Trung Quốc có thay đổi chính sách đối với Triều Tiên?

Google News

Báo “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng” tiên đoán  rằng Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc mới có thể sẽ thay đổi sắc thái  chính sách đối với Triều Tiên.

 Câu cầu hữu nghị nối liền Trung Quốc với Triều Tiên

Theo những người am hiểu chính sách tương lai của Trung Quốc đối với Triều Tiên, danh sách Thường vụ Bộ Chính trị là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất để dự đoán chính sách. Bởi vì, đây là cơ quan quyết sách cuối cùng đối với toàn bộ chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Khi Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào còn ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan này thiếu những  thành viên có kinh nghiệm trực tiếp về vấn đề Triều Tiên. Dù là cơ quan quyền lực tối cao, nhưng Thường vụ Bộ Chính trị không thể thúc đẩy Triều Tiên đi theo hướng cải cách kinh tế.

Vốn được đánh giá cao khi lãnh đạo các tỉnh khu vực Đông Bắc Trung Quốc như Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, những “ngôi sao đang lên” trong Bộ Chính trị hiểu rõ tầm quan trọng của việc cần phải kiên trì thúc đẩy cải cách kinh tế Triều Tiên.

Trong số “các ngôi sao đang lên” có Phó Thủ Tướng Trương Đức Giang và Phó Thủ Tướng Lý Khắc Cường (hai Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị) và Tôn Chính Tài (Ủy viên Bộ Chính trị). Họ đã có nhiều năm công tác ở những khu vực liền kề với Triều Tiên và thu được khá nhiều kinh nghiệm làm việc cùng các quan chức Triều Tiên. Họ hiểu rõ rằng sự kiên nhẫn và sức ép liên tục là nhân tố chủ chốt để thúc đẩy cải cách ở Bình Nhưỡng.

Các nhà lãnh đạo thế hệ mới này xem ra được trang bị tốt hơn về các vấn đề liên quan đến Triều Tiên và thực tế này có thể dẫn tới một vài sắc thái mới về chính sách (nếu không phải là những thay đổi chính sách) từ phía Trung Quốc.
Phó Thủ Tướng Trương Đức Giang là một người có nhiều kinh nghiệm làm việc với Triều Tiên. Ngoài những mối quan hệ rõ ràng với Triều Tiên thu được từ việc theo học và tốt nghiệp ĐH Kim Il-Sung, Trương Đức Giang có những năm đầu tiên trong sự nghiệp chính trị của mình ở tỉnh Cát Lâm. Những vị trí công tác của Trương Đức Giang đều giúp ông có nhiều kinh nghiệm giải quyết các vấn đề về Triều Tiên.

Những phát biểu công khai của tân Tổng Bí thư Tập Cận Bình cho thấy nhân tố quân sự trong liên minh Trung-Triều vẫn được duy trì mạnh mẽ, nhưng sẽ nằm trong những giới hạn nhất định. Việc giữ quân đội Nhân dân Triều Tiên nằm trong tầm ảnh hưởng của Trung Quốc nằm trong lợi ích của Bắc Kinh.

Thế nhưng, việc Trung Quốc không phản đối  các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa mang vệ tinh cho thấy Bắc Kinh đang ngày càng muốn thể hiện sự lãnh đạo của họ đối với Triều Tiên. Trung Quốc đang nhắc nhở rằng họ có thể làm cho các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có hiệu lực để gây thiệt hại cho Triều Tiên và cũng có đủ khả năng phớt lờ các nghị quyết đó vì lợi ích của Bình Nhưỡng.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:






Lê Chân

Bình luận(0)