Thấy gì qua chiến lược “phát triển biển” của Trung Quốc?

Google News

(Kiến Thức) - Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc coi “an ninh biển là trọng điểm an ninh quốc gia” và không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự.

 Ảnh minh họa.

Tân Hoa Xã đưa tin Viện Nghiên cứu chiến lược phát triển biển thuộc Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc ngày 8/5 vừa công bố "Báo cáo Phát triển biển Trung Quốc 2013", trong đó nhấn mạnh “tình hình an ninh biển của Trung Quốc đang có biến đổi phức tạp và sâu sắc, an ninh biển là hướng trọng điểm trong an ninh quốc gia hiện nay của Trung Quốc”.

Theo nhận định của viện này, “đe dọa an ninh biển chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là tranh chấp chủ quyền biển đảo leo thang có thể dẫn đến xung đột quân sự”. Điều này cho thấy giới hoạch định chính sách của Trung Quốc đã thừa nhận khả năng xảy ra xung đột quân sự để có phương án đối phó.

Cũng theo phúc trình mới, “sự điều chỉnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của nước lớn ngoài khu vực sẽ ảnh hưởng to lớn lâu dài cho an ninh biển của Trung Quốc”. Không khó để đoán “nước lớn ngoài khu vực” nói trên là Mỹ.

Tuy nhiên phúc trình của Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc khẳng định “chính sách an ninh biển của Trung Quốc vẫn không có sự thay đổi về căn bản”.

Trên thực tế, thời gian gần đây Trung Quốc đã có nhiều hoạt động theo hướng tăng cường khai thác nguồn lợi biển như điều tàu cá, chuyển giàn khoan dầu khí xuống Biển Đông và đơn phương cấm đánh bắt cá  ở Biển Đông từ ngày 16/5. Hành động của Trung Quốc bị giới quan sát cho là “ngày càng táo tợn”.

Trả lời phỏng vấn của BBC, ông Trần Công Trục - nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ – lưu ý việc Trung Quốc điều 30 tàu cá xuống đánh bắt ở vùng biển xung quanh quần đảo Trường Sa diễn ra trong bối cảnh là Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã ban hành Quy hoạch phát triển hải dương 5 năm lần thứ 12. Đây là quy hoạch đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, đặc biệt tập trung vào khía cạnh khai thác tài nguyên. Một trong các nguồn tài nguyên là đánh cá. Và như vậy, Trung Quốc  điều tàu cá là nằm trong quá trình cụ thể hóa việc thực hiện quy hoạch.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vừa đưa giàn khoan đồ sộ cùng các thiết bị thăm dò khai thác khép kín xuống Biển Đông, cũng là tiến hành chủ trương khai thác tài nguyên biển. Rồi việc cấm đánh bắt, hay lấy vòi rồng uy hiếp tàu cá của các nước trong khu vực... Có thể nói đây là bước tiến mạnh mẽ để cụ thể hóa quy hoạch 5 năm của Trung Quốc, tại nơi mà Trung Quốc coi là “lợi ích cốt lõi”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Văn Bình

Bình luận(0)