lôi con đi tắm mà đánh mẹ như bao lần.

Hơn chục năm nay, gia đình bà Tèo phải xích người con trai thứ ba lại
như thế này. 

Lo cho "thằng điên" không bằng "thằng dở"

"Gia cảnh của vợ chồng bà Tèo - ông Phúc chúng tôi đều biết. Thế nhưng, theo hồ sơ chúng tôi nhận được do gia đình gửi lên thì mới có của anh Vinh thôi. Dù địa phương rất muốn giúp đỡ nhưng cũng chỉ là việc miễn giảm những loại thuế, phí cho gia đình thuộc diện hộ nghèo. Còn ba bố con anh Huynh muốn được trợ cấp thì phải có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ theo quy định mới giải quyết được".

Ông Nguyễn Văn Vỹ (cán bộ Ban Thương binh - Xã hội xã Hồng Dụ)
Những tưởng, với người mẹ khốn khổ đã bước sang dốc bên kia đời người ấy thì việc lo lắng cho đứa con trai điên dại này là lớn nhất, thường trực nhất nhưng không phải. Bà bảo, "dẫu sao thằng Vinh cũng được tiền trợ cấp của Nhà nước. Còn điều tôi lo nhất lại là ba bố con thằng Huynh. Lo cho thằng con điên không bằng lo cho ba bố con thằng dở cô ạ".

Bà kể, năm 2002, ông bà tìm được vợ cho Huynh. Cuối năm đó, vợ chồng anh sinh cô con gái đầu lòng, đặt tên là Phạm Thị Yến. Năm 2007 thì sinh tiếp người con trai thứ hai tên Phạm Đình Hinh. Thế nhưng, đáng buồn là các cháu cũng chậm chạp giống bố. Cháu Yến đã 11 tuổi nhưng gầy nhỏ như đứa trẻ lên 7, lên 8.

Cháu chưa biết mặt chữ, dù đã ba năm ngồi ghế lớp một. Cháu cũng không thể phân biệt được các màu sắc. Còn cháu Hinh khá khẩm hơn chị một tí song "cơ bản cũng chẳng bằng được những đứa trẻ hàng xóm. Tôi không biết cháu có theo được lớp một không nữa", bà Tèo nén tiếng thở dài.

Hơn nửa năm nay, mẹ các cháu đi rửa bát thuê cho một hàng ăn trên phố. "Chẳng hiểu sao mà gần đây nó về nhà ít hẳn, cũng chẳng đoái hoài đến chồng con. Tôi nghe người ta bàn tán nó có bồ. Tôi không thể theo chân con dâu nên không rõ. Bây giờ, vợ chồng tôi cũng già rồi, chẳng biết sống được bao lâu nữa. Nếu nó về thì bố con thằng Huynh được nhờ cậy một tí, không thì biết sống thế nào. Thằng Huynh cũng chẳng làm được việc nặng nhọc, đi làm thuê cũng chỉ được một lúc rồi bỏ về, người ta thương tình mà trả cho mấy đồng tiền công thôi. Hai đứa em của nó cũng đã lập gia đình nhưng khó khăn lắm", bà Tèo nhìn con cháu, mắt rơm rớm.

Vừa lúc ấy, ông Phúc đi đánh giậm về. Thành quả là một dúm cá nát cùng rong rêu. Bà Tèo nói như an ủi: "Cá nhỏ thế này khó bán lắm, thôi thì được bát canh chua cải thiện".

Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Bà Nguyễn Thị Tèo, thôn Đồng Han, xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 0974.974.104

Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay. 

Trân trọng!     

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Thanh Thủy

Bình luận(0)