Những thạc sĩ ăn bám bố mẹ già

Google News

Liên hài lòng với hình ảnh viên mãn của mình trong mắt mọi người: một thạc sĩ hạnh phúc. Ít ai biết bà mẹ hai con này vẫn sống dựa vào bố mẹ.

Lấy bằng thạc sĩ để… moi tiền bố mẹ

Trên Facebook, Liên có rất đông bạn bè thường xuyên like và “còm” (comment), ca tụng chị là người phụ nữ hoàn hảo: có nhan sắc, có tri thức, có tâm hồn, một người vợ đảm, một người mẹ tuyệt vời… Chị là thạc sĩ, chị có hai đứa con rất kháu, một cuộc sống sung túc theo kiểu “biết hưởng thụ một cách có văn hóa”. Thế nhưng, những người biết về Liên ngoài đời thật chẳng bao giờ vào còm trên Facebook của chị. Thậm chí nhiều người nói thẳng, họ phát ớn với kiểu chém gió và hình ảnh khác xa với sự thật mà chị xây dựng lung linh trên thế giới ảo.

Một người bạn của Liên nói: “Thời bây giờ, chả ai còn lóa mắt khi biết ai đó là thạc sĩ, nhưng riêng với cái Liên thì cả lớp đều kinh ngạc khi biết nó có bằng này, một là vì nó học rất dốt, không nhét nổi cái gì vào đầu, hai là công việc nhân viên hành chính ở một công ty bé xíu của người bác họ mà nó đang làm thì chẳng cần bằng thạc sĩ của cái chuyên ngành cao xa ấy”.

Chính chị gái Liên, trong một lần bức xúc vì bất hòa với em gái, cũng tiết lộ, bố mẹ họ đã mất hàng núi tiền để giúp Liên đỗ đại học và có bảng điểm đẹp trong suốt 5 năm: “Suốt 9 năm nay, nó vẫn làm ở công ty của bác dù kêu chán, chỉ bởi nó không có khả năng đi xin việc chỗ khác, cũng không biết kinh doanh dù bố mẹ tôi thừa sức cấp vốn”, bà chị nói. 

Cô hài lòng với hình ảnh viên mãn của mình trong mắt mọi người: một thạc sĩ hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

“Lương hai vợ chồng nó cộng lại hơn 8 triệu đồng một tháng, nhưng nhà cao cửa rộng, mức sống như là thu nhập bốn năm chục triệu. Mà từ ăn đến chơi, nó đều tỏ ra là mình chơi theo đẳng cấp của người trí thức, chứ không phải kiểu trọc phú vô học như chúng tôi”.

“Chúng tôi” đây là mấy người chị em của Liên. Mặc dù bố mẹ họ giàu có tiếng ở một huyện miền Tây Bắc và rất muốn con cái học hành, bằng cấp tử tế, làm những nghề sang trọng được xã hội kính trọng chứ không là con buôn như mình, nhưng cả mấy đứa con đều tỏ rõ cái sự ghét học, chỉ thích đi buôn. Chỉ mỗi Liên là thích theo đuổi bằng cấp để có danh với xã hội, vì thế cho dù chị học kém, ông bà vẫn không ngại bỏ tiền đầu tư. 

Và vì cái danh trí thức của Liên làm bố mẹ mát mặt nên đến tận giờ, dù vẫn phải bao cấp gần như trọn gói cho cả gia đình chị, họ vẫn không phàn nàn, thậm chí coi đứa con duy nhất tốt nghiệp đại học ấy là đứa con đáng tự hào nhất. Vì thế, khi Liên nói muốn học tiếp thạc sĩ, họ lập tức ủng hộ.

“Mấy chị em tôi vẫn bảo, người ta học lấy bằng để sếp tăng lương, còn cái Liên lấy bằng thạc sĩ là để được bố mẹ tăng lương. Công ty chả cần cái bằng trái khoáy đấy, nhưng nó và ông bà già đi đâu cũng khoe ầm lên về cái bằng ấy, mặc dù bà già vẫn kể chi tiết với tôi là tiền chạy thi đầu vào mất bao nhiêu, chạy điểm mỗi môn bao nhiêu, thuê làm luận văn và lót tay các thầy hướng dẫn, phản biện luận văn bao nhiêu. Cả tiền học lẫn tiền đút lót dĩ nhiên là bố mẹ tôi trả. Ấy thế mà nó vẫn lên mặt xem thường tôi với hai thằng em là vô học, kém văn hóa, kinh quá đi mất”, chị gái Liên bực dọc “tố” em.

Do cái thói giấu đầu hở đuôi của Liên, cả người ngoài cũng biết tuy đã là một quý bà sắp sang tuổi trung niên, vẻ ngoài vô cùng chững chạc và kiêu hãnh, chị vẫn ỷ lại bố mẹ hoàn toàn về mặt kinh tế. Chị chỉ cần chăm sóc cho hình ảnh người phụ nữ thành đạt, hoàn hảo của mình để bạn bè trên mạng xuýt xoa thán phục, nhưng sự thật thì việc nhà có osin lo, tiền có bố mẹ lo.

“Có hôm mình sang chơi, thấy nàng ta gọi điện mách với mẹ là nồi cơm điện bị hỏng rồi, mẹ cho tiền mua cái mới nhé. Mình choáng quá, cái sổ tiết kiệm ông bà cho nó mỗi tháng cũng được lĩnh lãi mấy chục triệu, thế mà một món đồ vặt như vậy cũng bòn mẹ”, một cô bạn kể.

“Không có việc gì làm thì đi học thạc sĩ thôi”

Đó là lời “tự thú” của Hưng, 26 tuổi, khi bạn bè hỏi về nguyên nhân đi học cao học. Khác với Liên, nhà Hưng không giàu, bố mẹ đều đã nghỉ hưu. Bù lại, Hưng học lực cũng không đến nỗi, tốt nghiệp đại học bằng khá, nhưng vì anh kém năng động, lại chẳng chịu khó nên ra trường mấy năm vẫn chưa xin được việc làm. Thế là chàng tuổi trẻ xuân xanh phơi phới này hằng ngày đi ra đi vào ăn bám hai ông bà già.

Hằng ngày, anh ngủ nướng cho sưng mắt, dậy ăn bát phở hay gói xôi bố mẹ mua sẵn, lên mạng đọc báo, tìm thông tin việc làm và chat chit. Thỉnh thoảng có đứa bạn nào gọi điện rủ đi uống bia thì mừng hú, xin mẹ tiền đổ xăng lao đi ngay. Lại thi thoảng có thông tin công ty nào tuyển thì anh vác một bộ trong chồng hồ sơ chuẩn bị sẵn, mang đi nộp, sau đó ít ngày đi phỏng vấn rồi về dài cổ chờ cho đến giờ.

Nhịp sống thường ngày chán ngắt, được gặp bạn uống bia tán phét thì còn gì bằng, nhưng khổ nỗi lần nào gặp chúng cũng hỏi đã làm ở đâu chưa, nhất là mấy đứa bạn gái, cứ khuyên này khuyên nọ, rồi ra vẻ giới thiêu mối nọ mối kia để xin việc mà chả mối nào thành, Hưng nghĩ cũng ê mặt. Vì thế, anh về thuyết phục bố mẹ bớt ăn bớt tiêu, đài thọ cho mình học nốt cái bằng thạc sĩ. “Nhân cơ hội rảnh rỗi con học luôn, kẻo sau này đi làm rồi muốn học lại chẳng có thời gian”, anh nói. Bố mẹ không có tiền, nhưng nghĩ đến tương lai của con cũng đành bảo nhau cố gắng.

Từ khi đi học, Hưng đã có thể trả lời dõng dạc hơn khi bạn bè hay ai đó hỏi đang làm cho công ty nào: “À, tớ/em/cháu còn đang học cao học, lấy cái bằng thạc sĩ đã để xin chỗ ngon hẳn luôn”.

Thời gian trôi vèo một cái, hai năm thạc sĩ cũng xong. Hưng làm lại hồ sơ, nộp tá lả. Nhưng không hiểu sao lần nào anh đi phỏng vấn về cũng chẳng có ai liên lạc lại. Thế là nhịp sống cũ cách đây mấy năm quay trở lại: ăn sáng, loanh quanh, lên mạng… Chỉ có điều, bây giờ Hưng đâm ra ngại gặp bạn bè. Anh hay lân la ra cái bờ hồ gần nhà, nơi các cụ già trong khu tập thể ra đó hóng mát, ngồi xem các cụ đánh cờ, hóng hớt mách nước, rồi cũng tham gia đánh cờ. Hưng vẫn ăn bám bố mẹ, nhưng anh không còn là chàng cử nhân vớ vẩn nữa, mà đường đường là thạc sĩ, với trình cờ tướng mỗi ngày một cao.

Thấy con học mãi vẫn chẳng tự lập kiếm sống được, bố mẹ Hưng nản toàn tập. Họ bảo con trai hay là sang giúp việc cho nhà hàng của bà dì, cũng được tháng mấy triệu đồng, nhưng Hưng lắc đầu quầy quậy: “Đàn ông con trai, lại là thạc sĩ, ai lại đi bán cơm phở mì xào, làm xấu cả ngành giáo dục”.  Còn bà chị dâu hễ ai hỏi lại nói mát: “Chú ấy còn chờ học lấy bằng tiến sĩ luôn thể”.

Hưng nghe vậy cũng chẳng tự ái. Anh tự hỏi, chẳng biết người chưa từng đi làm như anh thì có được học tiến sĩ không. Và chắc anh đã đến tận trường để hỏi rồi, nếu như bố mẹ vẫn còn có tiền cho anh đi học.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Xzone

Bình luận(0)