Khủng hoảng Ukraine, tình báo Mỹ bất lực trước TT Putin

Google News

(Kiến Thức) - Với những diễn biến căng thẳng ở Ukraine, các chuyên gia phân tích Washington đang ráo riết tìm hiểu nguyên do tại sao cơ quan tình báo của họ lại có những nhận định sai sót như vậy.

Vào năm 2008, cộng đồng tình báo Mỹ đã từng mất cảnh giác trước hành động can thiệp quân sự của Nga vào nước láng giềng Gruzia. Chính quyền Moscow thậm chí còn cấp thị thực cho những người dân nói tiếng Nga sinh sống ở Gruzia, giống như điều họ đang làm ở Ukraine. Các nhà phân tích Mỹ không nghĩ rằng, Nga sẽ có những động thái đi xa hơn vậy. Tuy nhiên, mọi dự đoán của họ dường như không còn đúng so với những gì đang xảy ra ở Ukraine.
Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách Mỹ khá nhọc công sau khi cố gắng xoay chuyển quan điểm của Tổng thống Nga Putin. Chính điều này đã khiến chính quyền Washington “bình chân như vại” khi đối mặt với sự can thiệp quân sự của Nga vào đất Ukraine.
Với những diễn biến căng thẳng ngày càng gia tăng ở Kiev, các chuyên gia phân tích tình báo Washington đang ráo riết tìm hiểu nguyên do tại sao họ lại nhận định những mục tiêu của Tổng thống Nga Putin một cách sai sót như vậy.
 Binh lính Nga ở Crimea.
“Đó không giống như nghi vấn về chuyện có bao nhiêu nguồn tin thu thập mà chúng ta đổ vào Nga. Mở rộng hơn, đó còn là thách thức trong việc hiểu về tư duy của ông Putin”, Michael Hayden – cựu giám đốc CIA dưới thời chính quyền George W. Bush – nói. “Ngoại trưởng John Kerry nói rằng đó không phải là cuộc chiến tranh Lạnh, cũng không là một cuộc chiến hai bên cùng thắng hay cuộc chiến thắng thua giữa hai nước. Tuy nhiên, đối với ông Putin, đó lại là một cuộc chiến “có người thắng kẻ thua”. Rút cuộc, đây chính là điều mà chúng ta cần phải hiểu”, ông nói.
Dĩ nhiên, mối quan hệ Nga-Mỹ cũng không hẳn xa cách. Thực tế, hai cường quốc này cũng đã cùng nhau hợp tác trong một số lĩnh vực. Đơn cử, cả hai cùng nhau đảm nhiệm duy trì hoạt động trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), hay tàu vũ trụ Soyuz của Nga đã đưa các phi hành gia Mỹ lên quỹ đạo. Có lúc, cả hai còn nhất trí quan điểm trong việc áp dụng lệnh trừng phạt lên Iran nhằm buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân tranh cãi. Xa hơn nữa, Nga-Mỹ còn đồng ý một kế hoạch đầy tham vọng để dỡ bỏ khu vũ khí hóa học tại Syria.
Tuy nhiên, khi bàn tới các quốc gia mới độc lập từng thuộc Liên Xô, cả hai lại có những quan điểm mâu thuẫn. Hồi cuối tuần trước, các chuyên gia tình báo và nhà lập pháp Mỹ nhận định, các binh lĩnh Nga (hiện ở ngay sát biên giới Ukraine) sẽ không dám công khái tiến sâu vào lãnh thổ nước này. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nghị sĩ Carl Levin hôm 27/2 cho hay, ông không biết động cơ của Tổng thống Putin. Ông chắc chắn rằng, Nga sẽ không chiếm đóng Ukraine. “Tôi không thể tin rằng, họ có đủ ngu ngốc để làm điều đó”, ông Levin chia sẻ.
 Trong khi đó, sau phiên họp 6/3, đại đa số nghị sĩ của nước Cộng hòa tự trị Crimea đồng thuận sẽ gia nhập vào Nga.
Song, thực tế cho thấy, các quân nhân Nga ồ ạt di chuyển qua biên giới và phong tỏa các địa điểm cốt yếu ở Crimea, khu tự trị của Ukraine. Vào hôm 2/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gọi động thái này là “một cuộc xâm lược”.
Theo ông Hayden, cộng đồng tình báo Mỹ đã hoàn toàn bỏ qua các bài học về Mùa xuân Ả Rập, các cuộc nối dậy dân chủ ở Ai Cập, Tunisia, Libya hay các quốc gia khác trong thế giới Ả Rập. Đây chính là điều mà ông Putin lưu tâm tới trước khi có những bước đi táo bạo ở Ukraine. “Đó không phải là một bí mật bị đánh cắp. Điều quan trọng là họ (tình báo Mỹ) nên có sự hiểu biết mang tầm rộng lớn hơn về các ví dụ trên. Quả thực, việc nắm bắt tư duy của ông Putin là một thách thức”, ông nói.
Damon Wilson thuộc Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council) cho biết, nguyên do mấu chốt lại nằm ở việc chính phủ Mỹ đã “quên mất” rằng, ông Putin không xem Mỹ là một người bạn hay một đối tác.
“Chúng tôi đã quen với những hành vi thái quá của Nga. Dần dần, chúng tôi buộc phải chấp nhận điều đó là bình thường. Năm 2008, chúng tôi nhận được nhiều cảnh báo rằng, Nga sẽ kích động một cuộc đối đầu với Gruzia và cuối cùng là "xâm lược" nước này. Tuy nhiên, tới giờ chúng tôi vẫn không tin rằng, ông ta thực sự làm điều đó với Ukraine”, ông nói.
Theo ông Wilson, vấn đề lớn nhất khiến tình báo Mỹ sai lầm đó là ông Putin đã không áp đặt những lợi ích cá nhân trong vụ Ukraine.
Nhà phân tích tình báo kỳ cựu Mỹ này còn đưa ra “quan điểm tự tin” của những đồng nghiệp trẻ khi đánh giá ông Putin. Họ tự tin rằng, “ông Putin sẽ không làm bất cứ điều gì”. Tuy nhiên, sau khi các binh lính Nga vượt qua biên giới tràn vào Crimea, họ mới vỡ lẽ ra rằng, mọi suy đoán trước đó của họ đều đổ sụp. “Chúng ta luôn tin rằng, thế giới đã đổi thay. Tuy nhiên, điều đó không đúng với chính phủ Nga”, cựu chuyên gia phân tích Wilson nói.
Thanh Nga (theo DB)

Bình luận(0)