Đâu là mục đích can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Mỹ bắn hơn 50 quả tên lửa Tomahaw vào Syria đang dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột Nga - Mỹ tại khu vực này.

Tháng 8/2013, chính quyền Tổng thống Obama bắt đầu xem xét khả năng tấn công quân sự vào lực lượng chính quy của Tổng thống Bashar al-Assad, sau khi thế giới lên án cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vào các quận do quân nổi dậy chiếm giữ ở phía Đông thủ đô Damascus. Trong khi Mỹ khẳng định hành động quân sự của mình là nhằm mang lại hòa bình cho khu vực và vì người dân Syria thì giới phân tích quân sự lại cho rằng, mục đích chính của Mỹ khi can thiệp vào tình hình Syria xuất phát bởi các nguyên nhân sau:
- Thứ nhất, gia tăng ảnh hưởng tại khu vực đồng thời mong muốn tiếp tục khai phá nguồn tài nguyên của quốc gia này. Theo giới phân tích chính trị thế giới, bằng cách lật đổ chế độ cầm quyền ở một số nước Bắc Phi và Trung Đông trong đó có Syria, Mỹ muốn đẩy Nga ra khỏi khu vực địa, chính trị quan trọng này đồng thời qua đó tạo cơ sở nhằm chiếm đoạt tài nguyên dầu mỏ và khí đốt ở các quốc gia trong khu vực.
Có thể nhận thấy một điều rõ ràng là, tất cả các cuộc cạnh tranh và xung đột từ đầu thế kỷ 21 đến này đều xoay quanh những khu vực có nhiều tài nguyên chiến lược, trước hết là dấu mỏ và khí đốt. Trong khi đó, Syria là một phần hợp thành đề án đường ống dẫn khí đốt đi qua nhiều nước Ả Rập, có chiều dài tới gần 1.200km, có khả năng chuyển tải tối đa gần 10 tỷ mét khối khí đốt. Đáng chú ý, đường ống này sẽ chạy qua thành phố Home của Syria, nơi có trữ lượng dầu khí lớn, được coi là ngã tư chính của dự án.
Dự án này thành công sẽ làm thay đổi toàn bộ tình hình địa chính trị thị trường khí đốt quốc tế, gây thiệt hại cho Nga, Syria, Iran và Iraq đồng thời cũng là một đòn đánh nghiêm trọng vào Trung Quốc. Do đó, Mỹ triệt để lợi dụng cuộc chiến chống IS để phá vỡ sự độc quyền khí đốt của Nga ở châu Âu; giải phóng sự phụ thuộc của Thổ Nhĩ Kỳ vào khí đốt của Iran; cung cấp cho Israel cơ hội xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bằng đường bộ với chi phí thấp và làm gián đoạn nguồn cung năng lượng cho Trung Quốc.
Dau la muc dich can thiep quan su cua My vao Syria?
Biên đội tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Ox43.com 
- Thứ hai, tạo thế bao vây, cô lập Nga, hất Moscow ra khỏi khu vực vô cùng quan trọng này đồng thời gia tăng quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á - Âu.
Ngay từ thời tổng thống G.W.Bush, nước Mỹ đã nuôi tham vọng khống chế toàn bộ khu vực Trung Đông thông qua đề án “Trung Đông lớn”. Mục tiêu của đề án này là:
+ Thay đổi biên giới của 24 quốc gia, từ Maroc tới Afghanistan, làm bàn đạp để Mỹ tiến tới thiết lập quyền kiểm soát đối với toàn bộ lục địa Á - Âu;
+ Gia tăng cạnh tranh địa chính trị với Nga tại khu vực, từng bước xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Nga đối với các nước Trung Đông. Chính vì thế, sau khi lên nắm quyền điều hành nước Mỹ, tổng thống Obama đã sử dụng các biện pháp chiến lược khác nữa để thực hiện Đề án “Trung Đông Lớn” thông qua sức mạnh cứng là quân sự, kinh tế kết hợp với sức mạnh mềm là ngoại giao, chiến tranh thông tin và mạng internet. Hiện nay, để đối phó với việc liên quân Nga và chính phủ Syria đang dần chiếm lợi thế trên thực địa, buộc tổng thống Donal Trump phải có biện pháp cứng rắn hơn nếu như không muốn mất đi lợi thế và các mục tiêu chiến lược đã được xác định như ở trên.
- Thứ ba, gián tiếp làm suy yếu các nước mà Mỹ cho là thù địch trong khu vực. Cuộc chiến đã làm suy yếu nghiêm trọng Syria, một kẻ thù truyền thống đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông. Nó cũng làm chảy máu Hezbollah và Iran về tài chính và quân sự. Iran đã mất hàng chục viên tướng, trong đó có tướng cấp cao trong cuộc chiến Syria. Đây chính là cuộc chiến mà kẻ thù của Mỹ đang tàn sát lẫn nhau: một bên là Iran, Assad và Hezbollah, còn bên kia là đám chiến binh thánh chiến Sunni cực đoan. 
- Thứ tư, lợi dụng việc thành lập liên minh chống IS để thúc đẩy mối liên kết an ninh toàn cầu. Việc hình thành liên minh quốc tế chống IS gồm trên 60 quốc gia đã giúp Mỹ đánh bóng hình ảnh và khẳng định vị trí số 1 thế giới thông qua chiêu bài chống khủng bố; hình thành một liên minh quân sự với quy mô liên lục địa, từ đó tiến tới hình thành một tổ chức quân sự tương tự NATO trên phạm vi toàn cầu.
Dau la muc dich can thiep quan su cua My vao Syria?-Hinh-2
Biên đội tàu chiến Mỹ tại Địa Trung Hải. Ảnh: Rt.com 
Tuy nhiên, hiện nay Mỹ cũng đang gặp phải nhiều thách thức trong cuộc chiến tại Syria. Những thách thức đó là:
- Hậu quả là tình hình hỗn loạn này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử khủng bố thường xuyên tấn công châu Âu cũng như các cuộc tấn công khủng bố của đám “sói đơn độc” bị nhiễm tư tưởng Hồi giáo cực đoan ở Mỹ. Nguy cơ bị tấn công khủng bố ngày càng cao ngay ở trong lòng nước Mỹ và châu Âu khiến phương Tây vô cùng lo lắng và sống trong sợ hãi;
- Gia tăng số lượng các nhóm thánh chiến cực đoan, có khả năng ngoài tầm kiểm soát của Mỹ;
- Gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Nga. Mặc dù hai cường quốc trên bằng mặt trong cuộc chiến chống IS nhưng những hành động đơn phương “vô ý” nhằm vào quân chính phủ Syria của Mỹ khiến Nga thực sự khó chịu. Nếu như không có sự kiềm chế nhất định thì rất có thể hai bên sẽ đáp trả nhau bằng quân sự thông qua hành động “vô ý” rất khó đoán trước;
- Cuộc chiến chống IS sẽ có nguy cơ kéo dài hơn dự kiến, khiến Mỹ tiêu tốn nhiều tiền bạc do lực lượng IS ẩn nấp trong khu vực dân cư và tác chiến phân tán.
Lam Ngọc

>> xem thêm

Bình luận(0)