Mặn mòi Tết quê tôi

Google News

Những con người gắn đời mình với biển, nếp sống nếp nghĩ của họ rất khác và lẽ dĩ nhiên, cách ăn tết của họ cũng khác...


Quê tôi là một làng chài ven biển mà dân gian thường gọi là Kẻ Càn (Quỳnh Phương, Quỳnh Lưu, Nghệ An) - cái làng quê nằm trên bờ sông Mai Giang, trước mặt là dòng sông uốn lượn, sau lưng là của biển Lạch Cờn quanh năm sóng vỗ. Quê tôi thay đổi từng ngày, trải qua nhiều cuộc dâu bể, kẻ còn người mất... Vậy mà lạ lùng thay, có một thứ không bao giờ mất, cũng chẳng thay đổi nhiều, đó là nếp sinh hoạt Tết. Mà mỗi độ xuân về kẻ gần người xa khi nghĩ về đều cảm thấy nao nao.. 

Quê tôi chủ yếu làm nghề chài lưới. Nhưng con người gắn đời mình với biển, nếp sống nếp nghĩ của họ rất khác và lẽ dĩ nhiên, cách ăn tết của họ cũng khác. Hồi tôi còn tấm bé, Tết vẫn diễn ra như thế và cho đến bây giờ, khi đã ngoài tuổi ba mươi tôi thấyTết vẫn cứ như thế. Từ 23 tháng Chạp không khí Tết đã rộn ràng khắp làng quê. Khắp làng trên xóm dưới chộn rộn sửa sang nhà cửa, gói bánh. Ở quê tôi, có hai loại bánh để cúng ông bà trong ba ngày tết là bánh chưng và bánh ít (loại bánh được làm từ bột nếp pha lẫn mật mía, nhân là đậu xanh, lạc và dừa thái sợi, loại bánh này để càng lâu càng ngon, và nó thường trở thành một loại bánh để mọi người mang theo làm quà cho bạn bè sau khi về quê ăn Tết). Thường thì mỗi nhà chỉ cần vài chục cái nên thường thường ba bốn nhà sẽ cùng nhau làm bánh. Ngoài bánh trái, thịt thà, hoa quả để chuẩn bị đón Tết thì mọi gia đình đều chú ý để chuẩn bị đó là có một nồi cá kho mặn thật ngon. Và người ta làm quà biếu nhau trong mấy ngày Tết cũng là những loại cá thật ngon. Đó cũng là một nét rất đặc biệt. Có lẽ đó là tâm lý của những người đi biển - những ngày tết họ cũng không thể quên nghề nghiệp của mình! 

Cũng như mọi miền quê khác, ở quê tôi nhà nào cũng bày mâm cỗ để cúng rước ông bà chiều 30 Tết. Mâm cỗ được làm rất thịnh soạn. Và bên cạnh mâm cơm cúng ông bà tổ tiên thì những gia đình làm nghề chài lưới họ cũng chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ và quẩy xuống thuyền, thắp hương cầu mong trời êm biển lặng, cầu mong những mẻ cá đầy khoang (Lễ này dân quê tôi gọi là lễ cho con thuyền ăn).

 Đua thuyền trước cửa Đền Cờn. 

Gần đến Tết đêm giao thừa, con cái bắt buộc phải tề tựu đông đủ, sau khi tắm rửa sạch sẽ thay đồ mới rồi bày bánh mứt, nước trà mà lạy bàn thờ để trả nghĩa trong thời khắc tinh túy nhất của đất trời. Sau khi đón giao thừa tại nhà mình, rất nhiều người đến Đền Cờn (một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng ở xứ Nghệ) thắp một nén hương cầu mong mọi điều tốt lành sau đó xin mấy nén hương của Đền để mang về nhà mình. Thông thường, đêm giao thừa người ta ít ra ngoài nhưng dân quê tôi lại khác, người ta ra ngoài hát hò cả đêm, đến nhà nhau xông đất và chúc Tết ngay khi vừa bước sang năm mới. Cũng vì thế đêm giao thừa chẳng nhà nào đóng cửa. Phải chăng sống giữa biển khơi quan niệm sống của họ cũng cởi mởi hơn chăng?
 
Tập quán "Mùng một Tết cha" quê tôi vẫn còn lưu giữ đến ngày hôm nay. Sáng mùng một, con cái đến thắp hương mừng tuổi ông bà, cha mẹ, sau đó đi thắp hương họ hàng, láng giềng. Ở làng tôi, nếp này được giữ gìn rất chặt chẽ. Vì thế mối quan hệ của gia đình, dòng họ, láng giềng ngày càng thắt chặt. Người ta lấy lễ nghĩa, lấy chữ tình, chữ tin để đãi nhau.
 
Sáng mùng hai tết là thời khắc mà chúng tôi đợi chờ nhiều hơn cả bởi hôm đó có lễ hội đua thuyền trước của Đền Cờn. Nhà nhà dậy từ sớm, lên các thuyền và mang theo nhưng gì có thể gõ được, có thể phát ra âm thanh để cổ vũ. Có lần vì mải mê cỗ vũ cho xóm mình tôi đã ngã xuống sông giữa cái rét 13 độ C phải đi cấp cứu nhưng từng ấy năm ở quê cũng là từng ấy năm tôi vẫn đi xem đua thuyền. Cuộc thi này được tổ chức giữa các xóm. Đó là dịp để các xóm biểu dương lực lượng, thắt chặt tình đoàn kết cũng là một dịp để khẳng định rằng: khỏe để bàm biển, khỏe để bảo vệ quê hương. ... Chị gái tôi lấy chồng xa, bạn thân tôi ở tận trời Tây, chỉ mong một lần được về quê đúng dịp Tết để xem đua thuyền. Một điều rất đơn giản với người dân quê tôi nhưng với chị tôi - bận lo công việc nhà chồng, với bạn tôi vật lộn nơi xứ người - sao mà thấy khó? Nghĩ đến đó tôi thấy sống mũi cay cay...
 
Người dân quê tôi ăn Tết rất dài, đến tận mùng 7 ngày hạ rồi sau đó còn có thể kéo dài dến tận rằm tháng Giêng như đúng câu ca ngày xưa "tháng Giêng là tháng ăn chơi". Sở dĩ người dân có thể nghỉ ngơi dài ngày như thế bởi họ quan niệm rằng: xởi lởi trời cho... quanh năm làm lụng vất vả, lênh đênh trên biển khơi rồi bây giờ hãy ăn chơi, hãy tiêu những đồng tiền chính đáng rồi sau đó lại nhọc nhằn với cuộc mưu sinh. Có thể nói những ngày tết đã thỏa mãn nỗi khát bờ của những người làm nghề chài lưới.

Tết đã cận kề, đâu đó đã thấy những lời hỏi thăm nhau của các cụ: "năm nay con cái về quê ăn tết không?", đâu đó đã nghe mùi hương trầm thoảng trong những cơn gió mang vị mặn mòi của biển, đâu đó đã nghe những tiếng cười nói rộn ràng vì gần 30 năm nay quê tôi mới có những vụ cá bội thu như thế... Ừ, dân mình sẽ có một cái Tết ấm cúng, sum vầy...
 
Mới nghĩ đến đó thôi lòng đã thấy xốn xang! Và thấy yêu hơn làng chài ven biển nhọc nhằn nhưng dày nghĩa nặng tình của mình nhờ đi qua những cái Tết!

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyễn Thu Hương (Diendankienthuc.net)

Bình luận(0)