Ngày rét, mang con đi làm, lộ cả chuyện vợ chồng!

Google News

(Kiến Thức) - Hôm nay, nhiệt độ thấp nhất tại Hà Nội đã tăng lên 11 độ C, các trường đã đón học sinh trở lại. Nhưng cái lạnh giữa tiết trời mưa phùn vẫn khiến nhiều bậc bố mẹ bất đắc dĩ phải cho con nghỉ học, chấp nhận tình trạng dở khóc dở cười khi trẻ ở nhà đột xuất.

Ngồi nghe bản tin thời sự buổi sáng, thấy báo nhiệt độ Hà Nội trong ngày 7.1 chưa tới 10 độ C, chị Ngọc (KTT Mễ Trì) thở dài ngao ngán. Đang mùa Tết, hai vợ chồng cả ngày quay như chong chóng với các đơn hàng, giờ con lại nghỉ học ở nhà, thì vắt chân lên cổ cũng không hết việc. 

Mà nào có riêng thế. 7.1 là sinh nhật bé Minh Châu 3 tuổi (con gái chị Ngọc) nên từ cả tuần nay con háo hức chờ đợi. Sáng con dậy thật sớm, đòi mẹ mặc đồ đẹp, buộc tóc, cài nơ vì ở trường các cô đã dặn hôm nay sẽ tổ chức sinh nhật cho con. Tới khi chị Ngọc bảo con hôm nay nghỉ học ở nhà thì bé khóc ầm ĩ lên, giận dỗi mẹ cả buổi sáng.

Chị Ngọc tâm sự: “Mình cũng biết con mong ngóng, nhưng đưa con đến lớp có ai đâu chứ, mà cho ở nhà thế này, con lại cứ tưởng mẹ nói dối. Mình phải dỗ dành mãi là tối mẹ tổ chức bù, cũng có bánh to, cũng có quà, có các bạn nữa thì con mới nín khóc”. Dỗ con như vậy nhưng đúng như chị Ngọc dự tính, hầu hết các bạn của anh chị có con cùng cỡ tuổi bé Châu đều gọi điện khất không cho con qua được vì lạnh quá. Bé Minh Châu thất vọng lắm! Con đâu có biết, chung quy cũng chỉ tại ông trời làm ra cái rét!
 Nhiều gia đình cho con nghỉ học phải tự tổ chức thành nhóm trẻ mà phụ huynh thay nhau thành cô trông trẻ tại nhà luôn!

Không bị rơi vào tình huống bị động như nhà chị Ngọc, nhưng vợ chồng anh Nam (Tây Sơn) cũng dở khóc dở cười với cô con gái nghỉ học từ sau Tết Dương lịch, khi trời chuyển rét đậm. 

Hai vợ chồng ở riêng, không có osin, không có ông bà đỡ đần nên mấy ngày đầu, anh chị thay nhau muối mặt đem con đến cơ quan. Nhưng cơ quan chị sếp khó tính, mang con đi buổi đầu không sao, đến buổi thứ hai, đúng lúc chị đang ngồi xúc cháo cho con ăn thì có đoàn kiểm tra đột xuất, sếp chị bị phê bình nên bực mình tuyên bố kỷ luật chị vì vô kỷ luật ở cơ quan. Chị chẳng biết thanh minh làm sao vì cả phòng ai cũng có con nhỏ, có mỗi mình chị mang con đến nơi làm việc. Công cả năm chăm chỉ hì hụi giờ bị sếp dọa cắt, chiều hôm ấy chị bế con về nước mắt lã chã. Còn con bé 5 tuổi thì cứ nép vào bố, sụt sịt “mẹ bị mắng bố ạ”. 

Thế là đến lượt anh Nam mang con đi làm. Cơ quan anh thoáng hơn, nhưng toàn người trẻ nên con bé con 5 tuổi đang ham kể chuyện được khai thác hết mức. Từ chuyện ở nhà con hay ăn gì, mẹ có bắt nạt bố không, rồi đến cả... chuyện yêu của hai vợ chồng cũng được mấy anh đồng nghiệp khai thác triệt để bằng những câu hỏi: tối ngủ con nằm ở đâu? bố có yêu mẹ không?.... Chẳng cần đợi đến ngày thứ hai như vợ, ngay ngày đầu tiên mang con đi làm, anh đã phải xin phép đưa con về sớm, khi đỏ mặt nghe con “tố tội” bố mẹ: “cứ con vừa ngủ là bố bế vào trong, rồi chen vào nằm cạnh mẹ, ôm mẹ nữa; có hôm đi ngủ rồi bố vẫn còn thơm mẹ chút chít....”

Cuối cùng, vợ chồng anh phải cầu cứu đến ông bà đôi bên, dù ông bà cũng vẫn còn công tác. Thế là cứ luân phiên ông bà thay nhau nghỉ trông cháu, bữa nào ông bà cùng bận, thì thôi, cô dì chú bác, anh chị họ.... tất tần tật đều được huy động. Sau cùng, anh rủ mấy gia đình trong khu chung cư cùng có con nhỏ, các con đều quen nhau, quen mặt người lớn, hầu hết đều đang giai đoạn cho con nghỉ phép vì lạnh thay phiên nhau, mỗi buổi một nhà nghỉ làm trông bọn trẻ. Bố mẹ nhà nào tự chịu trách nhiệm cho con ăn bữa chính vào buổi sáng và tối của nhà ấy, thời gian các con chơi với nhau tập trung chỉ uống sữa, ăn hoa quả. Vợ chồng anh Nam mếu máo đùa nhau: phục vụ cô con gái cưng nghỉ rét còn hơn Võ Tắc Thiên đi tránh đông.

Nhà chị Hằng (Cầu Giấy) còn khốn khổ hơn khi con đột ngột được nghỉ học. Bố mẹ hai bên đều ở xa, chị không thể cầu cứu ông bà xuống đỡ. Nghĩ cô con gái lớn cũng đã 10 tuổi, cậu con nhỏ 7 tuổi thì hai chị em có thể trông nhau nên chị “đánh liều” cho hai đứa ở nhà. Dặn dò con cẩn thận mọi thứ, chuẩn bị đầy đủ đồ ăn nước uống, chị đến cơ quan khi đã giữa buổi. Ai dè, vừa ngồi chưa ấm chỗ thì đã thấy điện thoại kêu. Hóa ra bà hàng xóm gọi, thằng bé nhà chị phải đưa vào bệnh viện vì ngã, sợ gãy tay. 

Tá hỏa lao về, chị mừng phát khóc khi con chỉ trật khớp nhẹ. Đứa chị sợ tái mặt, mếu máo thanh minh: “Tại mẹ dặn không được leo trèo, con bảo em không nghe, cứ trèo lên cửa sổ nên con kéo em xuống”. Chị xoa đầu an ủi con mà lòng nóng như lửa đốt vì từ mai hai vợ chồng không biết phải tính toán ra sao. Hai vợ chồng chị đều làm ngân hàng, Tết dương còn phải đi làm cố, giờ ngày thường biết xin nghỉ làm sao, mà con cái thế này, giờ hết rét cũng phải cho nghỉ ở nhà!

Những gia đình như nhà chị Ngọc, chị Hằng, anh Nam ở Hà Nội không phải là hiếm. Con cái qua tuổi sơ sinh, có thể đi học, hầu hết các nhà đều “giải tán osin”. Trong khi đó, không phải nhà ai cũng có ông bà sống cùng, hoặc ở gần ông bà, người thân để nhờ cậy nên khi có việc khẩn cấp như thế này đều vô cùng bối rối. Những cách xử lý tạm thời thì dễ có sự cố, bản thân bố mẹ đi làm thấp thỏm không yên, con cái ở nhà cũng không an toàn. 

Trên nhiều diễn đàn, nhiều bà mẹ bức xúc bày tỏ việc “cha mẹ cũng khốn khổ vì trời lạnh” như Mẹ MA (Webtretho). Theo nhiều mẹ, quy định cho trẻ nghỉ học khi nhiệt độ dưới 10 độ C là một quy định hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho trẻ nhỏ. Song, ngành giáo dục cũng cần xem xét tạo điều kiện hỗ trợ phụ huynh trong tình trạng đột xuất này. Mỗi trường nên chuẩn bị một phòng kín, ấm áp, tập trung nhận các cháu không thể ở nhà vì không có người trông, luân phiên phân công các thầy cô theo dõi, trông nom. 

Phụ huynh có thể hỗ trợ nhà trường bằng cách tự chuẩn bị đồ ăn cho con mang theo khi nhà bếp cũng nghỉ do quá ít con đi học. Như vậy, cha mẹ có con có thể yên tâm gửi con ở trường đi làm, không còn cảm giác lo lắng, xót xa khi cứ mang con mình đến trường, các bạn thì nghỉ hết, rồi con mình sẽ học gì, ăn gì, ở đâu, làm gì trong thời gian chờ hết ngày cha mẹ đến đón.

Hơn nữa, ngành giáo dục phải chủ động có chiến dịch trong suốt mỗi đợt lạnh, chứ cứ mỗi đợt lạnh lại ngày nghỉ, ngày đi học, vừa khiến tâm trạng học sinh hoang mang, bất ổn, vừa khiến bố mẹ khó khăn trong việc thu xếp gửi gắm, chăm sóc con.


Huyền Thanh

Bình luận(0)