“Người bạn” tuyệt vời của trẻ tự kỷ

Google News

Khi mới tiếp xúc với chó trị liệu, lượng hormone gây căng thẳng giảm và các em cũng ít có hành vi kích động hơn...

- "Tất cả học sinh của tôi đều không có khả năng giao tiếp bằng lời", Olson nói, "Nhưng các em lại muốn nói chuyện với chú chó Yori”.
 
[links()]

“Kẻ chống bom”

Shadow là một chú chó săn giống Labrador, biết cách "giao tiếp" và thuần tính. Ani Shaker, chủ của Shadow cho rằng đó là đặc tính cần thiết của một chú chó trị liệu được huấn luyện tử tế.

Shadow và Shaker là một trong 6 nhóm tình nguyện cho Trung tâm Tự kỷ Anderson ở Staatsburg, New York. Được mệnh danh là "kẻ chống bom", Shadow có thể giữ được bình tĩnh trong hầu hết mọi trường hợp.

Chó trị liệu chỉ tới các trung tâm trong một thời gian. Trước đó, chúng phải trải qua 9 tuần huấn luyện, bởi: "Chó trị liệu phải thực sự bình tĩnh và có khả năng chịu đựng căng thẳng mà không để bản thân chúng bị ảnh hưởng", Susan Fireman, huấn luyện viên điều hành và điều phối viên của chương trình tại phía Bắc New York, Berkshires (Massachusetts) và quận Litchfield (Connecticut).
Một bệnh nhân tự kỷ ở trung tâm Anderson đưa Shadow đi dạo.
Một bệnh nhân tự kỷ ở trung tâm Anderson đưa Shadow đi dạo.

"Chúng tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các gia đình về liệu pháp điều trị với chó", Marguerite Colston thuộc Hiệp hội Tự kỷ Mỹ nói.

Vì bệnh nhân tự kỷ có những trải nghiệm khác nhau nên không chắc chó trị liệu có thể đem lại tác dụng với tất cả các trường hợp. Tuy nhiên, bà Colston cho biết đối với một số người, các chú chó đã "xoa dịu tâm trạng lo âu và giúp họ cởi mở hơn với người khác".

Bác sĩ Austin Rynne, giám đốc y tế và các dịch vụ liên quan của trung tâm Anderson cho biết ông đưa chó trị liệu vào chương trình không nhằm mục đích giải trí. Ông muốn xác định xem phương pháp này có thể hỗ trợ cho quá trình giáo dục không.

Theo Rynne, vì trẻ tự kỷ có xu hướng khép mình, sống trong thế giới nội tâm nên việc xây dựng cầu nối tới thế giới đó là cần thiết.

Ở trung tâm Anderson, có 1 cậu bé 11 tuổi không thể giao tiếp bằng lời. Em thường đưa ra yêu cầu của mình bằng cách chỉ vào tranh. Khi được giới thiệu với Shadow cách đây 1 năm, em nhất quyết không chịu vào phòng cùng Shadow và chạy trốn mỗi khi chú chó nhìn em.
Shadow - kẻ chống bom.
Shadow - "kẻ chống bom".

Giờ đây, cậu bé đã biết đề nghị đi dạo và cho Shadow ăn. Sự tương tác này giúp em cải thiện kĩ năng giao tiếp. Hơn nữa, sự bình tĩnh của Shadow còn giúp em tự kiểm soát bản thân mỗi khi cáu bẳn vô lý.

Elizabeth Olson, một chuyên gia giáo dục tại trường tiểu học Hope ở Carlsbad (California), đã đưa chú chó cưng Yori vào lớp học dành cho trẻ tự kỷ của mình trong một học kỳ và thấy được những chuyển biến rõ rệt.

"Tất cả học sinh của tôi đều không có khả năng giao tiếp bằng lời", Olson nói, "Nhưng các em lại muốn nói chuyện với Yori. Có một học sinh mà tôi đã mất vài năm chỉ để dạy em nói xin chào, tạm biệt. Bỗng một ngày em bắt đầu nói xin chào, tạm biệt với Yori. Sau đó, em nói với tôi và giờ đây em nói với bạn bè mình".

Giảm căng thẳng, bớt kích động

Ở bên thú nuôi của gia đình hoặc xây dựng quan hệ với động vật có thể là cách hỗ trợ tuyệt vời đối với các bệnh nhân tự kỷ.

Có rất nhiều ghi nhận từ phía phụ huynh và các bác sĩ rằng phương pháp trị liệu có liên quan tới động vật đem lại lợi ích cả về thể chất lẫn tinh thần cho bệnh nhân tự kỷ. Nhiều người đã rất bất ngờ khi chứng kiến mối quan hệ giữa đứa con tự kỷ của mình và động vật.

Các loại động vật thường được sử dụng trong trị liệu tự kỷ gồm: ngựa, chó, mèo, thỏ, chim, cá, chuột lang và cá heo.
Ngựa cũng là một loài vật được sử dụng trong liệu pháp đặc biệt này.
Ngựa cũng là một loài vật được sử dụng trong liệu pháp đặc biệt này.

Mặc dù các nhà khoa học vẫn phải tiếp tục tiến hành thêm nhiều nghiên cứu, nhưng một số kết quả ban đầu cho thấy liệu pháp này hiệu quả.

Vào những năm 1970, nhà tâm lí học David Nathanson đã bắt đầu nghiên cứu về sự tương tác giữa cá heo và trẻ em khuyết tật. Ông phát hiện ra rằng có cá heo ở bên, bọn trẻ sẽ tập trung hơn, suy nghĩ nhiều hơn, tiếp thu nhanh hơn và ghi nhớ thông tin lâu hơn.

Một nghiên cứu đăng tải trên Đặc san Nghiên cứu Điều dưỡng Phương Tây đã xác định ảnh hưởng của việc chơi cùng chó đối với trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Trong nghiên cứu, người ta cho các em chơi cùng 1 quả bóng, 1 chú chó nhồi bông hoặc 1 chú chó thật dưới sự giám sát của bác sĩ. Kết quả cho thấy những em chơi với chó thật có tâm trạng và nhận thức về không gian xung quanh tốt hơn.

Trong một nghiên cứu công bố trên chuyên san Psychoneuroendocriology năm 2010, các nhà khoa học đã đo lượng cortisol, một loại hormone gây căng thẳng trong nước bọt của 42 trẻ em tự kỷ sau khi cho các em tiếp xúc với chó trị liệu và đi đến kết luận "khi mới tiếp xúc với chó trị liệu, lượng cortisol giảm và các em cũng ít có hành vi kích động hơn".

Phương Thanh (theo NYTimes, Everydayhealth, USAtoday)

Bình luận(0)