Cơ hội hòa bình cuối cùng cho Syria

Google News

(Kiến Thức) - Những diễn biến gần đây cho thấy cuộc chiến ở Syria đang đến hồi quyết định và Hội nghị Geneva-2 có thể là cơ hội hòa bình cuối cùng.

 Hàng triệu người Syria bị khốn đốn bởi nội chiến.

Đã có một số tin tức được cho là tích cực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Thủ tướng Anh David Cameron tỏ ý lạc quan sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Nga và một hội nghị quốc tế nhằm giải quyết cuộc xung đột đang được hình thành. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác với Moscow. Thật vậy, phương Tây và Nga đã có cùng một  khẩu hiệu: Không cho phép đất nước Syria sụp đổ. Tất cả các bên đồng ý về mục tiêu, nhưng Nga và phương Tây lại bất đồng với nhau phương thức để đạt được mục tiêu đó.

Và cũng có những  tin chẳng lành, trong đó có nhiều tin rò rỉ trên các phương tiện truyền thông liên quan đến ý định của Nga cung cấp cho Syria hệ thống phòng không S-300 (một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng Nga đã chuyển giao S-300 cho Syria). Không có gì được xác nhận chính thức, nhưng có tin nói Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần qua và dường như không thành công. Israel đã phát động các cuộc không kích trong lãnh thổ Syria và có nguy cơ ngày càng lún sâu vào cuộc xung đột hiện nay.

Cuộc xung đột ở Syria đang bước vào một thời điểm quan trọng. Nội chiến ở Syria đã lâm vào thế bế tắc và không bên nào có thể giành chiến thắng trong tương lai gần, nếu không có sự can thiệp của nước ngoài. Cuộc chiến này càng kéo dài thì nghi ngờ của Mỹ về phe đối lập Syria càng gia tăng. Người Mỹ vốn ưu tiên mục tiêu chống khủng bố, nhưng hiện thời đám chiến binh thánh chiến có liên kết với mạng lưới khủng bố al-Qaeda lại chiếm ưu thế trong hàng ngũ quân nổi dậy Syria.  

Sẽ là nguy hiểm nếu Mỹ đổ quân xâm lược Syria để ủng hộ phiến quân. Đó là chưa kể Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ngăn cản các lực lượng can thiệp nhân danh Liên Hợp Quốc xâm lược Syria.

Chính vì vậy mà Hội nghị quốc tế Geneva-2 được đề xuất có thể là cơ hội cuối cùng.  

Thế nhưng, ngay cả khi Mỹ, Anh, Pháp, Nga và các nước hữu quan đồng ý về cấu trúc tương lai của Syria, không có gì đảm bảo rằng chính phủ Syria hoặc quân nổi dậy sẽ chấp nhận quyết định của Hội nghị Geneva-2. Moscow không kiểm soát được Damascus, còn Washington cũng không bảo nổi phe đối lập Syria. Trong khi đó, các quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Syria là Iran, Saudi Arabia và Qatar thì vẫn giữ im lặng. Các nước này có chương trình nghị sự khác với chương trình nghị sự của 4 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nói trên.

Về vấn đề Syria, Mỹ và Nga vẫn còn nhiều bất đồng. Washington quả quyết rằng Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức trước khi cuộc đàm phán có thể bắt đầu, còn Moscow thì không chấp nhận sự áp đặt điều kiện tiên quyết này. Lập trường của Nga không phải là một sự ủng hộ dành cho cá nhân Tổng thống Syria, nhưng Moscow phản đối mọi sự can thiệp từ bên ngoài với mục tiêu thay đổi chế độ ở Syria. Nói cách khác, đối với Nga, việc Tổng thống Assad từ chức - sau một giải pháp chính trị được thỏa thuận – không phải là một thảm họa. Nhưng ông không nên từ chức trước khi đạt được một thỏa thuận và chắc chắn việc ông này từ chức không phải là theo lệnh của các cường quốc bên ngoài.

Nếu Hội nghị Geneva-2 về Syria kết thúc trong thất bại, điều này sẽ đẩy các các cường quốc vào tình huống vô cùng khó xử. Washington và châu Âu sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ phía những người ủng hộ việc vũ trang cho quân nổi dậy Syria. Tuy một cuộc xâm lược Syria khó xảy ra, nhưng phương Tây có thể chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí đối với quân nổi dậy, cùng với các mưu đồ “bất hợp thức hóa” chế độ  Assad. Về phần mình, Nga sẽ phải tăng cường hỗ trợ Damascus và cung cấp nhiều loại vũ khí tiên tiến hơn để duy trì thế cân bằng. Trong trường hợp này, các hệ thống phòng không  S-300 chắc chắn sẽ được triển khai ở tuyến bờ biển Syria. Sự rạn nứt giữa các cường quốc lớn sẽ ngày càng sâu rộng. Trong khi đó, tình hình Syria vẫn không được cải thiện và việc nước này tan rã thành nhiều mảnh xem ra không thể nào tránh khỏi.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo RIA Novosti)

Bình luận(0)