Bí ẩn chiến dịch di tản của người Mỹ khỏi Sài Gòn (4)

Google News

(Kiến Thức) - Nhận thấy sức mạnh của quân Giải phóng ngày càng tăng nhanh, người Mỹ ở Nam Việt Nam đã bắt đầu tính đến kế hoạch di tản, rút khỏi Sài Gòn. 

Việc di tản của người Mỹ ở Sài Gòn được bắt đầu từ những đứa trẻ mà dư luận gọi là chiến dịch Babylift tai tiếng vì nhiều ẩn số cho những ý định sau này.
Kỳ 4: Bí ẩn thảm họa trong chiến dịch Babylift
Chuẩn bị di tản
Sau khi Nha Trang thất thủ, Mỹ đã thành lập một lực lượng “can thiệp" để điều hòa các kế hoạch tản cư. Lúc này Nhà Trắng tránh bất cứ bình luận trực tiếp nào về cuộc khủng hoảng Đông Dương đang có xu hướng ngày càng lan rộng. Ở thời điểm này, quân Giải phóng đã thâm nhập sâu vào tỉnh Tây Ninh, giữ đường tiến về Sài Gòn ở phía Nam. Ngày 3/4, quân Giải phóng đánh chiếm Chơn Thành, cách Sài Gòn 70 kilômet về phía Bắc. Khi tin ấy về tới Sài Gòn, kiều dân phương Tây muốn rời khỏi Việt Nam. Chỉ một đêm, số người giữ chỗ trên chuyến máy bay quốc tế của hãng Pan Am tăng gấp hai lần. Hãng hàng không China Airline không còn chỗ cho đến ngày 9/4.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (4)
 Frederick Weyand, tư lệnh cuối cùng của MACV. 
Ngày 3/4, Tổng thống Ford đang nghỉ hè ở Palm Springs, nhưng vẫn phải tuyên bố với các nhà báo: Thiệu vội vàng rút lui khỏi Tây Nguyên nên việc di tản 6.000 Mỹ ở Việt Nam đã được đề ra. Ford giải thích rằng, đạo luật qui định quyền hạn của tổng thống trong chiến tranh cho phép ông ta dùng lực lượng vũ trang để giúp việc tản cư công dân Mỹ ở bất cứ vùng nào trên thế giới.
Ở thời điểm đó, theo quy định của Mỹ, các sứ quán Mỹ trên thế giới đều phải một bản kế hoạch di tản dày 400 trang đề phòng trường hợp bất trắc có thể xảy ra. Đây là tài liệu mật chỉ được sử dụng khi cần thiết. Đại tá Garvin Mc Curdy, tùy viên không quân, đại tá Cornelius Carmody, tùy viên hải quân được giao phụ trách việc này. Được một ê kíp nhỏ giúp việc, họ nhanh chóng thảo ra một kế hoạch cụ thể di tản những người Mỹ ở các quân khu và Sài Gòn. Từ tài liệu gốc, họ chỉ còn giữ lại một số người di tản không quá 6.800 người, phần lớn là người Mỹ.
Điểm lưu ý là, trong kế hoạch di tản này không hề có việc di tản những em bé mồ côi hay những đứa trẻ lai, một phần từ hậu quả của chiến tranh trước đó. Mà kế hoạch này được xuất phát từ chính Graham Martin. Chuyện là, khi Giám đốc hãng Hàng không thế giới là Ed Daly ngỏ ý muốn tổ chức một cầu hàng không chở những đứa trẻ mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ thì Martin đã nhanh chóng xin phép Nhà Trắng thực hiện mục đích. Graham Martin tuyên bố, cuộc di tản này "sẽ giúp đảo ngược ý kiến của công luận Mỹ về lợi thế của chính quyền miền Nam Việt Nam". Còn trong thư gửi cho bộ trưởng Nam Việt Nam phụ trách vấn đề tị nạn, Martin mong rằng cái cảnh hàng trăm em bé Việt Nam được người Mỹ nhận nuôi sẽ gây được cảm tình của toàn thế giới đối với người Nam Việt Nam.
Được Nhà Trắng bật đèn xanh, ngày 2/4, những viên chức chi nhánh cơ quan CIA báo tin mở cầu hàng không "cứu giúp từ thiện", để 2.000 em bé Việt Nam trở thành con nuôi ở Hoa Kỳ, phù hợp với một luật về nhập cư. Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận thời đó thì cho rằng, về mặt nào đó, cầu hàng không trẻ em là một mưu đồ hậu chiến.
Tướng Smith, tùy viên quân sự nhận thấy việc này có lợi, là một dịp rất tốt để cho về Hoa Kỳ một số đông nhân viên của phái bộ quân sự sẽ cải trang đóng giả làm nữ y tá, người giặt giũ. Chỉ sau mấy giờ Nhà Trắng chấp nhận, ông đã ra lệnh cho các bà vợ, các nữ thư ký chuẩn bị lên đường.
Thảm kịch cạnh đường băng
Trưa ngày 4/4, chung quanh những ngôi nhà của phái bộ quân sự Mỹ ở Sài Gòn có một sự náo nhiệt đặc biệt. Nhiều thợ mộc và thợ khác đã hạ cánh cửa, để chuẩn bị cho một trung tâm tiếp đón người tị nạn. Buổi sáng hôm ấy, một chiếc Galaxy C-5A của không quân, máy bay vận tải lớn nhất thế giới hạ cánh. Đó là máy bay chở vật liệu chiến tranh cho quân đội Sài Gòn. Trong khi người ta chở hàng, nhân viên phái bộ quân sự tập hợp 243 trẻ mồ côi. Các em được máy bay này chở ngay đi Philippines cùng với 44 nhân viên phái bộ quân sự và một số người Mỹ khác. Đó là chuyến bay đầu tiên của cầu hàng không Trẻ em.
Bi an chien dich di tan cua nguoi My khoi Sai Gon (4)-Hinh-2
 Các lính Mỹ đang bới trong đống sắt vụn chiếc C-5 Galaxy để tìm kiếm thi thể những nạn nhân vụ tai nạn thảm khốc. Nguồn ảnh: Wikipedia
Chiếc phi cơ vận tải khổng lồ C-5A chở 243 trẻ em và một số người lớn, rời Sài Gòn, đang bay ra bờ biển, chợt người lái trông thấy ánh sáng đỏ nhấp nháy trên bảng, báo hiệu một cửa bị hỏng. Anh báo tin cho trạm kiểm soát sân bay, máy bay sẽ quay lại. Nó đang hạ xuống cánh đường băng, một tiếng nổ vang dội. Một phần máy bay bị phá hủy làm cho ca bin bên trong thiếu không khí. Phần lớn 50 trẻ em và người lớn ngồi trong đó chết ngay vì ngạt thở, một số bị bật tung ra ngoài, qua cửa không đóng được.
Máy bay bị nạn rơi xuống và trượt xa 800 mét đến một phía thửa ruộng phía Nam Tân Sơn Nhất. Phần lớn những người thoát chết lúc máy bay nổ và rơi nay lại bị chết đuối. Máy bay lên thẳng của hãng Hàng không Mỹ đến ngay, chở những người sống sót và hấp hối về trạm cứu thương đặt trên đường băng. Một nữ nhân viên CIA ra tiễn các em tả lại: không thể biết chắc được những em đưa từ máy bay lên thẳng sang trạm cứu thương còn sống hay chết. Hầu hết đều phủ đầy bùn từ đầu tới chân. Mãi đến lúc đưa các em từ trạm cứu thương đến bệnh viện mới phân biệt được đứa sống, đứa chết. Các nữ y tá đặt các em dưới vòi nước hoa sen, rửa người các em rồi nói: "em này còn sống, em này đã chết”. Một lát sau được mấy người Mỹ giúp đỡ, họ xếp các em còn sống lên xe jeep và xe hơi đem trả các em về các trại mồ côi. Nhiều em sợ quá không còn khóc được nữa, nhiều em khác giống như những giẻ rách trong tay nhân viên.
Tai nạn làm khiến hơn hai trăm trẻ em qua đời. Sống sót có một người, còn tất cả nữ nhân viên của phái bộ quân sự đều bỏ mạng. Nguyên nhân là do một cái cửa không được đóng kín. Tướng Smith rất đau buồn về thảm kịch này. Chính ông là người thiết tha yêu cầu cho nữ nhân viên người Mỹ đi với các em, nhưng ông từ chối không chịu bỏ nhiệm vụ đã ấn định. Hôm sau, trong lúc những kíp của phái bộ quân sự bới tìm xác chết giữa những đống sắt thép của máy bay, ông lại cho hàng trăm trẻ mồ côi và những nhân viên không cần thiết lắm lên những máy bay vận tải khác để tiếp tục di tản.
Đại sứ Martin không còn biết làm gì để có thể ổn định được tinh thần của nhân viên sứ quán về tai nạn xảy ra. Alan Carter, phụ trách cơ quan thông tin Mỹ, là người được ông giao việc đầu tiên. Hôm sau ngày xảy ra tai nạn, Carter viết một điện gửi về Nhà Trắng để báo tin: lộn xộn ngày càng lớn ở Sài Gòn sắp dần tới hoảng loạn.
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)