Có gì trong xứ sở thần tiên giữa lòng Trung Đông?

Google News

Nếu muốn tìm kiếm một không gian mới lạ, thì hãy thử một lần đến với quốc gia thanh bình và hiếu khách Oman, viên ngọc của Trung Đông.

Nếu như bạn đã nhàm chán với những địa điểm du lịch phổ biến ở châu Âu hay châu Á, muốn tìm kiếm một không gian mới lạ với nhiều trải nghiệm khác biệt thì hãy thử một lần đến với quốc gia thanh bình và hiếu khách Oman, viên ngọc của Trung Đông.
Nhắc đến Oman trong những ngày tháng 8 thì không thể không nhắc đến Lễ hội Khareef ở thành phố Salalah, thủ phủ tỉnh Dhofar, miền Nam Oman. Salalah chào đón tôi bằng cơn mưa rả rích, một điều tôi không ngờ tới vì vốn dĩ đã chuẩn bị tinh thần cho một Trung Đông “nóng bỏng”. Salalah lúc này không khác gì Hà Nội vào thu với tiết trời se lạnh và những cơn mưa bất chợt, mưa đấy nhưng cũng bừng nắng ngay được.
Co gi trong xu so than tien giua long Trung Dong
 Khung cảnh tràn ngập màu xanh ở Salalah vào mùa mưa.
Ở giữa Trung Đông khô nóng và toàn sa mạc như vậy thì mùa thu Salalah được coi là “đặc sản” không chỉ của Oman mà của các các quốc gia Ả Rập khác. Thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Salalah một mùa mưa “có một không hai”, khiến thành phố này trở thành một viên ngọc xanh cực kỳ quý hiếm, nổi bật giữa nắng gió Trung Đông. Chẳng thế mà, trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm, Salalah trở thành “thỏi nam châm” thu hút khách du lịch từ các quốc gia Trung Đông và quốc tế.
Co gi trong xu so than tien giua long Trung Dong-Hinh-2
 Khung cảnh hùng vĩ ở hang động Marneef, Salalah.
Mang theo một trái tim lạ lẫm, khao khát khám phá khi lần đầu tiên đặt chân đến Oman, tôi bắt gặp một Salalah vừa thân quen, vừa mới lạ. Thân quen ở chỗ tôi thấy mình như đang đón một mùa thu Hà Nội đến sớm với không khí tươi mới và hơi đất đặc trưng sau những cơn mưa. Còn lạ là ở chỗ, mùa thu Salalah là mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc, của những rừng cây non xanh mơn mởn, của những con suối róc rách vui tai và của những gia đình Hồi giáo tận hưởng mọi khoảnh khắc tuyệt đẹp của thời tiết.
Ngoài những khung cảnh thiên nhiên xanh mướt, hoang sơ và hùng vĩ ở Salalah, điều tôi ấn tượng hơn hết là những con người Oman mến khách và thân thiện, những con người Trung Đông tự nhiên và cực kỳ hồn hậu. Tôi là một trong những du khách châu Á hiếm hoi đến với Salalah thời điểm này, nhưng dù khác biệt, tôi luôn nhận được những nụ cười chào đón, những cái bắt tay thân thiện, những ánh nhìn ấm áp và cả tiếng cười khúc khích của con trẻ khi tôi bắt chuyện.
Mùa Lễ hội Khareef ở Salalah đặc biệt thích hợp cho các gia đình, và đa số khách du lịch tôi gặp ở Salalah đều là những gia đình đến từ nhiều quốc gia Trung Đông khác nhau. Với những hoạt động vui chơi thích hợp cho cả trẻ em và người lớn, cùng một không khí dịu mát dễ chịu, không đâu phù hợp hơn Salalah đề vun đắp tình cảm gia đình.
Tôi có thể dễ dàng bắt gặp dọc hai bên đường hình ảnh cắm trại gia đình “kiểu Trung Đông”. Họ sẵn sàng dừng xe giữa những bãi cỏ trống, giữa những chú lạc đà hay đàn dê nhở nha gặm cỏ, dưới các tán cây trầm hương để thưởng thức một bữa tiệc gia đình ngoài trời. Trời có mưa lất phất cũng không gây cản trở quãng thời gian tận hưởng này, trẻ con vẫn cứ vô tư nô đùa, thả diều, còn người lớn nấn ná thêm dăm ba câu chuyện vui. Chỉ tình cờ đi qua và ngắm nhìn khung cảnh này cũng đủ khiến tôi bất giác mỉm cười, không ngờ giữa Trung Đông lại được thưởng thức một cảnh tượng yên ả và bình dị đến vậy.
Co gi trong xu so than tien giua long Trung Dong-Hinh-3
Các du khách đổ dồn về Salalah để tận hưởng thiên nhiên xanh tươi và thời tiết mát mẻ. Trẻ con vui vẻ nô đùa, tắm mát bên những dòng suối nhỏ ven đường.
Ở Salalah cũng không thiếu các hoạt động cho những du khách “cô đơn” như tôi khám phá. Và quả thực tôi quá bận rộn để tìm hiểu hiểu thành phố thú vị này. Ngoài kiểu thời tiết “độc nhất vô nhị” ở Trung Đông, Salalah còn sở hữu rất nhiều danh lam thắng cảnh thuộc hàng di sản thế giới. Tôi có thể dành cả buổi khám phá công viên khảo cổ học Sumhurram, thành phố cổ Khor Rori được hình thành từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên và trở thành di sản thế giới của UNESCO từ năm 2000. Một cảm giác không thể tuyệt vời hơn khi leo lên đỉnh đồi và ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ hiện ra trước mắt, giữa một bên là các bức tường thành cổ, một bên là khu vực sông tiếp giáp với biển.
Co gi trong xu so than tien giua long Trung Dong-Hinh-4
Công viên khảo cổ học Sumhurram đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2000.
Tôi cũng có thể lang thang cả ngày trong các khu chợ truyền thống như Al Hafah Souq với đủ sản vật của người dân Salalah hay đắm chìm trong các điệu múa, bài hát truyền thống của các dân tộc Oman ở trung tâm trình diễn văn hóa lễ hội Al Mahrajan. Tôi có thể dành hàng tiếng đồng hồ trong Bảo tàng Trầm hương Al Baleed với những thông tin vô cùng lý thú. Bảo tàng rộng 2.000 m2 này còn có cả một khu khảo cổ học đang được khai quật cùng những bãi cỏ xanh mướt để du khách nghỉ chân ngay dưới những tán cây trầm hương. Hay chỉ đơn giản dạo quanh các sạp hoa quả ven đường, nơi bày bán những loại thực phẩm đặc trưng của vùng đất Salalah, thưởng thức một quả dừa mát lịm và trò chuyện với người dân địa phương cũng đủ để tôi thấy thêm yêu quý mảnh đất yên bình này.
Co gi trong xu so than tien giua long Trung Dong-Hinh-5
 Một người bán hàng đang đốt trầm hương trong khu chợ truyền thống Al Hafah Souq ở trung tâm Salalah.
Sẽ thật thiếu sót khi nhắc đến Salalah mà bỏ qua trầm hương, một loại sản vật cực kỳ đặc trưng của khu vực này. Trầm hương là loại sản phẩm có giá trị tương đương với vàng và vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống và truyền thống của người dân Oman và cả vùng Ả Rập. Thành phố Salalah được mệnh danh là “thủ đô của mùi hương”. Khu trung tâm của các hoạt động mua bán đã từng diễn ra ở đây và Salalah từng là một điểm quan trọng trong lịch sử của nhân loại nhờ “con đường trầm hương” nổi tiếng.
Và khi đặt chân đến xứ sở thần tiên Salalah, cả thành phố đều toát lên một mùi hương không thể lẫn vào đâu được. Trầm hương ở khắp mọi nơi, trong khách sạn, trên đường phố, trong các gian hàng ở chợ truyền thống và lưu trên cả người mỗi người dân Salalah. Không một câu chữ nào có thể diễn ra được mùi vị đặc biệt này, tất cả chỉ có thể cảm nhận bằng mọi giác quan. Khi ở Salalah, tôi không hiểu tại sao người dân ở đây và cả các du khách từ nhiều nước Ả Rập khác lại ưa thích mùi trầm hương đến vậy nhưng khi rời Salalah rồi tôi mới hiểu, mình đã bị quyến rũ và bắt đầu cảm thấy lưu luyến cái mùi hương kỳ lạ này.
Bốn ngày quả thực không đủ để khám phá một Salalah với thiên nhiên đa dạng, không đủ để tìm hiểu mọi nền văn hóa phong phú nơi đây, nhưng đã đủ để tôi có cảm tình với mảnh đất này, con người này. Hẹn gặp lại Salalah một ngày không xa, khi đó có lẽ tôi sẽ không còn là một Alice lần đầu lạc vào xứ sở diệu kỳ nữa mà sẽ như một người thân trở lại với trái tim yêu thương.
Lễ hội du lịch Salalah được tổ chức ở tỉnh Dhofar trong mùa hè và là một trong những sự kiện lễ hội lớn nhất ở Vương quốc Oman. Với những du khách đến từ các khu vực khác của Oman, cũng như các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và quốc tế, đây là một sự kiện du lịch và kinh tế quan trọng của Oman. Các hoạt động lễ hội được thiết kế để du khách tận hưởng không khí đặc biệt ở Dhofar trong mùa Khareef, hay còn gọi là mùa mưa, kéo dài từ 21/6 tới 21/9 hàng năm với mức nhiệt độ không vượt quá 25 độ C.
Mùa Lễ hội du lịch Salalah năm 2015, được tổ chức từ ngày 23/7 đến 31/8, đã thu hút một lượng lớn khách du lịch. Với khẩu hiệu: “Oman: Tình yêu và Hòa bình”, lễ hội thể hiện tầm nhìn, quan điểm của Quốc vương Sultan Qaboos bin Said, đó là xây dựng những cây cầu nối liền tình bạn và sự hòa thuận của tất cả mọi người trên thế giới.
Theo Infonet

Bình luận(0)