Điểm danh các mẫu tàu ngầm ‘Made in Vietnam’

Google News

Từ mô hình điều khiển từ xa bị… nổ tung cho đến cuộc thử nghiệm thành công, các mẫu "tàu ngầm Việt" khiến nhiều người ngạc nhiên...

Từ mô hình điều khiển từ xa bị… nổ tung cho đến cuộc thử nghiệm thành công tàu ngầm có người lái, các mẫu tàu ngầm “Made in Vietnam” khiến nhiều người ngạc nhiên trước nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ của những con người đam mê khoa học kỹ thuật…

Vừa chạy thành công thì… nổ, 30 triệu tan tành

Mùa hè năm 2011, đoạn clip ghi lại cảnh một chiếc ngầm điều khiển từ xa màu đen trũi bơi dọc ngang trong bể bơi ở Nha Trang đã được nhiều thành viên cộng đồng mạng chia sẻ và bàn luận.

Chiếc tàu ngầm này chính là sản phẩm của đề tài: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thử nghiệm mô hình tàu lặn vỏ composite” - đề tài tốt nghiệp của một nhóm gồm 4 sinh viên Đại học Nha Trang.

Chiếc tàu ngầm cùng nhóm chế tạo. Ảnh: ĐH Nha Trang.
Chiếc tàu ngầm cùng nhóm chế tạo. Ảnh: ĐH Nha Trang.

Trưởng nhóm Đỗ Quang Thắng, người giờ đây là giảng viên trẻ của Khoa Kỹ thuật Giao thông, Đại học Nha Trang cho biết, các thành viên nhóm đã rất hào hứng khi ý tưởng được đưa ra. Khi khi bắt tay vào mới thấy công việc khó khăn đến mức nào.

Để có các tài liệu cần thiết cho việc chế tạo, cả nhóm đã phải hỏi thầy, cô, bạn bè ở khắp nơi, tìm các tài liệu nước ngoài liên quan đến đề tài và dịch sang tiếng việt.

Các thiết bị, linh kiện thì mua rất khó khăn, nhiều thứ phải lặn lội ra Hà Nội mua, thậm chí phải đặt mua từ nước ngoài.

Khi chế tạo và thử nghiệm ở mô hình cụ thể, khó khăn lại phát sinh trong hệ thống điều khiển, do phần này liên quan đến một chuyên ngành khác là điện, điện tử.

Nhóm phải nhờ các thầy trong khoa vẽ mạch đấu lắp rồi tự làm lấy. Sau một thời gian mày mò,  con tàu hoàn thành với tổng chi phí 30 triệu đồng, số tiền rất lớn đối với một sinh viên.

Sau khi đã hoàn thiện, cả nhóm đưa tàu lặn sang bể bơi Học Viện Hải quân để thử nghiệm. Trước sự chứng kiến của rất nhiều người, con tàu chạy thử một vòng trên mặt nước rồi lặn dần lặn dần, xuồng tới độ sâu 10m. Tất cả như vỡ òa trong niềm vui thành công.

Con tàu khi chạy thử. Ảnh: Youtube.
Con tàu khi chạy thử. Ảnh: Youtube.

Nhưng chỉ vài ngày trước khi bảo vệ đề tài, một sự cố kinh hoàng đã xảy ra: con tàu bị rò khí ga và… nổ tung. Cả nhóm suy sụp tinh thần vì đã gần tới ngày bảo vệ.

Nhưng may mằn là các cuộc thử nghiệm thành công trước đó đều được quay video ghi lại.

Cuối cùng, các thành viên trong hội đồng bảo vệ đã ghi nhận những nỗ lực của nhóm và chấm đề tài tốt nghiệp với 5 điểm 10 trọn vẹn.

Sau đó, nhóm đã làm lại con tàu khác. Rút được kinh nghiệm từ những lần trước, việc chế tạo lần này rất nhanh, kết quả thử nghiệm còn tốt hơn lần trước.

Đây không những là một thành công trong quá trình nghiên cứu khoa học của sinh viên trong khoa mà còn mở ra một hướng nghiên cứu mới cho sinh viên những khóa sau.

Tàu ngầm kilo phiên bản ‘tí hon’

Tiếp theo nhóm sinh viên đại học Nha Trang, bằng niềm đam mê sáng tạo, nhóm sinh viên bộ môn kỹ thuật thủy khí - ĐH Bách khoa Hà Nội đã chế tạo thành công mô hình tàu ngầm theo nguyên lý thực.

Đề tài nghiên cứu, chế tạo mô hình tàu ngầm này thuộc đề tài cấp bộ, được thực hiện trong vòng 2 năm với nhóm sinh viên tham gia gồm có 10 người.

Mục đích của đề tài là thử nghiệm để khảo sát, đánh giá về tính thủy động học, các hệ thống tự động tự động lặn, tự động tìm hướng của tàu.

Khi hoàn thành, mô hình tàu ngầm có chiều dài 1,9m, cao 25cm, làm bằng composite - vật liệu dễ chế tạo, đánh bóng cũng như giúp làm giảm độ bộc lộ từ trường. Tàu được tạo hình giống hệt một chiếc tàu ngầm Kilo thu nhỏ.

Mô hình tàu ngầm do nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa HN chế tạo. Ảnh:  Thanh Niên.
Mô hình tàu ngầm do nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa HN chế tạo. Ảnh: Thanh Niên.

Về cấu tạo, thân tàu ngầm được chia làm 3 khoang chính: một khoang kín chứa các thiết bị điều khiển, phần cơ điện; khoang thứ hai là kết cấu lặn; khoang thứ ba là nơi đặt bình khí nén.

Động cơ điện giúp tàu đạt, tốc độ đạt được khoảng 2m/s, lặn sâu tối đa 10m, thời gian hoạt động tùy thuộc vào ắc quy lắp trên tàu.

Đặc biệt, mô hình tàu ngầm này được thiết kế theo nguyên lý hoạt động tàu ngầm thực: khi lặn tàu sẽ bơm nước tràn vào khoang, khi nổi dùng khí nén đẩy nước ra để nổi lên.

Do hạn chế về kinh phí, kỹ thuật nên con tàu vẫn còn có những nhược điểm như phải có phao nổi nối với thân tàu để nhậntín hiệu vô tuyến từ bộ điều khiển kiểm soát hoạt động của con tàu, chưa lắp đầy đủ các thiết bị cảm biến để thử nghiệm.

Trong tương lai, mẫu tàu ngầm mô hình này sẽ tiếp tục được hiện đại hóa nhằm tăng khả năng độc lập, tăng độ sâu có thể lặn, tốc độ con tàu để đưa vào ứng dụng thực tế.

Tàu ngầm cá nhân “Made in Vietnam” đầu tiên

Sau thành phố biển Nha Trang và Thủ đô Hà Nội, đến lượt TP HCM tham gia vào “CLB tàu ngầm Made in Vietnam”. Lần này không phải mô hình điều khiển từ xa mà là một chiếc tàu ngầm có người lái thực thụ.

Đây là sản phẩm của kĩ sư Phan Bộ An – một Việt kiều đã trở về sống ở Việt Nam nhiều năm. Là sinh viên ngành hóa, ông An được học chuyên sâu về vật liệu composit, đặc biệt là những loại composit chuyên được ứng dụng cho các thiết bị trong tàu ngầm, máy bay trực thăng. Học xong, ông An làm việc tại một hãng chuyên chế tạo tàu ngầm và có cơ hội nghiên cứu kỹ thuật chế tạo tàu ngầm.

Năm 1996, ông trở về Việt Nam và mở phân xưởng nghiên cứu về composit. Ông cho rằng điều kiện ở Việt Nam đủ để có thể tự chế tạo tàu ngầm và bắt đầu tìm kiếm các phương tiện chế tạo vỏ tàu cũng như các trang thiết bị để chế tạo một con tàu ngay tại nhà mình. Với điều kiện hiện có, ông chọn chế tạo một con tàu thân nhỏ - vừa một người ngồi điều khiển.

Con tàu thử nghiệm ra đời với chiều dài chỉ có 3,2m, chiều cao 1m và ngang 1m, nặng hơn 1 tấn nhưng có đầy đủ tính năng của một tàu ngầm. Tàu sử dụng động cơ điện, có thể đạt tốc độ tối đa trên 15 hải lý/giờ. Vỏ tàu được làm bằng composit có độ bền cao hơn vỏ thép.

Tàu ngầm của ông An lúc hạ thủy. Ảnh: Tiền Phong.
Tàu ngầm của ông An lúc hạ thủy. Ảnh: Tiền Phong.

 Con tàu có hơn 90% linh kiện được tìm mua hoặc chế tạo trong nước, trừ động cơ là phải mua từ nước ngoài.

Tuy vậy, Ông an khẳng định nếu sản xuất số lượng nhiều, ông có thể mua công nghệ sản xuất động cơ để đảm bảo “nội địa hóa” 100% tàu ngầm.

Với sự giúp đỡ của Hội biển TP HCM, con tàu đã được thử nghiệm lần đầu tiên tại hồ bơi thuộc trường Trung cấp kỹ thuật Hải quân TPHCM.

Trong buổi thử nghiệm này, ông An đã điều khiển con tàu lướt trên mặt nước rồi lặn xuống chạy tới chạy lui, quay đầu các hướng dưới nước gần 30 phút trong sự vỗ tay cổ vũ của mọi người.

Lần thử nghiệm thứ hai tại bãi biển Cần Giờ, tàu được cải tiến để đạt hiệu suất cao hơn. Ông An tiếp tục cho tàu lặn xuống biển, chạy ra xa bờ rồi quay tới quay lui. Tàu đã đạt hiệu quả đúng như thiết kế và có thể hoạt động ổn định trong lòng biển.

Hiện nay ông An đang bắt tay vào chế tạo con tàu lớn hơn, có thể chứa được ba người. Tàu sẽ gắn động cơ diesel để có tầm hoạt động rộng hơn, xa hơn và sâu hơn.

Ông An chia rẻ rằng mình mong muốn Việt Nam sẽ chế tạo được tàu ngầm và sẽ làm hết sức để những con tàu ngầm Việt làm chủ lãnh hải đất nước.

Hoàng Phương (tổng hợp)

[links()]

Bình luận(0)