Sắp nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Có dấu hiệu cho thấy có thể không xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, mặc dù các bên dường như đã sẵn sàng lao vào trận chiến sinh tử.

 Ảnh minh họa.

Có 3 yếu tố quan trọng khiến cho người ta nuôi hy vọng về khả năng không xảy ra chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thứ nhất, Triều Tiên chưa có đủ khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân và một hành động liều lĩnh như vậy chẳng khác gì “đem trứng chọi với đá”, chuốc vào mình cái họa sát thân. Thứ hai, Mỹ đã giương “cái ô hạt nhân” bảo vệ các nước đồng minh và sẵn sàng giáng trả với đòn hủy diệt. Thứ ba, và có lẽ là rất quan trọng, Trung Quốc không muốn chiến tranh hạt nhân xảy ra ở sát nước này, với kết cục có thể mất đi một “vùng đệm”, “một lá bài mặc cả với Mỹ”.

Triều Tiên chưa đủ khả năng tấn công hạt nhân nước Mỹ 

Nếu xét theo việc Triều Tiên tổ chức tập trận trên qui mô toàn quốc, báo động phòng không ở Bình Nhưỡng và liên tiếp đưa ra những lời đe dọa ngày càng dữ dội hơn, người ta có cảm giác rằng chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên sắp xảy ra đến nơi.

Căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên hiện đang ở mức độ cao nhất trong nhiều năm qua. Phản ứng trước các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc sau vụ thử hạt nhân tháng trước, Triều Tiên đã đe dọa tiến hành một cuộc chiến tranh liên Triều lần thứ hai bằng vũ khí hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố đang theo dõi sát sao cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và thề có biện pháp quân sự mạnh mẽ “nếu máy bay chiến lược B-52 lại bay đến bán đảo Triều Tiên một lần nữa”.

Không những thế Quân đội Triều Tiên ngày 21/3 tuyên bố đang chĩa các loại vũ khí “tấn công chính xác” vào các căn cứ của Mỹ ở Guam, ở lãnh thổ Nhật Bản, đặc biệt là Okinawa,  và sẽ tấn công nếu bị khiêu khích. Đáng ngại hơn là lần này phát ngôn viên Bộ chỉ huy tối cao Quân đội Triều Tiên nói rõ các mục tấn công.  Đồng thời, Đài phát thanh và truyền hình nhà nước Triều Tiên KCTV thông báo rằng lệnh báo động phòng không đã được phát đi vào lúc 9h32 cùng ngày, các đơn vị quân đội và dân thường được ra lệnh trú ẩn.

Trước đó, Bình Nhưỡng cũng đã đe dọa tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, một lời đe dọa có lẽ vượt quá khả năng của nước này. Trên thực tế, với vài chục tên lửa tầm xa mới một lần thử nghiệm thành công và chưa đầy một chục vũ khí hạt nhân còn khá thô sơ (có thể còn quá cồng kềnh chưa đủ gọn nhẹ để lắp vào tên lửa tầm xa), Triều Tiên khó có thể vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa dày đặc, tầng tầng lớp lớp và ngày càng được tăng cường của Mỹ. Đó là chưa kể tên lửa tầm xa của Triều Tiên, nếu may mắn vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa dày đặc nói trên, khó có thể đánh trúng mục tiêu ở Mỹ vì Bình Nhưỡng chưa có trong tay các hệ thống vệ tinh định vị, dẫn đường.

Đó là chưa kể Triều Tiên còn phải tính đến đòn giáng trả có tính hủy diệt của Hàn Quốc và Mỹ, nước đã đi trước Triều tiên về vũ khí hạt nhân cả…nửa thế kỷ. Mỹ đã đưa cả tàu ngầm nguyên tử lẫn “pháo đài bay” B-52 có thể mang theo vũ khí hạt nhân đến tham dự tập trận cùng với quân đội Hàn Quốc. Không phải ngẫu nhiên mà Hàn Quốc từng tuyên bố rằng sẽ là tự sát, nếu Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên từng nhiều lần tuyên bố sở dĩ nước này cần sở hữu vũ khí hạt nhân để làm phương tiện răn đe, chống lại những mưu toan lật đổ chế độ như ở Lybia, Iraq, chứ chưa hẳn để tấn công một cường quốc hạt nhân có trong tay một kho vũ khí hạt nhân hiện đại khổng lồ như Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên tìm mọi cách sở hữu vũ khí hạt nhân là để khiến cho Mỹ ký kết một hiệp định hòa bình “không xâm lược lẫn nhau”,  chứ không phải hiệp ước đình chiến tạm thời như hiện nay.  

Theo Yonhap, việc Triều Tiên báo động phòng không có thể chỉ là nội dung của tập trận. Triều Tiên từng thực hiện các cuộc diễn tập phòng không trước đây và ra lệnh cắt điện trong quá trình diễn ra những cuộc diễn tập trong đêm. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay Triều Tiên đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự và báo động phòng không nhiều khả năng là một phần của đợt tập trận này.

Mỹ đã giương sẵn “chiếc ô hạt nhân”


Phản ứng trước những tuyên bố dọa tấn công hạt nhân của Triều Tiên, Lầu Năm Góc tuần trước đã công bố kế hoạch tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong chuyến thăm  Seoul đầu tuần, Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter cũng hứa cung cấp “chiếc ô hạt nhân” cho các nước đồng minh, đồng thời đưa “pháo đài bay” B-52 (loại máy bay có thể mang tên lửa hành trình và vũ khí hạt nhân) đến không phận Hàn Quốc. Mỹ đã cho máy bay B-52 có khả năng mang bom nguyên tử bay lượn trên vùng trời Hàn Quốc và cho thấy “các biện pháp ngăn chặn trên diện rộng”.

Trong khi đó, quân đội Mỹ và Hàn Quốc đã tiến hành hai cuộc tập trận lớn, với việc cuộc tập trận “Giải pháp then chốt” vừa kết thúc mà không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Tham gia cuộc tập trận có hơn 3.000 lính Mỹ cùng khoảng 10.000 lính Hàn Quốc, trong đó có khoảng 2.500 lính Mỹ được điều động từ Mỹ. Nhiều loại máy bay chiến đấu, trong đó có máy bay tàng hình F-22 và “pháo đài bay” B-52 cùng hai tàu khu trục trang bị tên lửa USS Lassen và USS Fitzgerald cũng tham gia tập trận.

Tư lệnh quân đội Mỹ tại Hàn Quốc, Tướng James D. Thurman, cho biết các cuộc tập trận như “Giải pháp then chốt” được thực hiện nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội hai nước, đồng thời thể hiện sức mạnh và khả năng sẵn sàng giáng trả bất cứ hành động khiêu khích nào.

Đồng thời, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc cũng đang tiến hành cuộc tập trận “Đại bàng non” trong vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên với tàu ngầm tấn công hạt nhân. Cuộc tập trận “Đại bàng non” kéo dài 2 tháng (từ ngày 1/3 đến ngày 30/4) nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của liên quân, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Đáng chú ý là tàu ngầm tấn công hạt nhân của Mỹ USS Cheyenne (SSN 773) đã tham gia cuộc tập trận từ ngày 13/3 tại khu vực dọc bờ biển phía Đông và Nam bán đảo Triều Tiên. Mặc dù không mang theo tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân, nhưng USS Cheyenne lại mang theo tên lửa hành trình tầm xa có thể tấn công mục tiêu trên đất liền từ ngoài biển.

Có thể nói, việc Bình Nhưỡng dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân đã kéo theo đủ loại máy bay, tàu chiến Mỹ có thể mang vũ khí hạt nhân đến tận “cửa ngõ” nước này.

Trung Quốc đứng ra dàn xếp


Việc Triều Tiên đe dọa Mỹ bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân và rút khỏi Hiệp ước đình chiến năm 1953 chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những động thái này có thể châm ngòi cuộc chiến không bao giờ kết thúc trong hòa bình và có thể khiến cho quân Mỹ tiến sát biên giới Trung Quốc. Đây là điều Bắc Kinh không hề mong muốn. Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách tạo ra một "vùng đệm an toàn" và nắm giữ nền kinh tế Triều Tiên để có được một sự ràng buộc về chính trị.

Trung Quốc một mặt đổ lỗi cho Mỹ và Hàn Quốc gây ra thái độ thù địch của Bình Nhưỡng, nhưng mặt khác cũng tìm cách chứng tỏ Bắc Kinh không hề khuyến khích các hành động hiếu chiến gần đây của Triều Tiên. Thực ra, Bắc Kinh không muốn xảy ra chiến tranh ở bán đảo Triều Tiên vì hậu quả to lớn của nó đối với nền chính trị-kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc. Chính vì vậy là Trung Quốc kêu gọi các bên kiềm chế và quay trở lại bàn đàm phán 6 bên do nước này đăng cai ở Bắc Kinh.

Đáng chú ý là tân Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã nhanh chóng đứng ra dàn xếp vụ này.

Trong một cuộc điện đàm ngày 20/3 với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng các bên giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Ông kêu gọi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên hòa giải và nói rằng Trung Quốc sẽ cung cấp “sự hỗ trợ cần thiết”. Theo ông, hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên là có lợi cho người dân sống trên bán đảo này và cũng nằm trong lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Huang Youfu, một giáo sư chuyên nghiên cứu về Hàn Quốc tại Đại học Trung Quốc Minzu, cho biết việc Chủ tịch Tập Cận Bình đứng ra dàn xếp là chuyện cực kỳ hiếm hoi. Theo giáo sư Huang Youfu, Bắc Kinh “sẵn sàng đối thoại với cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul” và nói rõ căng thẳng leo thang đi kèm với việc triển khai quân sự gia tăng trên bán đảo Triều Tiên là không có lợi cho Trung Quốc.

Cuộc  điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ngày 20/3 diễn ra ngay sau khi tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nói chuyện qua điện thoại trong đêm 19/3 về quan hệ song phương và tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

Người ta không loại trừ Bắc Kinh đã có những động thái tương tự với ban lãnh đạo Triều Tiên và có lẽ, vào thời điểm hiện nay, Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới có thể khiến cho Triều Tiên hạ nhiệt. Trung Quốc hiện kiểm soát tới 70% nền kinh tế Triều Tiên và có thể khiến cho nước này bị sụp đổ. Triều Tiên sẽ không có đủ tiền để nuôi một quân đội khổng lồ và theo đuổi  chương trình phát triển tên lửa-vũ khí hạt nhân vô cùng tốn kém, nếu không có sự viện trợ của Trung Quốc, trong đó có cả sự “bảo hộ” về ngoại giao. Vì  lý do địa chính trị, Trung Quốc không hề muốn Triều Tiên sụp đổ, mặc dù từng ủng hộ nghị quyết Liên Hợp Quốc trừng phạt Bình Nhưỡng.

Nếu xét theo logic và lý trí, kết hợp cả ba yếu tố trên, người ta có thể hy vọng chiến tranh hạt nhân sẽ không xảy ra trên bán đảo Triều Tiên vì suy cho cùng cuộc chiến tranh này làm cho tất cả các bên tham chiến đều bị tổn thất nghiêm trọng. Chỉ có điều, để tránh xảy ra chiến tranh, Mỹ và các nước đồng minh không nên dồn ép Triều Tiên đến “bước đường cùng”.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:





Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)