Căng thẳng vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Philippines sẽ kiện Trung Quốc đến cùng về Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh có theo hầu kiện hay không.

 Philippines kiện Trung Quốc đến cùng.

Trung Quốc phớt lờ…

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (scmp) có trụ sở tại Hong Kong, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tuần này nói rõ rằng, Bắc Kinh bác bỏ đơn kiện của Manila.

 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi.

Tại một cuộc họp báo thường kỳ ngày 19/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết: “Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh đã có cuộc hẹn với các quan chức Bộ Ngoại giao Philippines.

Tại cuộc gặp này, bà Mã đã trả lại một văn bản và công văn thông báo về quyết định của Philippines trong việc đưa tranh chấp Biển Đông ra giải quyết tại Liên Hợp Quốc, sau khi bày tỏ sự phản đối chính thức của Trung Quốc. Văn bản và công văn thông báo liên quan không chỉ vi phạm thỏa thuận được nhất trí trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà còn mắc nhiều sai sót về mặt lịch sử cũng như pháp lý đồng thời chứa đựng nhiều cáo buộc không thể chấp nhận được nhằm vào Trung Quốc.

Trung Quốc hy vọng Philippines tôn trọng cam kết, không đưa ra những hành động có thể làm phức tạp tình hình, phản ứng tích cực đối với những đề nghị của Trung Quốc trong việc thiết lập cơ chế đối thoại song phương về các vấn đề hàng hải và nỗ lực giải quyết tranh chấp thông qua các cuộc đàm phán song phương”.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi nói thêm, Bắc Kinh cam kết giải quyết cuộc tranh chấp với Manila hiện nay thông qua các cuộc đàm phán song phương và nhấn mạnh đến thỏa thuận được đưa ra trong DOC nói rằng, mọi cuộc tranh chấp nên được giải quyết thông qua đối thoại, đàm phán giữa những quốc gia có liên quan trực tiếp.

Đại sứ Trung Quốc tại ở Manila, Mã Khắc Thanh, đã gặp các quan chức Philippines ngày 19/2 và chính thức bác bỏ việc Manila kiện cái gọi là “đường chín đoạn” là phi lý, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

…Philippines vẫn kiện

Tuy nhiên, Philippines vẫn quyết tâm thúc đẩy vụ kiện đến cùng.

 Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez, tuyên bố Philippines có 2 tuần (bắt đầu từ ngày 21/2) để yêu cầu Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) ở Hamburg thành lập một hội đồng trọng tài nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.
 
Tại một cuộc họp báo ngày 20/2, phát ngôn viên Hernandez nói: “Tiến trình sẽ được tiếp tục dù có hay không có sự tham gia của Trung Quốc. Chúng tôi dự tính sẽ mất từ 3 đến 4 năm để hoàn thành tiến trình thông qua tòa án quốc tế này. Chúng tôi hy vọng, tòa án quốc tế sẽ phán quyết ‘đường 9 đoạn’ vô lý mà  Trung Quốc dựa vào để đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, là bất hợp pháp và sẽ ra phán quyết yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng các quyền chủ quyền của chúng tôi đối với những vùng lãnh hải, lãnh thổ thuộc chủ quyền của Philippines”.

Phát ngôn viên Hernandez nói thêm: “Philippines đã nỗ lực tham gia vào các cuộc đối thoại ngoại giao và chính trị để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông trong suốt 18 năm qua nhưng không thành công. Chúng tôi xem tiến trình giải quyết thông qua tòa án quốc tế là lựa chọn thân thiện, hòa bình và bền vững nhất để làm rõ quyền hàng hải của các nước ven biển ở Biển Đông và cũng để đảm bảo hòa bình, ổn định cũng như sự tự do hàng hải ở khu vực”.

Ý kiến của các luật sư và học giả quốc tế

Khi Trung Quốc không đáp ứng thời hạn 30 ngày về chỉ định trọng tài viên tham dự Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) để xử lý đơn kiện của Philippines về tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông gây tranh cãi của Trung Quốc, Manila sẽ có quyền tự do thúc đẩy vụ kiện, bất chấp Bắc Kinh có đồng ý hay không.

Theo các luật sư và học giả quốc tế, việc Trung Quốc từ chối cử một đại diện tham gia Hội đồng thẩm phán 5 người của Tòa án trọng tài  UNCLOS không thể ngăn cản tòa án xem xét đơn kiện của Philippines và cũng không thể có quyền pháp lý để phớt lờ các phán quyết sau này của tòa án mà nước này không chấp nhận. Chỉ có điều, việc thực thi hiệu quả phán quyết này lại là chuyện khác.

Theo UNCLOS mà Trung Quốc đã ký kết, Manila có 2 tuần để kiến nghị với Chủ tịch Tòa án Quốc tế về Luật Biển bổ nhiệm một thẩm phán khác đại diện cho Trung Quốc. Chủ tịch tòa án có trụ sở tại Hamburg này là nhà cựu ngoại giao Nhật Bản Shunji Yanai, trong khi Trung Quốc vốn có một thẩm phán đại diện tại ITLOS là Zhiguo Gao. Manila đã lựa chọn  thẩm phán người Đức Rudiger Wolfrum.

Hai bên có quyền khiếu nại, nếu không chấp nhận các thẩm phán còn lại. Sau khi Hội đồng thẩm phán được triệu tập, việc đầu tiên của hội đồng này  sẽ là quyết định có chấp nhận vụ khiếu kiện hay không. Để giải quyết một vụ khiếu kiện như thế này, đôi khi hội đồng phải mất đến 3-4 năm.

Tiến sĩ Ian Storey, chuyên nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho biết việc Trung Quốc không theo kiện sẽ ảnh hưởng đôi chút đến quyết định có nên xét xử vụ kiện này hay không của Hội đồng thẩm phán. Ông nói: “Chắc chắn là Philippines đã dự phòng nguy cơ Trung Quốc không theo kiện và vẫn quyết định thúc đẩy vụ kiện này. Bất kể điều gì sẽ xảy ra, vụ kiện này sẽ gây thêm áp lực đối với Trung Quốc trong việc làm rõ yêu sách biển đảo của nước này của mình, trong đó phải làm rõ ‘đường chín đoạn’ thực sự là gì và những chứng cứ pháp lý, lịch sử biện minh cho nó”.

 Nhiều người Trung Quốc cũng mơ hồ và không hiểu thực chất "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" có ý nghĩa như thế nào.

Bản đồ “đường 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò”) mà Trung Quốc chính thức công bố năm 2009 đòi chủ quyền gần 90% diện tích Biển Đông, xâm lấn nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải của một loạt nước khác trong khu vực. Bản đồ “đường lưỡi bò” này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt không chỉ của các nước có liên quan mà cả cộng đồng quốc tế. Bản thân nhiều người Trung Quốc cũng mơ hồ và không hiểu thực chất "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" có nghĩa như thế nào.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (tổng hợp)

Bình luận(0)