Ukraine có thể khiến Châu Âu “mất cả chì lẫn chài”

Google News

(Kiến Thức) - Ukraine có thể khiến Châu Âu “mất cả chì lẫn chài”, khi bỏ nhiều công sức và tiền của để vực dậy một đất nước “rối loạn chức năng” đang tan rã.

Hầu hết dân chúng Ukraine muốn đất nước của họ khác xưa. Ngay cả những người từng quay lưng với Phong trào Maidan cách đây hai năm cũng không muốn sống ở đất nước tham nhũng nhất Châu Âu này.
Ukraine co the khien Chau Au “mat ca chi lan chai”
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Các cử tri Ukraine đã bầu ra một tổng thống mới là ông Petro Poroshenko và sau đó là một quốc hội mới, với nhiệm vụ thay đổi triệt để đất nước. Hiện thời, người ta càng ngày càng thất vọng về tốc độ cải cách ở Ukraine. Với cái đà này, nếu không bị tan nát bởi nội chiến, thì Ukraine cũng có nguy cơ trở thành “một vùng xám” giữa Nga và Châu Âu.
Ukraine hiện đang đối mặt với nguy cơ xảy ra nhiều cuộc biểu tình hơn và một chính phủ bị tê liệt hơn nữa. Các cuộc bầu cử địa phương được lên kế hoạch tổ chức vào mùa thu tới và liên minh cầm quyền Poroshenko-Yatsenyuk bị chao đảo đến mức người ta khó có thể loại trừ một cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn.
Trong quan hệ quốc tế, Ukraine đang vay mượn cả thời gian lẫn tiền bạc. Nước này đã trở thành một gánh nặng đối với phương Tây. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chỉ nói một cách đãi bôi về việc kết nạp Ukraine trong tương lai, trong khi Liên minh Châu Âu (EU) thúc đẩy một thỏa thuận liên kết với Ukraine do thói quen quan liêu hơn tầm nhìn chiến lược.
Có diện tích lớn nước Pháp và đông dân hơn Tây Ban Nha, Ukraine là một quốc gia mà Châu Âu khó có thể bỏ qua. Nhưng do bất đồng nội bộ, Liên minh Châu Âu sẽ cảm thấy nhẹ người nếu có thể quên đi nước láng giềng phía đông đang gây rất nhiều phiền toái.
Kiev lo ngại rằng sau Thỏa thuận hòa bình Minsk do Đức làm trung gian, các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine sẽ bước vào một giai đoạn mới - không đủ nóng để được gọi là một cuộc chiến tranh nhưng cũng đủ nguy hiểm để tiêu tốn các nguồn lực vốn hạn hẹp và xua đuổi đầu tư nước ngoài. Nguy hiểm lớn nhất là Ukraine đang bị mắc kẹt trong tình trạng “rối loạn chức năng”. Các vụ giết hại nhà báo thân Nga Oles Buzyna và cựu nghị sĩ Oleh Kalashnikov - một cựu đồng minh của Tổng thống bị lật đổ Yanukovich – hồi tháng Tư cho thấy chính phủ Ukraine hiện hành không thể hoặc không sẵn sàng bảo vệ những người chỉ trích.
Thiếu cán bộ chuyên nghiệp là một trong những vấn đề cấp bách nhất của Ukraine. Mức lương rất thấp khó có thể giữ chân các chuyên gia được đào tạo bài bản ở lại với chính phủ  và khiến cho Tổng thống Poroshenko phải quay sang tuyển dụng người nước ngoài. Các quan chức bị Gruzia thải loại hiện đang giữ nhiều chức vụ trong chính phủ Ukraine như Bộ trưởng Y tế, Thứ trưởng Tư pháp, Phó Tổng  công tố và Thứ trưởng Nội vụ. Bộ Tài chính do Natalie Jaresko, con gái của người nhập cư Ukraine ở Mỹ, đảm nhiệm.
Mới nhìn qua danh sách những công việc cần phải làm của chính phủ Ukraine, người ta đã cảm thấy chóng mặt. Đó là những công việc liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, chống tham nhũng, hiến pháp, hành chính, tài chính, tư pháp, hành pháp, lương hưu, thuế và cải cách dịch vụ công... Cải cách năng lượng được thiết kế để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga, giảm trợ cấp và loại bỏ khâu trung gian môi giới. Kết quả của chương trình năng lượng của chính phủ Ukraine là giá khí đốt tự nhiên dành cho người tiêu dùng tăng…450%.
Mọi người ở Kiev đều hiểu rằng Ukraine không thể lấy lại các vùng lãnh thổ lãnh thổ đã mất bằng vũ lực. Các chính trị gia Ukraine công khai cam kết giành lại vùng lãnh thổ ly khai thông qua cải cách và thành công kinh tế. Những gì mà họ hy vọng là các biện pháp trừng phạt (của phương Tây) sẽ gây ra nhiều vấn đề bên trong nước Nga và khiến cho Điện  Kremlin cạn kiệt các nguồn lực. Đây quả là hoang tưởng và suy cho cùng thì hoang tưởng không thể  nào thay thế được các biện pháp cải cách đau đớn ở Ukraine.
Minh Châu (Theo Reuters)

>> xem thêm

Bình luận(0)