Bi kịch giận chồng

Google News

Chỉ vì uất ức chồng, nhiều người dại dột hủy hoại bản thân và chính đứa con của mình.

Nguyên nhân một phần do thiếu hiểu biết và sức khỏe tâm thần yếu. Nhiều người được cứu sống, nhưng hầu hết những đứa trẻ thơ vô tội đều không qua khỏi. Bi kịch tiếp nối bi kịch: mẹ tù tội, cha mang nỗi đau cả một đời.

Theo một thống kê, chỉ riêng trong năm 2008, có trên dưới 30 trường hợp vì mâu thuẫn gia đình mà các ông bố, nhất là các bà mẹ giết con rồi tự sát. Những bức bách kéo dài trong một thời gian nhưng không tìm thấy một nơi để chia sẻ đã biến thành hành động nông nổi.

 
Kinh tế khó khăn nên gia đình của Nguyễn Thị Gái, 28 tuổi, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, quyết định sẽ để anh chồng đi xuất khẩu lao động. Kể từ khi chồng Gái bắt đầu đi học tiếng Hàn Quốc, mối quan hệ hai vợ chồng và giữa Gái với gia đình chồng trở nên căng thẳng. Nỗi lo lắng chồng sẽ thay lòng đổi dạ không thể chia sẻ cùng ai, đã đẩy Gái đến việc giết con gái rồi tự sát. Con chết, Gái được cứu. Ngày được xuất viện, Gái vô cùng ân hận, đau xót, chỉ biết nhận tội mình đã giết con, không nói thêm lời nào.

Còn Nguyễn Thị Hạnh, xã Tam A, huyện Phú Ninh, Quảng Nam, cái ngày được cứu sống, nằm trên giường bệnh là ngày tồi tệ nhất cuộc đời. Trước đó, vì không muốn sống cuộc sống như hiện tại: kinh tế túng quẫn, chồng hay say xỉn… Nghĩ rằng chết là hết, nên sau một trẫn cãi vã với chồng, Hạnh quyết định tìm đến cái chết. Không muốn con mình có cuộc sống bi đát hơn nữa vì không có mẹ, Hạnh cho cả 2 con cùng uống thuốc diệt cỏ. May mắn là ba mẹ con Hạnh đều được cứu sống, nhưng cuộc sống Hạnh sẽ không còn như trước nữa. 

Đáng thương và đáng trách 

Tự tay mình tước đi cuộc sống của những đứa con mà mình nhất mực thương yêu, hầu hết các bà mẹ đều nghĩ rằng nếu chết đi, chúng sẽ không tiếp tục phải chịu cảnh khổ. Ngày đầu thú trước công an điều tra, Lê Thị Thanh Thảo, 26 tuổi, ở ấp 2, xã Thời Hòa, huyện Bến Cát, Bình Dương, cho biết nguyên nhân giết đi 2 con gái là vì không muốn chúng khổ như mình, với một người cha bội bạc, bỏ vợ con để sống cùng tình nhân. Với Thảo, cuộc sống của đứa con gái bị cha bỏ rơi rồi sẽ chỉ nhận được những đắng cay, cơ cực khi mẹ chúng cũng chỉ là một người buôn phế liệu.

“Nhiều người có sức khỏe tinh thần yếu xem chết là giải pháp. Và họ cũng suy nghĩ lệch lạc rằng điều đó sẽ giải thoát cho những đứa trẻ thoát khỏi cuộc sống cơ cực này”, thạc sĩ Xuân Loan thuộc Hội Tâm lý giáo dục học TP HCM cho biết. Khi đứng trước tòa vị tội giết con, hầu hết các bị cáo đều chỉ khóc mà không nói được gì. Sự giằng xé luôn là điều thường trực ở những người đàn bà này. “Thậm chí, họ lại mong là mình sẽ bị tử hình để không phải chịu đựng cảnh mẹ sống, con chết”, luật sư Thúy Hường, Văn phòng Luật sư Nguyễn Văn Hậu, quận Bình Thạnh, cho biết.  

Nỗi đau của nhiều cuộc đời 

Bi kịch đó, theo các chuyên gia tâm lý, đó là sự tự oán trách bản thân của không chỉ của người làm mẹ và cả người làm cha, là nỗi đau mất con, mất cháu không dễ gì nguôi được… Sẽ có rất nhiều người không thể nào có được cuộc sống thanh thản trong mấy chục năm còn lại. “Và những đứa trẻ may mắn còn sống, nếu không để lại di chứng nặng nề về thân thể thì cũng mang một vết thương rất lớn về tinh thần. Nó sẽ lớn lên thế nào khi mẹ ngồi tù, và mẹ đã từng tước bỏ cuộc sống của trẻ”, thạc sĩ Xuân Loan nói. Cũng theo bà, rồi những đứa trẻ đó sẽ lớn lên với một sự khiếm khuyết trong tâm hồn, và điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cá nhân đứa trẻ ấy mà còn ảnh hưởng đến nhiều cuộc đời xung quanh, cụ thể là vợ, là con sau này.

Thiếu kiến thức gia đình là lý giải của bà Lê Thị Thanh Nhã, Phó ban văn hóa - gia đình, Sở VH-TT-DL TP HCM, trước vấn đề trên. Theo đó, mâu thuẫn gia đình là một điều không thể náo tránh khỏi, và kiến thức về gia đình sẽ giúp người trong cuộc biết cách giải quyết mâu thuẫn đó. Không biết cách để sẻ chia, cũng không nhận được sự sẻ chia chủ động từ các Đoàn  thể, Hội phụ nữ đã đẩy bản thân họ thành kẻ vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân.

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Theo Cuộc sống Việt

Bình luận(0)