Trẻ tự kỷ có thể là “thiên tài” ở một lĩnh vực

Google News

(Kiến Thức) - Có những trẻ mắc chứng tự kỷ chức năng cao lại có biệt tài về hội họa, âm nhạc, hay phát triển một khả năng nào đó.

Nhìn Nguyễn Gia Bảo (10 tuổi), ngồi cặm cụi bên giá vẽ, những đường nét, màu sắc của một bức tranh dần hiện ra trước mắt, bất kỳ ai cũng phải trầm trồ về năng khiếu hội họa của cậu bé này. Những người có mặt trực tiếp xem Bảo vẽ, không một ai có thể nghĩ rằng Bảo là một trẻ mắc chứng tự kỷ. 

"Thiên tài" hội họa không biết giao tiếp

Gia Bảo thích vẽ từ nhỏ, đến mức gần như là đam mê, bất kể lúc nào em cũng có thể sáng tác, ngay cả khi các bạn ồn ào hát múa, la hét xung quanh. Nhưng ngoài khả năng vẽ, Gia Bảo lại vướng mắc trong giao tiếp. Khi tôi đến gần và tỏ ý muốn nói chuyện với em, Bảo chỉ lắc đầu. Cha mẹ Bảo cho biết em bị tự kỷ từ nhỏ. Ban đầu họ chỉ nghĩ con mình nhút nhát, ngại giao tiếp, nhưng càng để ý cha mẹ Bảo càng thấy con mình có những biểu hiện không giống như sự phát triển tự nhiên của những trẻ cùng tuổi.

Bên cạnh việc giúp con phát huy sở trường, năng khiếu hội họa, cha mẹ Bảo còn đưa em đến các trung tâm tư vấn, các lớp học kỹ năng, theo các khóa học, điều trị tâm lý cho trẻ tự kỷ và quan trọng nhất là luôn bên con để cùng vượt qua bệnh tật. Hiện Gia Bảo đang học song song tại một trường tiểu học công lập và trường Hand in hand dành cho trẻ tự kỷ.

ThS tâm lý Nguyễn Hồng Thúy, Khoa Tâm bệnh, Bệnh viên Nhi T.Ư cho biết: Nói đến trẻ tự kỷ, nhiều người thường hay nghĩ đến những đứa trẻ mà khả năng nhận thức kém, trí tuệ chậm hoặc không phát triển. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học, khoảng 65% trẻ tự kỷ bị ảnh hưởng trí tuệ, còn lại những trẻ tự kỷ khác thường chỉ ở dạng phát triển tư duy và nhận thức lệch, nghĩa là vượt trội ở một mặt nào đó trong khi các mặt khác, chẳng hạn như giao tiếp hay tương tác xã hội lại hạn chế. 

Gia Bảo say sưa bên giá vẽ.

Ghi nhớ chỉ dựa trên cơ chế sao chụp 

Trường hợp mắc chứng tự kỷ chức năng cao gần đây nhất mà ThS Nguyễn Hồng Thúy đã gặp là một cháu bé 2 tuổi rưỡi ở Hà Nội. Cháu có thể hát, nói tiếng Anh tốt, nhớ được nhiều từ tiếng Anh và phát âm chính xác. Cha mẹ bé thậm chí còn quay clip cháu hát những bài hát tiếng Anh mang đến cho bác sĩ xem. Vấn đề mà cháu gặp phải là không nói được tiếng Việt. Dạy thế nào cũng không nói, hỏi thế nào cũng không nói, nhưng nếu nói một vài từ tiếng Anh là cháu nhắc lại ngay. "Khi tôi nói cháu bé có thể bị mắc chứng tự kỷ, cha mẹ cháu đã không tin vì họ luôn cho rằng con mình là thần đồng. Tất nhiên để kết luận một trẻ mắc chứng tự kỷ sẽ cần thêm nhiều các test, các phương pháp kiểm tra, đánh giá nhưng theo kinh nghiệm nghề nghiệp của tôi thì cháu bé này cần được can thiệp hỗ trợ", ThS Hồng Thúy chia sẻ.

Một trường hợp khác là cháu bé 3 tuổi có thể đọc thành thạo biển tên bác sĩ, y tá và các chữ trên tranh, pano hay giấy dán tường. Tuy nhiên, khi bác sĩ che tay vào chữ "con mèo" trên bức tranh con mèo, rồi chỉ vào tranh hỏi con gì thì cháu không trả lời được. Khi bỏ tay ra, cháu lại nhìn vào chữ "con mèo" và đọc rõ ràng. Ngoài việc đọc chữ, thì với bất kể một câu hỏi nào, dù là hỏi tên, cháu cũng không trả lời được, không thể nào nói chuyện với cháu được. Tương tự, một cháu bé 3 tuổi ở Lào Cai thuộc nhiều bài hát và có thể hát đúng nhịp, đúng lời, kể cả những bài dài của người lớn nhưng không thể giao tiếp được. ThS Hồng Thúy cho rằng, với những trẻ này việc ghi nhớ chỉ dựa trên cơ chế sao chụp, ghi nhớ máy móc chứ trẻ không hiểu mình nói gì, hát gì...

Tự kỷ chức năng cao có thể biểu hiện ở một số trường hợp như khi trẻ biết số, biết chữ quá sớm; sử dụng thành thạo các thiết bị như điện thoại, iPad quá sớm; thuộc nhạc nhanh nhưng hội thoại kém; phát âm và nhớ từ tiếng Anh rất tốt nhưng lại không giao tiếp được bằng tiếng Việt... 

Khánh Lê

Bình luận(0)