Vì sao Algeria không chịu đàm phán với những kẻ khủng bố?

Google News

(Kiến Thức) - Vì sao Algeria kiên quyết tiêu diệt những kẻ khủng bố, bất chấp hành động này có thể khiến cho hàng chục con tin nước ngoài bị hạ sát?


 Cảnh sát Algeria canh phòng trước một bệnh viện gần khu nhà máy khí đốt In Amenas - nơi nhiều con tin bị phiến quân Hồi giáo bắt giữ gần đây.

Để trả lời câu hỏi này, người ta cần xem xét bối cảnh lịch sử và những diễn biến mới đây ở trong và bên ngoài Algeria.

Hồi những năm 1990, trong chính phủ Algeria từng xảy ra tranh luận khá gay gắt về cách thức đối phó với những phần tử Hồi giáo bạo lực cực đoan. Một bên là những người ủng hộ giải pháp đàm phán và bên kia là những người cho rằng “xóa sổ” những phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan là cách tiếp cận duy nhất. Còn được gọi với cái tên “xóa sổ”, phe này cuối cùng đã chiến thắng và giành quyền lãnh đạo Algeria cho đến ngày nay.

Trong khi đó, quân nổi dậy Hồi giáo ở Algeria liên tục thay đổi phương thức tác chiến. Năm 2007, Algeria phải hứng chịu vụ đánh bom tự sát đầu tiên. Đây là “tác phẩm” của Al Qaeda ở Bắc Phi (AQIM), vốn được thành lập từ năm 2006. Trong hai năm 2007 và 2008, AQIM thực hiện 3 vụ đánh bom tự sát khủng khiếp, khiến hơn 500 người tử vong và mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa khủng bố.

Cuộc khủng hoảng con tin ở nhà máy khí đốt In Amenas xảy ra gần đây đã kết thúc với hơn 80 người thiệt mạng. Nguồn tin an ninh của Algeria ngày 20/1 cho biết, lực lượng quân đội nước này phát hiện thêm 25 thi thể của con tin tại nhà máy khí đốt In Amenas, sau khi cuộc tấn công giải cứu con tin bị phiến quân Hồi giáo bắt cóc tại đây kết thúc trước đó một ngày. Lực lượng an ninh của Algeria vẫn đang được tìm kiếm các nạn nhân và cho rằng số người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố này có thể còn cao hơn nữa.

Đáng chú ý là khi những kẻ bắt cóc con tin chưa kịp đưa ra yêu sách, thì các lực lượng quân sự Algeria ngay lập tức nhập cuộc, bao vây cơ sở khí đốt này và mở một cuộc tổng tấn công. Việc tấn công vào nơi những cơ sở khí đốt In Amenas đồng nghĩa với việc tiêu diệt tất cả những kẻ khủng bố, bất chấp việc hàng chục (nếu không muốn nói là hàng trăm) con tin có thể bị mất mạng.

Chính quyền Algeria sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích của thế giới về phản ứng thái quá của quân đội. Tuy nhiên, chính quyền này giải thích rằng cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin nói trên là kết quả trực tiếp từ sự can thiệp của nước ngoài vào Bắc Phi và khu vực cận sa mạc Sahara (Sahel). Các nhà lãnh đạo ở Algeria từng cảnh báo trong năm 2011 rằng sự can thiệp của NATO tại Libya sẽ dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Sự can thiệp này khiến cho nhiều vũ khí tối tân bị tuồn khỏi Libya và rơi vào tay của lực lượng khủng bố nước ngoài, gây mất ổn định khu vực.

Hơn thế nữa, Algeria cũng từng cảnh báo rằng mọi cuộc can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali đều khiến cho xung đột leo thang và làm tăng thêm nguy cơ nổ ra các cuộc tấn công khủng bố Hồi giáo ở Algeria. Do đó, cộng đồng quốc tế đang phải gián tiếp chịu trách nhiệm về vụ bắt giữ con tin vừa diễn ra ở Algeria và họ không có quyền can thiệp vào các phản ứng của phía Algeria.

TIN BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

TIN BÀI LIÊN QUAN

Nguyên Thảo (theo FP, Reuters)

Bình luận(0)