Năm rắn đổ xô săn “mãng xà” làm “bùa hộ mệnh“

Google News

Ăn thịt, ngâm rượu các loài rắn độc là sở thích của không ít người mê rượu. Gần đây, dân nhậu ở Sài Gòn lại đổ xô đi săn loài kịch độc này về làm "bùa hộ mệnh" khi năm Quí Tỵ tới gần.

 Rượu đẻn bày bán trán lan. Ảnh: D.H


Nuốt tim, uống máu "thần hộ mệnh"

Hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng dân nhậu Sài thành đã bắt đầu xôn xao, chốt công việc và tìm "thần" may mắn trong năm mới. Trong 12 con giáp, rắn là con vật được xếp hạng trong bảng "Ngũ Linh", thường được ví là sức mạnh thần thánh, biểu tượng của linh hồn cùng tham vọng.
 
Những ngày này, số người bán rắn dạo trên các tuyến đường ở Sài thành xuất hiện nhiều hơn. Hầu hết số rắn họ bán đều là rắn độc, như rắn hổ mang, hổ chúa, hổ hành, rắn lục đuôi đỏ...
 
Thanh Hòa- một đại gia thành đạt trong lĩnh vực đất đai ở quận Tân Bình, được bạn bè gán cái tên Hòa "mê tín". Vì theo Hòa, sự thành công ngày hôm nay của anh cũng là nhờ "thần thánh" phù hộ. Mỗi năm, nhà Hòa đều thay đổi các vật dụng, trang trí sao cho phong thủy hợp với địa vị của gia chủ. Và điều không thể thiếu là con vật tượng trưng trong năm phải được anh chọn một các chu đáo- Với Hòa, đó là "bùa hộ mệnh" cho gia đình!
 
Ông chủ trẻ này bật mí: "Sắp tới nhà tôi sẽ đầu tư một thẩu rượu thuốc rắn thượng hạng, trong đó hai con rắn hổ chúa được chọn sẽ trùng với tuổi, hợp với mạng của tôi. Nếu linh nghiệm thì năm sau công việc làm ăn sẽ phất lên như diều gặp gió" (?!).  
 
Sau nhiều ngày hẹn, chúng tôi có mặt tại nhà vị đại gia này để chứng kiến cách chế biến một thẩu rượu thuốc mà anh ta xem là "Thần may mắn trong năm Quí Tỵ". Tại khuôn viên nhà Hòa, người bán cho gia chủ kiểm tra số rắn đã chọn trước. Sau cái gật đầu ưng ý của Hòa, người bán rắn mở nắp lồng, nắm đuôi con rắn hổ chúa, thả vào bao để cân rồi lôi xuống mặt đất.
 
Con rắn tội nghiệp không biết cái chết sắp tới gần, nó cố ngẩng cao và bành chiếc đầu to ra như để thể hiện sự uy quyền lần cuối. Thỉnh thoảng con vật gồng mình lên, phát ra những âm thanh khè khè đáng sợ để tự vệ trong sự phấn khích của những người đứng xung quanh.
 
Màn hành quyết bắt đầu. Gã bán rắn dùng tay đè đầu con vật mà không dùng bất kỳ đồ phòng hộ nào! Anh ta ép hàm răng trên của "mãng xà", móc vào vào ly để lấy nọc. Sau đó dùng kẹp giấy, kẹp miệng con vật rồi lấy lưỡi lam rạch một đường ngay dưới cổ. Máu tuôn xối xả vào cái ly đựng rượu. Trái tim đang co bóp thoi thóp và túi mật hòa lẫn rượu, được Hòa và các đại gia uống ngay tại trận. Chúng tôi không khỏi rùng mình trước cảnh hai con vật nằm trong Sách đỏ "được hóa kiếp" hết sức nhanh gọn. 
Tay "đao phủ" cho biết: Anh ta quê ở Tây Ninh. Số rắn bán hằng ngày hầu hết anh ta lấy ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Khi những cơn mưa rừng dứt hạt là các thợ săn cầm đồ nghề lên núi lùng sục. Thời gian này rất dễ bắt vì rắn rời khỏi nơi ẩn nấp để phơi nắng và đi tìm thức ăn.
 
"Ngày trước, vùng núi Bà ở Tây Ninh rắn, rết, bọ cạp nhiều lắm. Từ khi dân nhậu Sài Gòn ưa chuộng thì chúng tôi bắt đầu có công ăn việc làm, thu nhập mỗi ngày cao gấp 3 - 4 lần đi gánh lúa mướn. Nhưng giờ rắn khan hiếm lắm. Ngày trước, thợ săn dùng đồ nghề đi bắt đơn giản như khúc cây, đôi xà cạp. Giờ đây chỉ cần chích điện là con vật tê liệt ngay, nên hàng chính hiệu bán giá cao lắm. Còn các tiệm bán rượu rắn ngoài thị trường phần lớn là hàng rởm..".
 
Tranh thủ  chặt chém
Săn “mãng xà” làm “bùa hộ mệnh"? 2

Mật dùng kèm với chuối cho dễ nuốt

 
Đứng dưới tán cây gần khu vực công viên Lê Thị Riêng quận 10, một tay buôn bán động vật quảng cáo "Hổ chúa, hổ mang 1 triệu/ kí, mái gầm 700 ngàn/ kí, còn bò cạp, tắc kè, mối chúa thì rẻ 1 xị/ con (một trăm ngàn- PV). Đàn ông ai mà chẳng có nhu cầu tăng lực, đại ca nào thích thì em lấy nọc, chọc tiết, lấy tim, mật tại chỗ luôn..."
 
Rao một hồi, có một vị khách khoảng 40 tuổi khệ nệ bụng "bia" tới hỏi: "Bớt chút ít thì tao lấy hai con hổ mang, một con ngâm rượu để "lấy hên" năm mới, còn một con về xào xả nhấm nháp. Tiện thể lấy hai tắc kè, 6 bò cạp, 4 con mối chúa. Chú em xem sao đủ một hũ "tráng dương bổ thận" là được". Gã bán hàng nhanh nhẹn nói: "Ok, đại ca mua nhanh như vậy em bớt cho 1 xị, mà muốn chất lượng hơn thì nên ngâm thêm một con bìm bịp, 2 con rít nữa là thượng hạng..."- Với những động tác thuần thục, anh ta nhanh chóng hóa kiếp từng con vật.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gần 1 tháng qua, dân nhậu ở Sài Gòn đổ xô đi mua rắn về làm "bùa hộ mệnh" rất nhiều. Nhân cơ hội này, các tay buôn tranh thủ chặt chém với giá trên trời. Chị Thu Hương - phường 3- quận 11 bật mí: "Do kinh tế khủng hoảng, việc làm ăn gia đình tôi liên tục bị chững lại. Tháng vừa rồi, tôi  đi xem bói. Thầy "phán" cho một câu: Phải mua một đôi rắn hổ  càng to càng tốt, đem ngâm rượu. Sau đó đem trưng  ở phòng khách, thì năm sau công việc sẽ thuận buồm xuôi gió (?!). Những ngày qua, tôi gạt công việc lại, đích thân đi "săn" được một "cặp rắn hộ mệnh"với giá hơn 5 triệu đồng.".
 
Coi chừng tiền mất tật mang
Săn “mãng xà” làm “bùa hộ mệnh"? 3

Cảnh lấy tiết đẻn (rắn biển)

Công dụng của rượu rắn độc bấy lâu nay vẫn được đồn thổi theo đường truyền khẩu. Mặc dù còn mù mờ về thông tin nhưng nhiều người vẫn cứ thích “nếm qua cho biết”!
 
Do chỗ thân tình lâu năm, Tuấn chủ quán nhậu A.S trên đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 bật mí với chúng tôi: “Quán tôi có đủ các loại rượu ngâm từ côn trùng, rắn rết cho đến tai gấu,“của quí” của cọp, rượu Càn Long, Minh Mạng... có đủ. Ngày xưa chỉ có vua chúa, địa chủ mới dùng, còn giờ thì ai cũng có thể dùng”. 
 
Anh bạn tôi rỉ tai: Do chú không biết uống rượu và là chỗ quen biết nên tôi mới tiết lộ. Rượu bây giờ hầu hết là nước lã pha với cồn và men Trung Quốc. Mỗi mùi men là một thứ rượu. Còn người tiêu dùng cứ thấy rắn đang phùng mang trợn mắt trong thẩu rượu là tưởng rắn hổ chúa, hổ mang; Nhưng thực ra toàn là rắn chằm quặp hết. Loài rắn này rất ít chất dinh dưỡng nên mua rất dễ, rẻ. Da của chúng có cấu trúc hơi đặc biệt nên dùng làm giả hổ chúa, hổ mang là giống nhất. Chỉ cần banh rộng miệng rắn rồi luồn lò xo vào sâu bên trong. Sau đó tẩm hóa chất Trung Quốc vào chiếc đầu rồi giữ nguyên hình dáng đã tạo trong 2 giờ là có một con rắn hổ chúa bạc triệu...”.
 
“Ngày trước tôi có ông bạn rất thích lai rai bằng hàng độc. Trong một lần “chén tù chén thạc” thưởng thức mật, tim và nếm nọc rắn hổ mây thì đột ngột ông lên cơn co giật. Vào viện, các bác sĩ cho biết bị ngộ độc, vì lượng độc của rắn nạp vào người quá nhiều nên làm tê liệt thần kinh, dẫn đến bị liệt một chân. May mắn. sau thời gian điều trị mới khỏi. Giờ nhắc tới chữ rắn là mặt hắn tái xanh như tàu lá chuối”- Tuấn nói.

Theo các chuyên gia: Rắn hổ mang, hổ chúa, rắn lục... lúc nào cũng có một lượng độc tố rất cao. Chúng thường nhịn ăn chui vào hang ngậm miệng lại để tích lũy độc. Nhiều con tích lượng nọc độc quá tải nên phải ngâm mình xuống nước để tự giải. Khi chất độc được cơ thể trung hòa thì chúng mới đi săn. Nếu bị cắn, hệ thần kinh con mồi nhanh chóng bị bại liệt, các mạch máu bị vỡ, nguy cơ tử vong là rất cao.

Theo Du Nguyễn (Gia đình)

TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU


Bình luận(0)