Tổng thống Obama: Chẳng phải “bồ câu”, không hẳn “diều hâu”

Google News

Những người ủng hộ và chỉ trích TT Obama gặp nhau ở một điểm: ông chẳng phải là "bồ câu", nhưng cũng không hẳn là "diều hâu" như tổng thống tiền nhiệm.

 Tổng thống Obama: Chẳng phải "bồ câu", nhưng cũng không hẳn là "diều hâu".

Ông Mark Sleboda, chuyên viên phân tích từ Trường Kinh tế London, nhận định: “Tôi sẽ không nói rằng ông ấy ‘diều hâu’ hơn Tổng thống tiền nhiệm George W Bushl (Bush con). Chỉ cần một thực tế giản đơn rằng ông ấy là thành viên Dân chủ và là người Mỹ gốc Phi đã cấp cho ông tấm giấy phép làm một số điều khủng khiếp. Đó chính là những thứ mà ông Bush lẽ ra cũng có thể làm, nếu như hội đủ kỹ thuật thích hợp và ý chí chính trị. Ông Obama hiện thời chưa phải đối mặt với những cuộc biểu tình chống lại một số động thái của ông. Hàng triệu người Mỹ có thể đã xuống đường, giá như những động thái (mà ông Obama đã làm) do một Tổng thống của đảng Cộng hòa thực hiện”.

Chuyên viên của Đài "Tiếng nói nước Nga" Bruce Fein, cựu cố vấn của Tổng thống Ronald Reagan, cho rằng khác với ông Bush, ông Obama không bỏ tù và không tra tấn những kẻ thù giả định của Mỹ mà chỉ đơn giản là xóa sổ gọn với sự hỗ trợ của các máy bay không người lái. Nếu tin theo những gì New York Times viết, thì ông Obama hàng ngày đều đích thân bàn bạc với (Cố vấn chống khủng bố) Brennan về danh sách những điểm cần hủy diệt. Tổng thống hoàn toàn tin cậy nhân vật này, ứng viên mà ông đề xuất vào chức vụ Giám đốc CIA. Chuyên viên Bruce Fein nói tiếp: “Đề cử ứng viên Brennan cho thấy rằng nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Obama sẽ không đánh dấu bằng thay đổi đáng kể nào đó trong cách tiếp cận của ông tới chính sách đối ngoại, mà trên thực tế là cách tiếp cận đế quốc. Brennan là hiện thân của thói kiêu ngạo Mỹ, những người tin rằng họ sở hữu đặc quyền tiêu diệt bất kỳ ai ở nước ngoài, bất kỳ đối tượng nào mà tổng thống… tự cho rằng là nguy hiểm đối với đất nước”.

Tiểu sử cá nhân và tài hùng biện với nhiều mỹ từ "đa văn hóa" của Obama đã trở thành một tấm khiên thuận tiện che chắn cho chính sách cứng rắn của ông. Rốt cuộc, “Vị Tổng thống của niềm hy vọng" này đã biết bán đường lối đối ngoại hiếu chiến kiểu Bush trong cái bao gói mới đẹp đẽ mang tên hòa bình.

Chuyên viên Bruce Fein cho rằng thay đổi thực sự chỉ có được, nếu Mỹ từ bỏ cái nhìn kiêu ngạo với thế giới, còn sự thay đổi như vậy không thể thực hiện trong một nhiệm kỳ tổng thống. Ông Fein lưu ý rằng trên bình diện này cả những ứng viên khác trong cuộc bầu cử vừa qua cũng chẳng khác gì ông Obama. Ông nói: “Ở Mỹ thậm chí đã có nhân vật như Michelle Bachmann, Mitt Romney và các ứng viên khác, những người từng nói rằng Nga là quốc gia nguy hiểm nhất đối với Mỹ trên Trái đất và tuyên bố đủ thứ phi lý khác nữa. Nhưng đó chỉ là triệu chứng của căn bệnh đế quốc. Thí dụ: Nga có quan điểm về Syria và Iran khác với Mỹ, lập tức người ta sẽ hiểu điều đó như thế này: ‘Hừm, có gì đó không ổn với Nga’. Và định kiến đó thay cho suy xét xem phải chăng trên thực tế có gì không ổn với chính sách của Mỹ”.

Tổng hợp những ý kiến nêu trên về chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama có thể đi đến kết luận rằng khi tuyên bố sẵn sàng đối thoại với các nước trên thế giới, nước Mỹ thực ra vẫn muốn tiến hành cuộc đối thoại này từ vị thế của kẻ mạnh.

Liệu cách tiếp cận này liệu có đổi khác trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama? Nếu có, thì điều quan trọng là để những thay đổi đó kịp diễn ra trước khi ông Obama đánh mất nốt những hy vọng còn gửi gắm vào cá nhân ông.


ĐANG ĐỌC NHIỀU:


TIN LIÊN QUAN:







Theo VOR

Bình luận(0)