“Cây gậy và củ cà rốt” của Philippines ở Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Do sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc, Philippines buộc phải áp dụng chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” trong tranh chấp Biển Đông.

 Soái hạm BRP Del Pilar của Hải quân Philippines.

Sau Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị được tổ chức năm ngoái, Manila nhận thấy rằng Trung Quốc đã và đang sử dụng mọi ảnh hưởng để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào tạo ra một phản ứng thống nhất trong khu vực để giải quyết các tranh chấp biển đảo. Với sức mạnh áp đảo về kinh tế và quân sự, Bắc Kinh chủ trương các vụ tranh chấp biển đảo chỉ giải quyết thông qua các cơ chế song phương.

Trong khi đó, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) gần đây ước tính rằng, Biển Đông có tới 11 tỷ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối khí đốt tự nhiên. Không những thế, EIA còn dự báo một khối lượng lớn dầu khí chưa được khám phá ở khu vực quần đảo Trường Sa, đặc biệt là xung quanh khu vực Reed Bank đang có tranh chấp. Nếu dự báo trên của EIA là đúng, một trữ lượng dầu khí rất lớn chưa được khai thác nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, nước hiện chỉ tự túc 60% năng lượng tiêu thụ và  40% còn lại dựa vào việc nhập khẩu dầu mỏ và than.

Việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán và thách thức Nhật-Mỹ (cả hai đều là đồng minh chiến lược Philippines) cho thấy nước này tìm cách thâu tóm Biển Đông để đảm bảo an ninh kinh tế và năng lượng. Việc tàu Trung Quốc và Philippines đụng độ xung quanh Reed Bank hồi tháng 3/2011 đã phát đi tín hiệu rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiến hành các vụ “xung đột có giới hạn” để tranh giành các nguồn năng lượng.

Xung đột Trung Quốc-Nhật Bản về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông và vai trò của nhân dân Quân đội Giải phóng (PLA) trong các cuộc tấn công mạng gần đây chống lại các mục tiêu ở Mỹ đang khiến cho Philippines lo lắng. Manila duy trì quan hệ đối tác chiến lược với cả Tokyo lẫn Washington, các mối quan hệ mà Tổng thống Benigno Aquino muốn làm cho sâu sắc hơn để “bù trừ” cho chênh lệch sức mạnh quá lớn với Trung Quốc.

Chính phủ của Tổng thống Aquino đã thúc giục hai cường quốc nói trên viện trợ quân sự, giúp huấn luyện đào tạo và nâng cấp quân đội Philippines. Thông qua mua sắm và kêu gọi viện trợ nước ngoài, Philippines muốn có thêm nhiều máy bay chiến đấu, tên lửa chống tàu, tàu tuần tra và trực thăng hải quân để củng cố đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông.

Tuy nhiên, Philippines không có ý định đối đầu với nước láng giềng khổng lồ phương Bắc. Thay vào đó, Manila đã thông qua chiến lược “cây gậy và củ cà rốt” nhằm mục đích ngăn chặn hành động xâm lấn của Trung Quốc. Philippines tiếp tục quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông thông qua Liên Hợp Quốc, trong khi tăng cường khả năng phòng thủ thông qua mối quan hệ sâu sắc với các nước đồng minh hùng mạnh.

Lợi ích của Philippines ở Biển Đông

Sau nhiều thập kỷ ngủ quên và sơ suất chiến lược, Philippines chợt bừng tỉnh và nhận thức rõ lợi ích quốc gia ở Biển Đông.

Sự thức tỉnh này xảy ra giữa lúc Philippines hiện nằm trong số 10 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự kiến sẽ tăng trưởng trên 6% trong năm nay. Nhiều thập kỷ tê liệt chính trị và tham nhũng kinh niên đã khiến cho xã hội dân sự và tầng lớp trẻ kỳ vọng vào những hứa hẹn thay đổi của Tổng thống Aquino.

Đối mặt với những kỳ vọng ngày càng gia tăng trong dân chúng, chính phủ của Tổng thống Aquino đã triệt để khai thác sự năng động của quần chúng. Đồng thời, niềm tự hào quốc gia đã thúc đẩy Philippines mạnh bạo hơn trong việc tuyên bố chủ quyền đối với những vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Biển Đông.

Philippines đã tìm cách thăm dò và khai thác các nguồn tài nguyên dầu khí  xung quanh Reed Bank, kể từ khi phát hiện khí đốt tự nhiên ở đây trong năm 1976. Hãng Sterling Energy có trụ sở tại Mỹ và hãng Forum Energy của Anh đã giành được quyền thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực này, lần lượt trong năm 2002 và 2005. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo đã “khuất phục” trước áp lực của Trung Quốc và đình chỉ công việc thăm dò của hai hãng nói trên. Năm 2006, Tổng thống Gloria Macapagal-Arroyo đã đề nghị Trung Quốc cùng tiến hành khảo sát địa chấn (JMSU) trong khu vực tranh chấp.

Bằng cách đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia, chính phủ Aquino không chỉ nhằm nâng cao vị thế ở trong nước mà còn tránh được những lời chỉ trích từ hàng triệu cư dân mạng ngày càng có tinh thần dân tộc. Chính sách của chính phủ Aquino hoàn toàn trái ngược với chính quyền Arroyo, vốn bị cáo buộc lệ thuộc vào Trung Quốc và tham nhũng.

Chính sách “cây gậy và củ cà rốt”

Chính quyền Aquino đã thực hiện chiến lược khuyến khích sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và cố gắng xoa dịu Trung Quốc thông qua các đề nghị đàm phán ngoại giao. Chiến lược kết hợp giữa “răn đe và ngoại giao” này nhằm mục đích vô hiệu hóa những đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, Manila đã đánh giá thấp làn sóng dân tộc chủ nghĩa  đang ngày càng dâng cao ở Trung Quốc và sự quyết đoán trong đòi hỏi lãnh thổ cũng như sự bành trướng của hải quân Trung Quốc. Trái với kỳ vọng Philippines, sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á cũng như quá trình chuyển giao quyền lãnh đạo từ Hồ Cẩm Đào sang Tập Cận Bình đã không hề giảm bớt mức độ hung hăng trong tranh chấp lãnh thổ của Bắc Kinh.

Manila cũng không lường trước được phản ứng của Trung Quốc về hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Mỹ và các đối tác chiến lược khu vực như Philippines. Sự hợp tác đó và những tuyên bố cứng rắn của Mỹ về tự do hàng hải ở Biển Đông đã gián tiếp khuyến khích Philippines thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền, đối đầu với Trung Quốc.

Chỉ vài ngày sau khi (cựu) Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phản đối bất kỳ “hành động đơn phương nào nhằm làm suy yếu sự quản lý của Nhật Bản” đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Philippines đã tuyên bố kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.

Manila nhận thức rất rõ rằng Trung Quốc sẽ bác đơn kiện mà Philippines trình lên hội đồng trọng tài quốc tế và không có gì đảm bảo rằng Tòa án trọng tài quốc tế theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) sẽ dẫn đến một giải pháp quyết định cho các vụ tranh chấp.

Xét theo khía cạnh này, quyết định kiện lên tòa án Liên Hợp Quốc của Philippines nhằm quốc tế hóa tranh chấp được xem là một động thái gây áp lực thêm đối với Bắc Kinh. Philippines cũng bác bỏ cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” gây tranh cãi của Trung Quốc và thách thức cơ sở pháp lý của cái bản đồ ôm trọn Biển Đông do người Trung Quốc tự vẽ một cách phi pháp, vô căn cứ này. Một số nghị sĩ châu Âu và các quan chức hàng đầu của Mỹ như tân Ngoại trưởng John Kerry đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết định của Philippines giải quyết tranh chấp thông qua luật pháp quốc tế.

Một cây gậy nữa trong chiến lược của Manila là xây dựng quân đội. Trong năm 2012, chính quyền của Tổng thống Aquino đã cấp thêm 1,8 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, chủ yếu để nâng cấp Các lực lượng vũ trang Philippines, thông qua việc mua 10 máy bay trực thăng tấn công, 2 máy bay trực thăng hải quân, 2 máy bay hạng nhẹ, 1 tàu khu trục và một loạt trang thiết bị phòng không hiện đại. Philippines dự kiến mua 12 máy bay phản lực chiến đấu FA-50 của Hàn Quốc, 3 máy bay trực thăng AW109 Power, 2 máy bay trực thăng chống tàu ngầm,  một tàu chiến USCGC Dallas và có thể trang bị hệ thống tên lửa chống tàu Harpoon cho soái hạm BRP Del Pilar và các tàu chiến lớp BRP Alcaraz.

Nhật Bản và Mỹ đang ủng hộ Philippines trong việc  phát triển khả năng “răn đe tối thiểu” đối với Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang hoàn tất  gói viện trợ quân sự quan trọng, cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần duyên đa năng, thông qua một khoản cho vay với lãi suất ưu đãi. Ngoài việc tăng gấp 3 lần viện trợ quân sự cho Philippines trong năm 2012, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở nước này thông qua các chuyến ghé thăm của các loại tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân… một xu hướng  dự kiến sẽ gia tăng trong những năm tới phù hợp với chính sách “xoay trục” sang châu Á mà Washington từng công bố.

 Tàu sân bay USS Carl Vinson cập cảng Philippines.

Chiến lược của Philippines là sử dụng “cây gậy” (vừa của nhà, vừa đi mượn) để thuyết phục Trung Quốc nhận “những củ cà rốt” của một cơ chế giải quyết tranh chấp đa phương, thông qua Bộ qui tắc ứng xử ở Biển Đông có tính ràng buộc. Chỉ có điều, Bắc Kinh có thể cho rằng chiến lược của Manila “có nhiều gậy hơn cà rốt” và sẽ đáp trả bằng các biện pháp cứng rắn, bạo liệt hơn.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)