Con bị tự kỷ, bố mẹ tự hào tưởng thần đồng

Google News

"Con bé rất thông minh. Mới 15 tháng tuổi, nó đã đọc được tất cả bảng số và chữ cái..."

- Bỏ ngoài tai lời cảnh báo rằng Joyce có thể bị tự kỷ, suốt 6 năm, vợ chồng Lawson nhất mực tự hào về khả năng xuất chúng của con gái mình.

Thích cảm giác con mình khác biệt
 
Khi bế đứa con gái vừa chào đời, Mary Lawson, một bà mẹ sống ở Bắc London (Anh) đã ngờ ngợ có điều gì đó không ổn. Nhưng dấu hiệu không thật rõ ràng khiến cô đành cho qua chuyện.

“Khi tôi nhìn vào mắt con bé, nó liếc đi chỗ khác. Lần đầu tiên làm mẹ, tôi không biết điều đó có bình thường không. Tôi đã nói với bác sĩ nhưng ngay cả chồng tôi cũng không nhận thấy điều này nên chuyện cũng bẵng đi”- Lawson kể lại.

Thế nhưng, bản năng làm mẹ của Lawson đã đúng. Khi xuất viện về nhà, hành vi của bé Joyce ngày càng bất thường. Em luôn tìm cách thoát khỏi vòng tay của mẹ, khóc hàng giờ đồng hồ, bố mẹ dù có cưng nựng đến mấy cũng không làm Joyce nín khóc.
 Dù nghi ngờ nhưng suốt 6 năm, Lawson không muốn tin con gái mình bị bệnh.
Dù nghi ngờ nhưng suốt 6 năm, Lawson không muốn tin con gái mình bị tự kỷ.

Lớn thêm một chút, cô bé không thích chơi búp bê và không tỏ ra hứng thú với trò chơi “đóng vai” như mở tiệc trà, chơi đồ hàng… Joyce có thói quen đập đập cánh tay và xoay tròn.

Chị gái của Lawson, giáo viên dạy tiểu học nghi ngờ Joyce mắc tự kỷ nhưng cho tới khi Joyce lên 6, vợ chồng Lawson vẫn không muốn tin con mình có vấn đề mà chỉ nhất mực tự hào về khả năng khác thường của cô bé.

“Con bé rất thông minh. Mới 15 tháng tuổi, nó đã đọc được tất cả bảng số và chữ cái. Joyce có một bộ não sắc bén. Tôi thích cái suy nghĩ rằng con bé có một chút “khác biệt” với những đứa trẻ khác”.

Năm Joyce 6 tuổi, khi nhà trường bắt đầu cảnh báo phụ huynh về hành vi cư xử hung hãn của em, cả gia đình mới quyết định đưa Joyce đi khám. Kết quả cho thấy em mắc hội chứng Asperger.

“Chúng tôi rất lo cho tương lai con bé. Liệu nó có lấy nổi chồng? Liệu có chàng trai nào tới quán bar, bắt chuyện nó và rồi băn khoăn mình đang vác nợ vào thân? Tôi không thể luôn ở bên để bảo vệ nó, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra" - Lawson ngậm ngùi.
 
Joyce giờ đã 9 tuổi và vẫn chưa một lần tỏ ra buồn bã, sợ hãi và nói câu "Con yêu mẹ!".

Tỷ lệ chẩn đoán tự kỷ tăng cao

Theo tờ Daily Mail, hiện có khoảng nửa triệu người Anh mắc tự kỷ, với tỷ lệ 1/125 người, trong đó đa phần là nam giới. Tỷ lệ bé gái mắc tự kỷ so với bé trai là 1/4. Còn theo thống kê mới nhất tại Mỹ, cứ khoảng 88 trẻ thì có 1 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Tỷ lệ này tăng 25% so với năm 2006 khi tỷ lệ tự kỷ là 1/110 và 78% so với từ năm 2000-2002.
 
Khảo sát của Viện nghiên cứu tâm thần quốc gia Hòa Kỳ trên 14.000 trẻ tự kỷ cho thấy phần lớn các trẻ được chẩn đoán mắc bệnh có độ tuổi tối thiểu là 5, dù biểu hiện của bệnh có thể phát triển từ khi trẻ lên 2.
 
Theo Carol Povey, Giám đốc trung tâm tự kỷ, thuộc Tổ chức tự kỷ quốc gia tại Anh, tự kỷ ở nữ giới khó chẩn đoán hơn bởi họ giấu triệu chứng rất giỏi, thậm chí một số người phải đến 40, 50 mới biết bệnh. Họ giàu khả năng ngôn ngữ hơn nên ứng phó tốt hơn với các giao tiếp xã hội, nhưng đó là sao chép từ người khác, thay vì năng lực bẩm sinh.

Dấu hiệu trẻ tự kỷ

Kỹ năng xã hội

-    Không phản ứng với tên gọi của mình khi được 12 tháng tuổi.
-    Tránh giao tiếp bằng mắt.
-    Thích chơi một mình.
-    Không chia sẻ sở thích với các bạn.
-    Chỉ giao tiếp để đạt được mục đích nhất định.
-    Biểu hiện khuôn mặt không đúng với yếu tố cảm xúc hoặc hời hợt (cười khi kể chuyện buồn).
-    Tránh hoặc kháng cự các tiếp xúc về thể chất.
-    Người khác không thể an ủi được khi có chuyện buồn.
-    Gặp khó khăn trong việc hiểu cảm xúc của người khác hoặc diễn đạt cảm xúc của chính mình.

Kỹ năng giao tiếp

Khoảng 40% trẻ tự kỷ không nói được. 25-30% trẻ tự kỷ nói được vài từ khi được 12-18 tháng tuổi và sau đó mất khả năng. Một số khác chậm nói.

Trẻ tự kỷ nếu nói chuyện thường không đặt từ vào câu, mỗi lần chỉ nói một từ hoặc lặp lại các từ hoặc cụm từ giống nhau. Một số nhại lại câu nói của người khác.
 

Mặc dù hiện tượng này cũng xuất hiện ở trẻ phát triển bình thường nhưng chỉ kéo dài tới hết năm 3 tuổi. Một số khác vẫn nói chuyện được thành thạo nhưng khó nghe hiểu.

Một số biểu hiện khác:

-    Thay đổi nhân xưng (nói “cậu” thay vì “tớ”)
-    Đưa câu trả lời không liên quan tới câu hỏi.
-    Không biết phiếm chỉ bằng tay (chỉ tay vào máy bay đang bay)
-    Sử dụng rất ít hoặc không sử dụng cử chỉ (vẫy tay tạm biệt).
-    Nói với giọng trầm hoặc nheo nhéo.
-    Không chơi trò chơi giả vờ nhập vai (giả vờ cho búp bê ăn).
-    Không hiểu câu nói đùa.

Cách chơi và phản ứng với kích thích môi trường

-    Xếp đồ chơi hoặc các vật thể khác thành hàng.
-    Luôn chơi với đồ chơi theo một cách nhất định.
-    Thích một phần của vật thể (VD: bánh xe của ô tô).
-    Rất ngăn nắp.
-    Dễ buồn vì những thay đổi nhỏ.
-    Có sở thích bị ám ảnh.
-    Phải theo một số lộ trình nhất định.
-    Vẫy tay, lắc người hoặc xoay tròn.

Trẻ tự kỷ thường phát triển một lộ trình nhất định. Một sự thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường ngày như dừng lại trên đường từ nhà đến trường có thể khiến chúng cảm thấy buồn, thất vọng, từ đó mất kiểm soát hoặc nổi cáu, nhất là khi đó là một nơi lạ.

Phát triển

Khoảng 13-48% trẻ tự kỷ có quá trình phát triển bình thường cho tới khi được 15-30 tháng tuổi. Lúc này, chúng bắt đầu mất dần kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ và không ngôn ngữ.

Trẻ tự kỷ có thể chậm nói nhưng khả năng di chuyển vẫn như những trẻ cùng trang lứa. Chúng có thể rất giỏi trong việc giải đố và các vấn đề về máy tính nhưng lại gặp khó khi nói chuyện hoặc kết bạn, hoặc có khả năng đọc một câu dài nhưng không phát âm được chữ “b”.

Phản ứng với bệnh gây sốt

Khi mắc các bệnh gây sốt, triệu chứng tự kỷ ở trẻ có dấu hiệu giảm. Một phụ huynh nói: “Khi con trai tôi bất ngờ trở thành thiên thần, tôi biết nó đã bị viêm tai”.

Sự tiết chế các hành vi thái quá có thể xảy ra với rất nhiều các bệnh khác nhau như viêm tai, viêm đường hô hấp trên và các bệnh khi còn nhỏ. Khi trẻ phục hồi thì các vấn đề hành vi lại tái diễn.
  
Một số triệu chứng khác

-    Hiếu động quá mức.
-    Phản ứng xung động (làm mà không suy nghĩ).
-    Khả năng chú ý ngắn hạn.
-    Giận dữ.
-    Tự làm bị thương bản thân.
-    Nổi cơn tam bành.
-    Thói quen ăn, ngủ bất thường.
-    Phản ứng cảm xúc và tâm trạng bất thường.
-    Mức độ sợ hãi thấp hơn hoặc cao hơn mức bình thường.
-    Phản ứng bất thường với các tác động liên quan tới 6 giác quan (như la hét khi nghe thấy tiếng máy hút bụi)..
-    Một số tự giới hạn chế độ ăn của mình ở một vài món ăn hoặc ăn đất, đá. Chúng cũng thường gặp phải các vấn đề như táo bón mãn tính hoặc tiêu chảy.

Thu Thương (Theo CDC, Medscape, Dailymail)
[links()]

Bình luận(0)