Chôn hàng tấn thuốc trừ sâu, đầu độc môi trường sống người dân
Vụ việc Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái chôn hàng tấn thuốc trừ sâu quá hạn dưới lòng đất đang khiến dư luận hết sức bất bình.
Sự việc bắt đầu từ ngày 25/8, sau khi theo dõi những chuyến xe chở hàng xuất phát từ Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái (gọi tắt là Công ty Thanh Thái), tại thôn An Cư, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy – Thanh Hóa), cách cổng Công ty chừng 2km, người dân đã chặn một chiếc xe tải hạng nặng chở thuốc trừ sâu bao gồm những hộp thuốc đã đóng gói thành phẩm, kèm theo đó là các thùng phuy lớn đựng hóa chất.
|
Vụ việc Công ty Nicotex Thanh Thái chôn hàng tấn thuốc trừ sâu quá hạn dưới lòng đất đang khiến dư luận hết sức bất bình. |
Người dân cho rằng những thùng phuy kín nắp này là thuốc trừ sâu quá hạn sử dụng, để lưu cữu lâu năm, nay Công ty Thanh Thái mang đi nơi khác "phi tang" nhằm che mắt sự kiểm tra của cơ quan chức năng cũng như sự giám sát của người dân.
Từ đó, người dân thuộc các xã Yên Lâm, Cẩm Vân, Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) kéo đến rất đông nhằm phản đối việc Công ty Thanh Thái sản xuất thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường, cùng với đó họ yêu cầu công ty này phải dừng mọi hoạt động ngay lập tức. Đến hết ngày 28/8, toàn bộ hàng trên xe ôtô được dỡ xuống, niêm phong chờ cơ quan chức năng đưa ra hướng xử lý.
Chiều 29/8, người dân kéo vào khuôn viên Công ty Thanh Thái đào được hàng chục thùng phuy hóa chất và hàng trăm chai lọ thuốc trừ sâu thành phẩm chôn dưới đất. Tất cả các thùng phuy này sau một thời gian chôn dưới đất đã hoen rỉ, bốc mùi rất khó chịu.
Trước sự việc này, Công an tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Công ty Thanh Thái tạm dừng hoạt động đến hết ngày 29/9 để phục vụ quá trình điều tra làm rõ.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao ngành công an, tài nguyên môi trường, UBND huyện Cẩm Thủy, các cơ quan chuyên môn xác định rõ những vi phạm của Công ty Thanh Thái để xử lý nghiêm.
Đến chiều 4/9, khi đoàn công tác của ngành công an, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ đến Công ty lấy mẫu hóa chất để xét nghiệm thì người dân đã kéo nhau về, giải tán khỏi hiện trường.
Nhà máy kẽm điện phân đầu độc môi trường
Trước đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện, nhà máy kẽm điện phân thuộc Công ty TNHH một thành viên kim loại màu Thái Nguyên (nằm tại phường Bách Quang, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) đang hàng ngày thải ra môi trường những hóa chất kịch độc…
Cư dân quanh nhà máy phải sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, được cảnh báo có thể gây chết người. Ông Cao Văn Minh - Tổ trưởng Tổ dân phố Chương Lương, phường Bách Quang, thị xã Sông Công - bức xúc nói: “Cánh đồng Tràng Ba, cánh đồng Kè, tổ dân phố Chương Lương, làng Mới phường Bách Quang cháy hết lúa do chất thải của nhà máy điện phân kẽm. Các đồi cây xung quanh đang chết dần, chết mòn. Hằng ngày, nhất là những ngày mưa, ai ai trong khu vực cũng thấy cay mắt, cay mũi, khó thở..., rất nhiều người phải đi viện khám đường hô hấp”.
|
Nhà máy kẽm điện phân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ảnh: Lao Động |
Trước những ẩn họa môi trường chết người, các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành đo, kiểm tra chất lượng không khí xung quanh nhà máy kẽm điện phân. Biên bản đo kiểm tra ngày 8/7/2013 cho thấy, không khí xung quanh nhà máy bị ô nhiễm nghiêm trọng - một số chỉ tiêu hóa học có trong không khí có thể gây chết người luôn vượt quá quy chuẩn.
Ngày 19/7, Ban quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên đã tổ chức lấy mẫu và phân tích mẫu nước từ nhà máy nước điện phân chảy vào mương La Vang để đánh giá mức độ ô nhiễm. Kết quả phân tích cho thấy nhiều chỉ tiêu vượt ngưỡng chỉ tiêu chất thải nguy hại.
Tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do Nhà máy kẽm điện phân gây ra còn làm cho các nhà đầu tư “phát hoảng” bỏ chạy khỏi Khu công nghiệp Sông Công I, ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh Thái Nguyên.
Ngày 20/8, Sở TNMT tỉnh Thái Nguyên cho biết, sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên (Khu công nghiệp Sông Công I, phường Bách Quang, thị xã Sông Công, Thái Nguyên) để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Tiền Giang truy doanh nghiệp “đầu độc” kênh Nam Vang
Trước đó, ngày 10/4/2013, ông Lê Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang dẫn đầu đoàn công tác đến Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho để truy tìm doanh nghiệp xả thải ô nhiễm, “đầu độc” kênh Nam Vang suốt mấy năm qua.
Người dân địa phương liên tục phản ánh nguồn nước duy nhất để tưới tiêu, sinh hoạt bị ô nhiễm nặng và mọi người vô cùng khó chịu bởi mùi hôi thối bốc lên từ kênh Nam Vang hằng ngày.
|
Chất thải gây ô nhiễm môi trường tại kênh Nam Vang, xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho,Tiền Giang. Ảnh: Nhân Dân |
Khi đoàn công tác làm việc với các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh thì ai cũng bảo xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra các cống xả của cụm công nghiệp ra kênh Nam Vang thì thấy nước thải đen ngòm, bốc mùi.
Sau khi trực tiếp chứng kiến kênh Nam Vang ô nhiễm nặng, ông Lê Văn Hưởng khẳng định chắc chắn có doanh nghiệp lén lút xả thải mà không vận hành hệ thống xử lý nước thải. Ông Hưởng giao cảnh sát môi trường và Sở Tài nguyên – môi trường tỉnh phải bắt cho được các doanh nghiệp cố tình xả thải chưa qua xử lý ra kênh.
Quảng Ngãi phát hiện 3 công ty xả thải đầu độc suối cầu Kênh
Đầu năm nay, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Quảng Ngãi đã kiểm tra phát hiện 3 công ty ở Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây (Sơn Tịnh) xả chất thải công nghiệp chưa qua xử lý ra môi trường, “đầu độc” suối cầu Kênh.
Ba doanh nghiệp bị cơ quan chức năng xử phạt (30 triệu đồng) là Công ty cổ phần giấy Thiên Long (xả nước thải ra môi trường không qua xử lý vượt tiêu chuẩn gấp 10 lần, với hàng chục mét khối nước/ngày); Công ty TNHH sản xuất thương mại Trang Khánh Linh (bơm nước thải sản xuất chưa qua xử lý trực tiếp ra kênh chìm chảy ra suối cầu kênh, với khoảng 50m3/ngày) và Công ty Cổ phần giấy Hiệp Thành (lén lút xả chất thải sản xuất chưa qua xử lý ra cầu Dầm).
Ngoài xử phạt tiền, cơ quan chức năng còn đề nghị 3 công ty trên chấm dứt ngay việc xả nước thải sản xuất ra môi trường và cam kết nhanh chóng khắc phục.