Giấc mơ Osama bin Laden thành hiện thực ở Iraq

Google News

(Kiến Thức) - Việc phiến quân ISIL lập ra nhà nước Hồi giáo là kế hoạch nằm trong tham vọng chính trị của cựu trùm khủng bố khét tiếng Osama bin Laden.

Tham vọng chính trị của Osama bin Laden
Các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) tiếp tục củng cố mạng lưới của họ bằng một loạt các vụ chiếm đóng. Họ kiểm soát hầu hết các thành phố lớn, tràn qua biên giới của Jordan. ISIL đang mở lại các ngân hàng và văn phòng chính phủ và thiết lập kiểm soát chính trị.
Nhà nước Hồi giáo là tên gọi chính thức mới nhất của ISIL được công bố trong một đoạn băng hình phát tán trên mạng ngày 29/6. Theo nhóm, thủ lĩnh ISIL là Abu Bakr al-Baghdadi giờ đây sẽ là người kế vị nhà tiên tri Mohammed và là “lãnh đạo của người Hồi giáo ở khắp mọi nơi”. Vào năm 1258, quân Mông Cổ tàn phá thành phố Baghdad (thủ đô của Hồi giáo), chấm dứt sự cai trị của Đế chế Abbasid Caliphate.
Các chiến binh ISIL diễu hành trên đường phố.
Việc lập ra một caliphate (*) ở Trung Đông là tham vọng chính trị chính trong cuộc đời tên trùm khủng bố Osama bin Laden. Chẳng vậy mà, thủ lĩnh hiện thời của nhóm al Qaeda Ayman al Zawahiri từng có lần tuyên bố rằng, kế hoạch lập ra một caliphate sẽ đánh dấu bước ngoặt mới trong lịch sử “chống lại Mỹ và nhà nước Do Thái”.
Vào năm 2005, nhà báo người Jordan Fouad Hussein viết cuốn sách về “thế hệ thứ hai” của nhóm al Qaeda, chủ yếu tập trung vào suy nghĩ của tên khủng bố Abu Musab al-Zarqawi (đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt hồi năm 2006). Cuốn sách miêu tả một kế hoạch gồm 7 giai đoạn, bắt đầu với “sự thức tỉnh” về ý thức Hồi giáo bằng vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Theo các nhận định khác, động thái này được nhìn nhận là một nỗ lực “làm sáng tỏ các kế hoạch phân chia Syria, Lebanon và Jordan thành các quốc gia nhỏ để định hình lại khu vực”. Trong giai đoạn 4 (trong giai đoạn giữa 2010-2013), các chính quyền già cỗi trong thế giới Ả Rập sẽ bị lật đổ. Vào sau đó, “một tuyên bố về Caliphate hay Nhà nước Hồi giáo” sẽ được thực hiện trong giai đoạn thứ 5 (vào khoảng năm 2013-2016). Không mấy ai trong chúng ta có thể khẳng định một điều rằng, các sự kiện xảy ra trong thập kỷ qua đều theo một lộ trình có quy hoạch tổng thể của nhóm al Qaeda.
ISIL có đủ lực hiện thực giấc mơ của Osama bin Laden?
Quay trở lại, nhóm phiến quân ISIL hiện sở hữu một kho vũ khí khổng lồ cùng một gia tài tiền và vàng. Với số lượng tài sản lớn, nhiều chuyên gia nhận định, ISIL có lẽ là tổ chức khủng bố giàu có nhất và cũng nguy hiểm nhất trên thế giới. Tới nay, có nhiều báo cáo mâu thuẫn về việc ISIL có nắm quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất Iraq ở Baiji hay không thì rõ ràng ISIL có ý định cướp lấy các tài sản trong nhà máy và qua đó nắm quyền vận hành nó.
Với doanh thu lấy được từ dầu mỏ và thuế, ISIL có thể không cần sự giúp sức của lực lượng nào cả và có đủ tiềm lực để hỗ trợ tài chính cho một đội quân thánh chiến. Một bài báo hồi tuần này đã đăng tải hình ảnh quá trình tuyển dụng các phần tử ISIL. Theo đó, các chiến binh vũ trang nói tiểng Anh hay giọng Australia và liên tục thốt ra các câu ca ngợi tính nhân từ của các thánh chiến ở Syria và Iraq. Cần lưu ý rằng, ISIL hiện kiểm soát vùng lãnh thổ từ phía tây Syria tới các vùng ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq. Ngay cả khi ISIL không cố gắng đoạt lấy Baghdad, thì họ cũng có thể củng cố vị trí hiện tại của mình và tiến hành phản công quân đội Iraq.
Pháo phản lực tự hành tự chế (bệ pháo phản lực đặt trên xe bán tải) của lực lượng an ninh người Kurd khai hỏa tấn công ISIL.
Đáng lưu tâm, một nhà nước thánh chiến cũng sẽ gây áp lực lên các đồng minh Mỹ ở Jordan, đất nước đang chứa hàng trăm ngàn người dân tị nạn từ Syria. Lực lượng người Kurd ở miền bắc Iraq cũng đang lâm vào tình huống tương tự mặc dù những chiến binh vũ trang người Kurd là các chiến binh hết sức chuyên nghiệp, ISIL cũng có phần ái ngại. Song, không vì thế mà ISIL đành bỏ lỡ “mục tiêu hấp dẫn” chính là các mỏ dầu ở Kirkuk.
Một câu hỏi nữa đó là liệu ISIL có rút ra bài học nào về sự thất bại của họ trong cuộc chiến đấu ở tỉnh Anbar hồi năm 2005 và 2006 khi họ xa lánh các tộc trưởng địa phương dòng Hồi giáo Sunni và đẩy họ về phía quân đội Mỹ.
Một điều bất lợi nữa đối với chính quyền Baghdad đó là sự không rõ ràng trong ý định của Mỹ đối với cuộc chiến chống ISIL. Dường như, Washington vẫn chưa có chiến lược nào để giúp đỡ Baghdad. Trong các phát biểu vào hồi tuần trước, Tổng thống Obama nhắc lại nhiều lần về sự cần thiết phải cải cách chính trị ở Iraq cũng như quan điểm lưỡng lự của Mỹ về việc có điều quân sang nước này hay không.
“Đó thực sự là một câu hỏi khó trả lời trước khi chúng ta hành động ở nước ngoài, đặc biệt là hành động quân sự”, ông Obama phát biểu. Ở thời điểm đó, ông Obama chưa đề cập tới chuyện với việc đánh bại ISIL là một mục tiêu của Washington.
Điều chính phủ Iraq cần làm là cố gắng tận dụng sự đoàn kết dân tộc, kêu gọi người dân tham gia cuộc chiến chống lại ISIl và phát huy sức mạnh của các khí tài quân sự trong cuộc đối đầu này.
Caliphate là nhà nước Hồi giáo được dẫn dắt bởi một lãnh tụ tôn giáo và chính trị tối cao được biết tới với tên gọi là Caliph (tức là người kế thừa nhà tiên tri vĩ đại Muhammad) và các nhà tiên tri khác của đạo Hồi. Sau sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, nhà nước này không còn tồn tại nữa, tuy nhiên ISIL đang có tham vọng tái lập lại thể chế nhà nước trên.
Thanh Nga (theo WSJ)

Bình luận(0)