Những vụ bắt tội phạm đánh bom kỷ lục trong lịch sử

Google News

Để bắt được một kẻ đánh bom có thể mất vài giờ, thậm chí vài năm, và thành công cũng cần có may mắn, đúng lúc và cảnh sát làm việc hiệu quả.

 Anh em nhà Tsarnaev - hai thủ phạm đánh bom tại giải marathon quốc tế Boston hôm 16/4 vừa qua. Ảnh: CBS.

Vụ truy ráp tại thành phố Boston sau khi nổ bom diễn ra vào cuối tuần trước quá kịch tính. Chỉ ba ngày sau vụ nổ kép tại giải marathon Boston, cảnh sát đã truy tìm ra hai nghi phạm là Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev.

Đêm thứ Năm, rạng sáng thứ Sáu, Tamerlan thiệt mạng. Đêm hôm sau, Dzhokhar bị bắt. Cả thành phố Boston ngừng mọi hoạt động để truy lùng nghi phạm 19 tuổi.

Các điều tra viên được hỗ trợ từ các đoạn video hàng trăm giờ, các lời khai của những nạn nhân, sự hợp tác từ các bang khác nhau, các cơ quan hành pháp địa phương cũng như toàn quốc.

Khi các vụ đánh bom gây chấn động xảy ra, chẳng có một công thức chỉ ra cách bắt thủ phạm. Trong một số trường hợp, nghi phạm bị lộ ngay lập tức. Nhưng trong những vụ khác, phải mất nhiều năm mới tìm ra nghi phạm.

“Nhiều khi là do tình cờ” – Marc Sageman, tác giả của cuốn sách “Hiểu rõ mạng lưới khủng bố”, cho hay.

Dưới đây là một số kẻ đánh bom nguy hiểm đã bị tóm và xét xử:

Mohammad Salameh, vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới, năm 1993

Phiên tòa xử Mohammad Salameh. Tóm được thủ phạm nhờ công việc điều tra của thám tử, một chút may mắn. Thời gian bắt được thủ phạm: 8 ngày.

Nhóm khủng bố Hồi giáo đã tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới vào năm 1993 bằng một xe bom, khiến 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Sau vụ đánh bom, các điều tra viên đã tìm thấy một mảnh vỡ của trục xe cùng với thông số nhận diện xe. Đó là một chiếc xe tải Ford Econoline 1990 của công ty cho thuê xe Ryder. Khi lần theo cơ sở cho thuê xe Ryder, các manh mối đã chỉ ra Salameh khi tên này gọi điện đến công ty Ryder để nhận lại số tiền đặt cọc khi thuê xe.

Sageman nói rằng việc phá án sớm là sự kết hợp giữa công việc hiệu quả từ phía cảnh sát và chiến lược phạm tội còn kém cỏi.

Salameh nói rằng chiếc xe đã bị đánh cắp, và đồng ý trở lại cơ sở cho thuê xe để gặp một đại diện phòng chống đánh cắp xe từ công ty Ryder. Nhân viên đại diện này chính là một mật vụ của FBI.

Sau khi Salameh bị bắt, các nhà chức trách đã có thể lần ra các thành viên khác trong nhóm khủng bố.

Pairic MacFhloinn và Denis Kinsella, vụ đánh bom Warrington, năm 1993

Vừa qua nửa đêm 26/2/1993, hai người từng trong quân đội của Cộng hòa Ai-Len MacFhloinn và Kinsella cùng với ít nhất một người đàn ông nữa đã đặt các khối thuốc nổ tại một công trình khí đốt cũ tại Warrington, nước Anh.

Theo tờ Warrington Guardian, vụ nổ đã gây nên ‘một quả cầu lửa khổng lồ’. Các thủ phạm đã trốn trên một chiếc xe đánh cắp.

Cảnh sát truy đuổi theo những người này, đạn bay tới tấp. Chưa đầy hai giờ sau vụ nổ, họ đã bắt được MacFhloinn và Kinsella. Ít nhất một kẻ tòng phạm trốn thoát.

Ted Kaczynski, bom thư, 1978-96

 Theodore Kaczynski bị bắt trong cabin của hắn ở Montana vào tháng 4/1996. Bị bắt nhờ bản tuyên bố tự viết. Thời gian bắt được thủ phạm: 18 năm.

Theodore Kaczynski từng tốt nghiệp đại học Harvard. Từ năm 1978, tên này gửi 16 kiện hàng chứa bom trong suốt 17 năm trời cho các cá nhân trên khắp nước Mỹ.

Theodore Kaczynski đã khiến 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Tên này thường gửi bom qua đường bưu điện tới các đại học và sân bay.

FBI liệt kê một số kẻ tình nghi nhưng không thể phá được vụ án. Tới năm 1995, kẻ đánh bom đã liên hệ với một số tờ báo để tìm cách xuất bản bản tuyên bố dài 35.000 chữ của mình. Với sự ủng hộ của FBI, bản tuyên bố đó đã được in trên tờ Washington Post. Sự việc này cũng dẫn tới dấu chấm hết cho Theodore Kaczynski.

Một người là David Kaczynski sau đó nói với FBI rằng tác giả của bản tuyên bố này có thể chính là anh trai của ông ta, và chỉ ra các điểm tương đồng giữa bản tuyên bố này và cách viết của anh trai ông.

Eric Rudolph, Olympics Atlanta, năm 1996

 Phác thảo phiên tòa xử Eric Rudolph. Bị bắt nhờ các nhân chứng dũng cảm. Thời gian bắt được thủ phạm: 7 năm.

Rudolph được biết đến nhiều nhất với vụ đánh bom năm 1996 tại sân vận động Atlanta Olympic, nhưng y chưa bao giờ bị xét xử vì các tội ác đó.

Chỉ đến khi Rudolph bị kết án sau một loạt vụ đánh bom tại trung tâm phụ sản ở Atlanta và Birmingham và một quán bar ở Atlanta trong khoảng năm 1997-1998, hắn mới thừa nhận là kẻ đánh bom sân vận động Olympics.

Mãi đến vụ đánh bom năm 1998 tại Birmingham hắn mới bị bắt. Một nhân chứng là Jermaine Hughes, sinh viên một trường đại học gần đó, đã nhìn thấy một người đàn ông chạy khỏi hiện trường vụ án.

“Hughes đã liều mạng đuổi theo tên này” – Maryann Vollers, tác giả của cuốn sách ‘Con sói cô đơn: Eric Rudolph và Di sản của Tên khủng bố nước Mỹ', viết lại.

Hughes đã tìm cách truy đuổi kẻ tình nghi nhưng cậu sinh viên da đen đã gặp phải sự kháng cự của người dân gần đó khi cậu muốn gọi điện báo cho cảnh sát.

“Cậu ấy đã tìm cách gây sự chú ý nhưng không ai tin” – Vollers nói.

Hughes đã ghi lại các đặc điểm nhận dạng của Rudolph và biển số xe, các chi tiết này trùng khớp với lời khai của một nhân chứng khác.

Rudolph sau đó chạy trốn và bỏ vào trong rừng ở Bắc Carolina. Tên này sau đó bị bắt năm 2003 khi quá đói và phải ăn đồ trong thùng đựng rác.

Timothy McVeigh, kẻ đánh bom Oklahoma, 1995

 Timothy McVeigh. Bị bắt nhờ công của cảnh sát. Thời gian bắt được thủ phạm: sau 90 phút.

Năm 1995, một lượng lớn hóa chất và dầu đã bị cho phát nổ tại gara để xe của tòa nhà văn phòng liên bang tại thành phố Oklahoma, khiến 168 người thiệt mạng. Không lâu sau đó, một binh sĩ là Charlie Hanger đã tóm một người đàn ông lái xe không có biển kiểm soát.

Người lái xe đó là Timothy McVeigh khi đó mang theo một khẩu súng ngắn Glock nên Hanger đã bắt giữ người này. Sau đó, Hanger giải McVeigh tới nhà giam địa phương, rồi trở lại đường để tìm chiếc xe màu nâu liên quan tới vụ đánh bom.

“Hầu như chẳng ai biết là chúng tôi đã bắt giam kẻ đánh bom” – Hanger nói với tờ Shawnee Oklahoma News-Star.

Cùng lúc đó, các điều tra viên đã tìm lại biển số xe của chiếc xe tải gây án, và họ lần ra manh mối dẫn tới McVeigh.

Hai ngày sau đó, đội tuần tra đường cao tốc gọi cho Hanger hỏi về bằng lái xe của McVeigh với hy vọng tìm ra nơi ở của nghi phạm đánh bom này.

Thay vào đó, Hanger nói cho họ biết rằng McVeigh đã bị bắt giam. FBI đã tóm McVeigh. Cùng ngày hôm đó, đồng phạm của hắn là Terry Nichols cũng ra đầu thú.

David Copeland, đánh bom tại London, 1999

 David Copeland. Bị bắt nhờ camera theo dõi. Thời gian bắt được thủ phạm: 13 ngày.

Trong suốt 13 ngày tháng 4/1999, Copeland đã gây ra các vụ nổ ở ba nơi tại London – Brixton, Brick Lane và Soho. Vụ nổ cuối cùng tại một quán rượu đã khiến 3 người thiệt mạng. Tổng cộng có 139 người bị thương.

Chiến dịch này Copeland tiến hành từ ngày 17/4. Các cảnh sát đã tìm cách cô lập Copeland trên các đoạn video CCTV và phát đi rộng rãi vào ngày 29/4.

Ngay sau đó, một đồng nghiệp đã nhận ra Copeland nhưng vẫn không kịp ngăn vụ nổ bom thứ ba xảy ra vào đêm hôm đó - khiến một phụ nữ mang thai và hai người khác tử vong.

Theo Vnexpress

Bình luận(0)