Anh em nhà chồng tôi đua nhau “bòn” bố mẹ

Google News

(Kiến Thức) - Tôi thấy kỳ cục cái cảnh một đàn con lớn tưởng vẫn bu lấy hai ông già như đám tầm gửi. Đã chẳng phụng dưỡng chăm sóc được ông bà thì thôi, đằng này...

Không phải họ tham lam tài sản của tôi, mà là của bố mẹ chồng tôi. Năm anh em trai gái, đều có gia đình riêng cả rồi, đều có nhà cửa, công ăn việc làm ổn định, nhưng đua nhau bòn rút của ông bà.

Bố mẹ chồng tôi hiền, chiều con hết mực. Khi còn công tác, ông bà đều là lãnh đạo nên cũng có chút ít dành dụm tuổi già. Tôi về làm dâu, từng ngưỡng mộ vô cùng vì ông bà đã lo chu toàn mọi thứ cho bầy con đông đúc, những tưởng ông bà thế là yên tâm an hưởng tuổi già.

Ai dè, các anh chị em bên nhà chồng tôi, quen được cung phụng cưng chiều từ nhỏ, cứ nhăm nhăm mấy đồng còn lại của ông bà. Trưởng thành rồi, giờ ngửa tay xin thì ngại, thế là tất cả đua nhau mang con cái ra làm vật thế thân. Người thì xin ông bà tài trợ cho cháu đi học ngoại ngữ; người thì kiếm cớ sinh khó, xin ông bà hỗ trợ tiền cho vào đẻ viện quốc tế, nhưng sau lại sinh ở C “vì chuyên môn họ cao”; người thì vay vốn đầu tư làm ăn rồi chẳng thấy hồi âm....

Chồng tôi, khi mới cưới cũng có thói ấy, thi thoảng về ông bà cho khoản này khoản nọ vẫn cầm. Sau, tôi nói nhiều, bày tỏ thái độ khó chịu nhiều, nên mới đỡ xin kiểu lặt vặt. Nhưng hễ có nhu cầu gì mà vợ không đồng ý, thì chồng tôi vẫn sẵn sàng alo về cho ông bà ngay. 

Tôi thấy kỳ cục cái cảnh một đàn con lớn tướng vẫn bu lấy hai ông bà già như đám tầm gửi. Đã chẳng phụng dưỡng chăm sóc được ông bà thì thôi, đằng này...

Mấy hôm trước, bố mẹ chồng tôi gọi cả đám con về, công khai ông bà còn mấy miếng đất và mấy cuốn sổ tiết kiệm. Ông bà đã nói rõ sẽ thuê luật sư làm di chúc, chia công bằng cho các con. Thế mà từ hôm ấy, từ bác cả đến cô út, suốt ngày lượn vè vè về ông bà, xin xỏ ỉ ôi, rồi mấy anh em còn định ép ông bà “chia luôn từ lúc sống cho khỏi lằng nhằng”. 

Tôi chỉ là phận làm dâu, nhưng tôi thấy cám cảnh cho bố mẹ chồng tôi quá. Tôi có điện thoại riêng về, bảo mẹ chồng tôi rằng mẹ có gì cứ giữ lấy dưỡng già, bọn con đủ hết rồi, mẹ đừng bảo cho cái gì nữa, mất công anh em tranh nhau.

Ai dè, mẹ chồng tôi lại kể với cô út, rồi cô út kể với các bác. Thế là cả nhà đổ tôi là đồ dâu lắm mưu, định giả vờ thế để lấy lòng ông bà, hòng nhận phần hơn. Chồng tôi cũng quay sang chì chiết vợ “chuyện tài sản trong nhà, không đến lượt phận dâu can thiệp”.

Tôi buồn quá. Một chục người lớn kia đang làm gương xấu cho mấy chục đứa nhỏ nhìn vào khi chúng nó bây giờ cũng biết tranh thủ nịnh ông nịnh bà để đòi hỏi cái này cái nọ. 

Tôi biết, một thân tôi chẳng thể thay đổi tất cả, nhưng ít nhất, tôi muốn chồng mình, con mình không bị cuốn vào cuộc tranh giành đáng xấu hổ kia. Tôi nên ứng xử thế nào để chồng tôi hiểu, anh em mà tranh nhau, tranh cả của bố mẹ là việc làm không đúng? Tôi nên làm thế nào để chồng tôi biết thương chính bố mẹ đẻ của anh ấy, còn lấy đó làm gương mà dạy con cái mình cách sống sau này?

Tạ Hồng Lam (Ba Đình, Hà Nội)
 
Đáp: Con cái tham lam, tranh giành tài sản của cha mẹ là câu chuyện buồn và không hiếm gặp thời nay. Với gia đình chị, nhìn từ góc độ nào đó, việc bố mẹ chồng công khai tài sản, quyết định định di chúc phân chia khi ông bà minh mẫn, khỏe mạnh cũng là điều tốt, tránh những xô xát, tranh cãi phức tạp sau này nếu chẳng may ông bà đau ốm hay lú lẫn.

Việc các anh em nhà chồng đua nhau bòn rút, xui cả con cái nịnh nọt ông bà dù thật chướng tai gai mắt nhưng một mình chị không thể can thiệp và thay đổi được. Như chị thấy, tham gia vào câu chuyện nhạy cảm này, chỉ một ý tốt của chị thôi cũng đã bị đánh giá sai lệch, xuyên tạc.

Hãy chia sẻ với chồng chị rằng từ trước đến giờ anh ấy đã biết tính chị, chỉ muốn tự lập, không dựa dẫm vào bố mẹ nên không bao giờ có ý định lấy lòng, tranh giành thiệt hơn. Bày tỏ với anh ấy hiểu mong muốn chân thành rằng bố mẹ chồng được hưởng tuổi già sung túc, sau này lỡ có yếu bệnh cũng chủ động, không phải lo lắng gì về tiền bạc. Một khi chồng chị hiểu tấm lòng của chị, hai vợ chồng có thể thẳng thắn trao đổi với bố mẹ về việc ông bà nên để lại tài sản, tiền tiết kiệm phòng thân khi tuổi già, thay vì chia hết cho các con. 

Tất nhiên, có thể ý kiến tốt đẹp này của chị lại bị hiểu lầm, nhưng nếu đây là điều cần thiết phải làm, anh chị có thể chấp nhận việc mọi người xì xào. Rồi thời gian sẽ chứng minh mọi thứ. Tình cảm với cha mẹ bộc lộ rõ nhất không phải khi phân chia tài sản mà khi ông bà già yếu, cần tới sự chăm sóc, đỡ đần của con cháu.

Về phía các con của chị, dù các cháu sớm chứng kiến cảnh người lớn tranh giành tiền của nhưng chị và chồng mới là những người ảnh hưởng đến cháu nhiều nhất. Có nhiều cách để cháu học cách yêu thương, hiếu kính ông bà: qua câu chuyện anh chị kể về việc bố mẹ chăm sóc mình hồi nhỏ, qua việc chị thăm hỏi, chăm sóc bố mẹ chồng/ bố mẹ đẻ khi ốm đau… Khi chị yêu thương các con, bố mẹ một cách chân thành, con chị cũng sẽ học được điều đó một cách tự nhiên và sâu sắc.

Ths tâm lý Nguyễn Hồng Minh

Bình luận(0)