Báo Mỹ: Washington có cơ hội tiếp cận quân cảng Cam Ranh?

Google News

(Kiến Thức) - Tờ báo trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định: Nếu Việt Nam cho phép Hải quân Mỹ tiếp cận quân cảng Cam Ranh - đó sẽ là bước tiến lớn hơn trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước.

Tờ Stars and Stripes trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ vừa đăng tải bài viết của tác giả Erik Slavin nhận định: mặc dù chưa rõ liệu các lực lượng Mỹ có thể sử dụng Cam Ranh, một cảng biển có giá trị bên Biển Đông hay không nhưng việc Việt Nam hoan nghênh các chuyến thăm của tàu chiến và máy bay Mỹ đang khiến khả năng đó tiến gần hơn tới hiện thực. 
Dưới đây là nội dung bài viết được Kiến Thức lược dịch:
Quan hệ Mỹ - Việt nồng ấm vì Trung Quốc hung hăng
Các nhà phân tích quốc phòng cho rằng, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trị giá 1 tỷ USD vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5, căng thẳng trên Biển Đông diễn ra sau đó khiến mối quan hệ quân sự Mỹ - Việt được thắt chặt.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với gần 90% diện tích Biển Đông, chủ yếu dựa trên cái mà nước này gọi "đường 9 đoạn" và thách thức chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển này.
Mặc dù Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng các lợi ích của Việt Nam – cũng như các quốc gia khác xung quanh Biển Đông – phù hợp với luật pháp quốc tế và các nguyên tắc của Mỹ về tự do hàng hải.
Nước Mỹ cũng muốn bảo vệ tuyến đường hàng hải là nơi lưu thông lượng hàng hóa 1,2 nghìn tỷ USD trong tổng kim ngạch thương mại Mỹ (theo ước tính của Mỹ năm 2012).
 Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6/2012. 
“Trong vài năm trở lại đây, mối quan hệ quân sự Mỹ - Việt đã có những bước tiến đáng kể và được thúc đẩy rất nhanh chóng kể từ năm 2010. Việc Trung Quốc tiếp tục hành xử hung hăng trên Biển Đông sẽ khiến Việt Nam nhận thấy cần phải mở rộng các mối quan hệ đồng minh quốc tế, trong đó có Mỹ ”, ông Christian Le Mière, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế của Mỹ, nhận định.
Hải quân Mỹ liên tục tới thăm cảng Đà Nẵng kể từ năm 2010, tham gia vào các hoạt động thể thao và thăm tàu với các thủy thủ Việt Nam. Năm ngoái, Hải quân Mỹ và Hải quân Việt Nam cũng tiến hành cuộc tập trận tìm kiếm cứu nạn chung. 
Tờ Stars and Stripes khẳng định, nếu Việt Nam cho phép Hải quân Mỹ tiếp cận cảng Cam Ranh, đó sẽ là bước tiến lớn hơn trong mối quan hệ quân sự giữa hai nước.
Cảng nước sâu này có thể là nơi đậu tàu sân bay. Vừa qua, cảng Cam Ranh được nâng cấp với chi phí hàng triệu USD và sân bay ở cảng này được cả quân đội và các hãng hàng không dân dụng Việt Nam sử dụng.
Năm 2012, các tàu vận tải của quân đội Mỹ cùng với cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta có chuyến viếng thăm cảng Cam Ranh tiến hành các hoạt động sửa chữa. Tuy nhiên, chưa có tàu hải quân Mỹ nào tới cảng này kể từ sau chiến tranh Việt Nam.
Cảng Cam Ranh – nơi hội tụ tàu hải quân thế giới?
Tại Diễn đàn quốc phòng Shangri-La 13 ở Singapore ngày 31/5/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu: “Việt Nam cho rằng sẽ rất lãng phí nếu cảng Cam Ranh không được đưa vào sử dụng vì thế, chúng tôi đang xem xét tự đầu tư, quản lý và xây dựng để cảng này cung cấp dịch vụ cho tàu biển từ tất cả các quốc gia trên thế giới”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Việt Nam sẽ rất thận trọng trong mối quan hệ quân sự với Mỹ và sẽ cân bằng mối quan hệ với các cường quốc khác. Nga vẫn là nhà cung cấp vũ khí quan trọng của Việt Nam. Nga cung cấp 6 tàu ngầm lớp Kilo cho Việt Nam và các tàu này sẽ thường xuyên xuất hiện tại cảng Cam Ranh.
Tàu hải quân Mỹ cập cảng Đà Nẵng ngày 7/4/2014. 
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng, Nga sẽ dễ dàng hiện diện tại cảng Cam Ranh; còn Mỹ thì khó. Tuy nhiên, Giáo sư Carlyle Thayer từ ĐH New South Wales (Australia) cho rằng, thay vào đó, Mỹ và Việt Nam có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc thông qua các chuyến thăm thường xuyên của tàu hải quân Mỹ để nạp nhiên liệu và tiến hành các hoạt động khác.
Theo ông Thayer, Việt Nam có vẻ như có động thái mở đường cho các chuyến thăm đó bằng quyết định tham gia Sáng kiến an ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) vào ngày 20/5.
PSI được Mỹ và Ba Lan khởi xướng vào năm 2003 nhằm ngăn chặn các tàu chở vũ khí hủy diệt hàng loạt và sáng kiến này đã được hơn 100 quốc gia ký kết.
“Việt Nam có thể yêu cầu Mỹ trợ giúp về năng lực giám sát và trinh sát trên biển, liên quan tới việc điều động các hệ thống ra đa và các thiết bị kĩ thuật khác”, giáo sư Thayer nhận định và cho biết thêm: Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở Biển Đông cũng khiến Trung Quốc hành động bớt hung hăng.
Tùng Lâm

Bình luận(0)