Nhà văn Tạ Duy Anh: Vô cùng biết ơn mẹ vợ

Google News

(Kiến Thức) - “Tôi vô cùng biết ơn mẹ vợ bởi ngay từ lần đầu tôi bước vào nhà, bà đã không vì sự gày còm ốm yếu, ăn mặc bẩn thỉu, mặt mũi xấu xí mà đánh giá thấp về tôi", nhà văn chia sẻ.

"Ngược lại từ đầu chí cuối bà cụ hoàn toàn yên tâm giao con gái vàng bạc của cụ cho tôi mặc dù chưa biết tôi sẽ cho cô ấy ăn gì, ở đâu”, nhà văn Tạ Duy Anh chia sẻ về cuộc hôn nhân lần thứ 2 nhiều “kịch tính” của mình.

Lời tỏ tình đặc biệt

“Vợ tôi trước là sinh viên của trường Đại học Văn Hoá Hà Nội. Khi tôi vào học thì cô ấy tốt nghiệp ra trường. Chỉ vì thủ tục giấy tờ bị sai mà cô ấy phải ở lại Hà Nội thêm mấy ngày. Chính vì thế mà chúng tôi mới có cơ duyên gặp nhau”, nhà văn Tạ Duy Anh tủm tỉm khi bắt đầu về câu chuyện tình thú vị của ông với người bạn đời.

Ông kể: “Tôi gặp cô ấy khi đi lấy nước. Thời gian tôi nhường cô ấy lấy trước xô nước, chỉ kịp cho tôi thấy cơ thể cô ấy quả thật gợi cảm giác rất trong sạch. Trong đầu tôi nảy ngay ra ý nghĩ, nếu cô gái kia là vợ mình, thì mình sẽ rất yêu những đứa con cô ấy sinh ra và có thể yên tâm theo nghiệp bút nghiên mà không phải lo chuyện gia đình”. 

Một quyết định liều mạng lướt qua đầu ông: phải ngỏ lời cầu hôn trước khi cô ấy về lại Cao Bằng. “Tôi bảo tôi sẽ sống rất tốt với cô ấy. Tôi cũng thú nhận luôn là tôi đã cưới một lần vợ, có một đứa con gái nhưng đã là người tự do. Có lẽ điều đó khiến cô ấy cảm động. Cô ấy bảo chưa từng thấy ai tỏ tình như vậy. Nhất là khi tôi nói thêm rằng tôi không biết tán tỉnh nhưng biết giữ lời mình nói, trong bất kể tình huống nào”. 

Nhà văn Tạ Duy Anh giờ nổi tiếng là người chồng chung tình. 

Mẹ vợ tôi là người dũng cảm

Khi biết tin ông yêu cô gái người Tày, nhiều bạn bè tỏ ý lo ngại. Một anh bạn làm phê bình, không hề úp mở bảo ông là quá ngờ nghệch và thiếu thực tế. “Để xem chú mày lãng mạn được bao lâu. Cơm áo, nhà cửa nó không đùa với sự rồ dại đâu. Tao không dại thế”. Nhưng lúc đó, ông bảo: “Chẳng hiểu sao tôi chẳng bị ám ảnh gì, vẫn cứ háo hức, không mảy may lo lắng cho tương lai”.

Ngày đó đi từ Hà Nội lên Cao Bằng giống như đi sang một nước khác. Mỗi lần lên thăm người yêu, ông phải thức qua đêm luôn, đợi đến 1 giờ sáng ra số 1 Phan Chu Trinh. Hằng ngày đều có một cái xe Hải Âu chở thư báo dọc tuyến Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng. 

“Tôi phải gặp để đăng ký trước với lái xe, sau đó chờ anh ta đi nhận đủ thư báo, làm thủ tục rồi mới xuất bến, thường là vào khoảng 6 giờ sáng. Suốt cả 4 - 5 tiếng đồng hồ đó, nhiều lần tôi suýt chết cóng vì rét”, ông kể.

Trong những ngày khó khăn đó, điều khiến ông cảm động nhất là tấm lòng của “mẹ vợ tương lai”.“Lúc đó bà hoàn toàn chưa biết gì về gia đình tôi, chưa thấy tôi hé ra tí tương lai nào. Phải là bà mẹ rất dũng cảm mới không ra tay ngăn con gái mình gá vào với kẻ thất thểu là tôi như vậy”, nhà văn chia sẻ

Từ đa tình thành kẻ chung tình

Chờ nhau chẵn hai năm, qua nhiều sóng gió, cuối cùng kết thúc cũng là một đám cưới. Và với ông, ngày cưới, thực sự là một ngày đặc biệt theo tất cả các nghĩa. “ Bố mẹ tôi, chủ yếu do bố tôi, chưa bao giờ quan tâm đến chuyện lấy vợ, lấy chồng của con cái, nên không thể trông mong gì ở các cụ, kể cả việc chỉ cần các cụ có mặt làm phép đại diện xin dâu. Tiền thì cũng chẳng có gì ngoài mấy trăm ngàn tiền nhuận bút. Vợ tôi bảo cứ để cô ấy lo, chỉ cần tôi có mặt đúng lúc.Và nhất định là phải mặc áo comple. Chuyện đó thì dễ, vì tôi biết có thể mượn. Thế là tôi đi cưới vợ”, nhà văn cười.

Nhọc nhằn là thế, nhưng cuộc đời đã đền bù cho ông trái ngọt hạnh phúc. Vợ ông, đúng như ông dự cảm trong ngay từ giây phút gặp mặt, là người phụ nữ tuyệt vời, khéo chiều chồng, nuôi con. Ông tự hào khoe với tôi tất cả những áo len ông mặc đều do tay vợ đan. Chưa bao giờ ông phải ra hiệu cắt tóc, hoặc tự gội đầu hay cắt móng tay, móng chân...

Hiện tại vợ ông vẫn tự tay làm lấy những thức ăn mà ông thích như Pa-tê gan, tương ớt, sốt cà chua, xúc xích kiểu người Tày (gọi là xúng xàng)... Còn ông, từ một người đàn ông luôn tự nhận đa tình thì giờ lại nổi tiếng “chung tình”, yêu con hết mực, đến mức một bạn văn đã tặng ông hai câu thơ tếu: “Sinh ra cho phí của giời; Cơm nhà của vợ biết đời nào khôn”.
Mai Loan

Bình luận(0)