Kinh ngạc cách Quân đội Mỹ phát động chiến tranh toàn cầu

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi tiến hành một cuộc chiến, Quân đội Mỹ thường có những hoạt động quân sự ngẫu nhiên nhưng đều theo quy luật. Đây là dấu hiệu báo trước cho một cuộc chiến tranh tổng lực mà Mỹ sắp tiến hành.

Qua nghiên cứu các cuộc chiến tranh gần đây do Quân đội Mỹ tiến hành, các chuyên gia phân tích quân sự nhận định, mỗi khi Mỹ khởi động bộ máy chiến tranh hoàn toàn không phải ngẫu nhiên mà đều tuân theo các quy luật được ước định sẵn. Trong đó có 3 dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đó là: Hoạt động tình báo trinh sát; dự trữ vận tải vật tư trang bị và điều động bố trí binh lực, thiết lập sở chỉ huy.
Hoạt động thu thập thông tin tình báo
Mặc dù cơ quan tình báo Mỹ có mạng lưới tình báo thông tin toàn cầu, có thể cung cấp tin tức cho chiến tranh, nhưng nhìn chung những cuộc chiến tranh có sự tham gia của Washington kể từ khi kết thúc chiến tranh Lạnh, Quân đội Mỹ vẫn hết sức coi trọng triển khai trinh sát thực địa cụ thể đối với chiến trường mục tiêu, đặt cơ sở cho công tác thu thập thông tin tình báo ở mọi lúc mọi nơi. Trong đó, lực lượng trinh sát không gian được coi trọng đặc biệt.
Dù sở hữu hệ thống trinh sát tình báo điện tử tinh vi, Quân đội Mỹ vẫn sử dụng các hoạt động trinh sát thực địa truyền thống. Nguồn ảnh: DefenceTalk. 
Trinh sát không gian là lực lượng đi đầu trong hệ thống tình báo trinh sát, trong mấy cuộc chiến tranh những năm gần đây của Mỹ và nhiều nước trên thế giới, lực lượng trinh sát không gian này đều đảm nhận trách nhiệm trinh sát chiến trường, theo dõi mục tiêu thời chiến, dẫn đường và đánh giá kết quả tiêu diệt mục tiêu sau tấn công. Ở giai đoạn chuẩn bị tác chiến, phát động chiến tranh, Quân đội Mỹ sẽ chỉ huy trinh sát qua phương thức sử dụng vệ tinh trinh sát giám sát sẵn có, thay đổi, hạ thấp quỹ đạo, tập trung bố trí tối đa nguồn lực trinh sát vũ trụ trên hướng khu vực tác chiến, triển khai công tác thu thập thông tin tình báo liên quan tới bố trí đội hình, thành phần binh lực, vị trí cơ sở hạ tầng trọng yếu của đối phương.
Ngoài trinh sát vệ tinh, Quân đội Mỹ vẫn hết sức coi trọng phát huy vai trò riêng của biện pháp tình báo truyền thống sử dụng con người. Trước khi nổ ra chiến tranh, tình báo Mỹ sẽ triển khai các hoạt động thu thập thông tin tình báo địa phương trong bí mật, mục tiêu hướng đến là các nguồn thông tin tình báo mà thông qua các biện pháp công nghệ cao không thể thu thập được. Họ luồn sâu vào lãnh thổ đối phương để thu thập thông tin tình báo có liên quan, sau đó báo cáo cho lực lượng không quân sau khi đã xác định vị trí công trình quân sự và trung tâm thông tin được ngụy trang của đối phương.
Củng cố hậu cần
Trước khi chính thức phát động chiến tranh, tại các khu vực chuẩn bị tác chiến và khu vực thuộc nước đồng minh gần nước đối tượng, Quân đội Mỹ sẽ thiết lập các căn cứ bảo đảm hậu cần và chỉ huy tương ứng, phụ trách tổ chức sản xuất, mua sắm, dự trữ và cung ứng vật tư hậu cần, đặt cơ sở chuẩn bị sớm cho chiến tranh. Trang bị vật tư hùng hậu cùng với năng lực vận chuyển từ xa sẽ cung cấp cho Quân đội Mỹ sự đảm bảo vững chắc cho hoạt động tác chiến toàn cầu.
Bên cạnh đó, lực lượng dự bị bảo đảm hậu cần trên biển cũng là giải pháp có hiệu quả để Quân đội Mỹ ứng phó với vụ việc xảy ra bất ngờ, để nhanh chóng triển khai lực lượng quân sự đến khu vực tác chiến ở hải ngoại. Về mặt hành chính, lực lượng dự bị trên biển thuộc quyền quản lý chỉ huy của Bộ tư lệnh vận tải quân sự trên biển.
 Với các căn cứ quân sự và lực lượng đồng minh, Mỹ có thể phát động chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào trong 48 giờ đồng hồ. Nguồn ảnh: Starr FM.
Lực lượng này được biên chế 173 tàu thuyền các loại, biên chế thành 4 tiểu đoàn, phân bố trên ba vùng tác chiến khắp thế giới. Tiểu đoàn 1 tiếp tế trên biển đóng ở Địa Trung Hải, tiểu đoàn 2 bố trí ở căn cứ Diego Garcia - Ấn Độ Dương, tiểu đoàn 3 đóng ở Guam - Thái Bình Dương và tiểu đoàn 4 là tiểu đoàn tiếp tế lưu động của lục quân ở trong vịnh Ba Tư. Những lực lượng này sẵn sàng tiếp tế trang bị quân sự quan trọng, nhiên liệu cho các đơn vị tác chiến ở khu vực xảy ra xung đột, nhằm rút ngắn thời gian đáp ứng nhu cầu trang bị và tiếp tế cần thiết đến khu vực tác chiến.
Thiết lập Bộ chỉ huy và triển khai binh lực
Việc tổ chức Bộ chỉ huy tiền phương và tập kết lực lượng quân sự là 2 bước quan trọng nhất trước khi Quân đội Mỹ bắt đầu hành động quân sự. Hoạt động này nhằm tạo thuận lợi cho cấp chỉ huy Quân đội Mỹ nắm bắt tình hình chiến trường ở cự ly gần, đồng thời sẵn sàng đưa ra phản ứng xử lý khủng hoảng. Hiện nay, ngoài các bộ chỉ huy thuộc các Bộ tư lệnh chiến lược, thì Mỹ còn thiết lập thêm các Bộ chỉ huy tại căn cứu quân sự thuộc các quốc gia đồng minh trên khắp thế giới.
Biên đội tàu sân bay đóng vai trò đặc biệt trong cỗ máy chiến tranh của Mỹ, khi là căn cứ nổi trên mọi đại dương cho phép Washington phát động chiến tranh ở bất kỳ đâu. Nguồn ảnh: Starr FM. 
Về bố trí hệ thống binh lực, Quân đội Mỹ triển khai binh lực trên phạm vi toàn cầu và chia thành 6 chiến trường chiến lược. Tại mỗi khu vực chiến trường, Quân đội Mỹ bố trí từ 1 - 2 biên đội tàu sân bay. Trong đó đặc biệt là tại khu vực vùng Vịnh, Mỹ bố trí quân tại 25 quốc gia từ châu Phi đến Ápganixtan. Hàng năm Mỹ tiến hành thay đổi luân phiên nhiệm vụ trực chiến đấu đối với các biên đội tàu sân bay tại đây.
Ngoài ra, Quân đội Mỹ còn bố trí tại khu vực này 2 sư đoàn thủy quân lục chiến là sư đoàn 1 và sư đoàn 3 viễn chinh. Biên chế mỗi sư đoàn viễn chinh khoảng 30.000 quân, có 3 tiểu đoàn hải quân đánh bộ, 1 tiểu đoàn pháo, 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn đột kích đổ bộ, 1 tiểu đoàn thiết giáp nhẹ, 1 tiểu đoàn công binh chiến đấu và 1 tiểu đoàn trinh sát.

Mời độc giả xem video: Quy mô hoạt động của Hải quân Mỹ trước một cuộc chiến. (nguồn US Defense News)

Ngọc Lam

>> xem thêm

Bình luận(0)