Ngành nông - lâm tuyển sinh èo uột vì sinh viên tưởng khi ra trường sẽ làm ruộng

Google News

Sự "lên ngôi" của các ngành học “hot” khiến công tác tuyển sinh đối với ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp của một số trường đại học gặp nhiều khó khăn.

Thực tế hiện nay, sinh viên thường có xu hướng đăng ký học những ngành “hot” theo xu thế của thời đại 4.0 như công nghệ thông tin, AI, logistics.. mà không mấy “mặn mà” với nhóm ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp. Điều này khiến cho công tác tuyển sinh của một số trường đại học đào tạo các ngành này gặp không ít khó khăn. Đáng nói, có ngành quy định mức điểm chuẩn thấp nhưng vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu đầu vào.
Điểm chuẩn thấp vẫn không “đủ lực” thu hút sinh viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho biết, 6 năm gần đây, tỷ lệ tuyển sinh các ngành đào tạo nông nghiệp của trường đều không đạt chỉ tiêu.
“Với nhà trường, nhóm đào tạo nông nghiệp đều rất khó khăn trong tuyển sinh, nhất là khi các em có xu hướng đăng ký học ngành mới, ngành công nghiệp.
Cụ thể, 2 năm gần đây, số lượng sinh viên đăng ký vào trường chỉ đạt từ 30 – 35% và nằm rải rác ở 3 nhóm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong đó, ngành Phát triển nông thôn nhiều năm qua rơi vào tình trạng "trắng sinh viên". Con số này là không đạt chỉ tiêu định mức”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.
Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, lãnh đạo nhà trường đã đưa ra những giải pháp nhằm thu hút sinh viên, trong đó áp dụng khen thưởng đối với thí sinh có điểm đầu vào cao, thành tích học tập tốt.
“Khoảng 6 năm gần đây, đối với sinh viên đầu vào đạt điểm cao, nhà trường không có học bổng mà chỉ có quỹ khen thưởng trị giá từ 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, mức khen thưởng này không đáng kể, chỉ tiêu tuyển sinh qua các năm vẫn chưa “cải thiện” nhiều. Thời gian tới, rất khó để nhà trường xây dựng chương trình học bổng sinh viên do khó khăn về kinh phí”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.
Lý giải nguyên nhân khó thu hút sinh viên học khối ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Chủ tịch Hội đồng trường cho biết, do lượng sinh viên đầu vào ít nên kinh phí đầu tư để triển khai chương trình học bổng, khen thưởng cho sinh viên cũng hạn chế. Ngoài ra, sinh viên có xu hướng đổ về các thành phố lớn để học tập chứ không về Thái Nguyên. Đây cũng là lý do khiến ngành học của trường khó thu hút sinh viên trong 6 năm nay.
Nhà trường cố gắng đầu tư các trang thiết bị, máy móc nông nghiệp hiện đại để phục vụ quá trình đào tạo, nghiên cứu cho sinh viên. Ngoài ra, trường cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp để “đón đầu” sinh viên trải nghiệm, tham gia thực tập và tăng cơ hội việc làm sau khi ra trường.
Cũng theo vị Chủ tịch Hội đồng trường, mỗi năm, kinh phí mua sắm máy móc lên đến hàng trăm tỷ đồng và nguồn đầu tư chủ yếu từ Nhà nước. Việc đưa máy móc, trang thiết bị hiện đại về nông nghiệp được nhà trường áp dụng hơn 10 năm qua, cho thấy hiệu quả mang lại tương đối cao, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ đào tạo.
“Tất cả các ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp đang rất “khát” nhân lực. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ngay đạt 90-100%. Thế nhưng, đối với nhà trường, trong 1-2 năm qua, số lượng sinh viên tốt nghiệp không đủ để cung cấp cho các doanh nghiệp.
Thực tế, trường không có nhiều lựa chọn khi tuyển sinh, vì sinh viên hiện không mấy “mặn mà” với ngành học này do đây là ngành học "cũ", mức lương không cao.
Do đó, năm nay, trường tiếp tục cố gắng lấy điểm trúng tuyển thấp nhất có thể, chỉ khoảng 15-16 điểm với hy vọng thu hút được nhiều sinh viên. Tuy nhiên, mức điểm này cũng đã áp dụng trong nhiều năm gần đây, nhưng vẫn không thể đạt chỉ tiêu tuyển sinh”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng chia sẻ thêm về khó khăn.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo do điểm đầu vào “khiêm tốn”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng lý giải, đầu vào thấp không khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường không tốt. Hiện nay, 60% đội ngũ giảng viên trình độ tiến sĩ, có đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo.
“Một trong những khó khăn đang "hiện hữu" của nhà trường đó là tình trạng dôi dư giảng viên. Điều này xuất phát từ việc trường không tuyển được sinh viên vào học. Nhà trường phải cắt giảm số tiết đứng lớp, giảm lương và chuyển một số giảng viên sang làm công tác nghiên cứu khoa học. Nhà trường cố gắng đồng hành, tháo gỡ khó khăn để đội ngũ giảng viên tham gia dạy đủ số giờ và duy trì mức thu nhập tối thiểu, ổn định”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.
Điểm đầu vào thấp không có nghĩa chất lượng đào tạo không tốt
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Nông nghiệp của Việt Nam đang phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao nên nhu cầu về nguồn nhân lực lớn. Thế nhưng hiện nay, ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp khó tuyển sinh có thể là do phần lớn sinh viên chưa thật sự hiểu rõ và nhầm tưởng sau khi ra trường sẽ… làm ruộng!”.
Nganh nong - lam tuyen sinh eo uot vi sinh vien tuong khi ra truong se lam ruong
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website Nhà trường). 
Cũng theo vị Tiến sĩ này, để thu hút sinh viên học các ngành nông nghiệp thì nhà trường phải chủ động đổi mới. Cụ thể, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp lớn nhằm hỗ trợ công tác đào tạo, hướng nghiệp và tạo việc làm cho sinh viên, thậm chí nhiều nơi hỗ trợ tuyển dụng sinh viên thực tập có trả lương thuộc nhóm ngành Chăn nuôi – Thú y, nông nghiệp, thực phẩm...
“Nhà trường cập nhật và kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn AUN-QA (mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học của AUN), nâng cao chất lượng đào tạo, chuẩn đầu ra để khi sinh viên ra trường có cơ hội “chọn việc” chứ không phải “xin việc”. Tôn chỉ nhất quán của trường là không để sinh viên vì khó khăn mà phải nghỉ, bỏ học.
Sinh viên theo học nông nghiệp còn được tham gia thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học, thực hiện dự án để vừa nâng cao trình độ, vừa có thêm thu nhập”, Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ.
Những năm gần đây, nhà trường đẩy mạnh đưa máy móc, thiết bị hiện đại vào giảng dạy. Đơn cử, các Trung tâm, Viện nghiên cứu hoạt động hiệu quả, thúc đẩy sinh viên tạo góc nhìn trực quan, sinh động về nghề. Các thiết bị, máy móc được các doanh nghiệp đầu tư cung cấp đảm bảo chất lượng tiên tiến.
Hiệu quả việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sử dụng máy móc trang thiết bị hiện đại trong nông nghiệp thể hiện rất rõ và được đánh giá cao. Cụ thể, sinh viên được tiếp cận và sử dụng thành thạo các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại ngay khi học, doanh nghiệp không tốn thời gian đào tạo lại sau khi sinh viên tốt nghiệp.
"Về tổng thể, trường đang gặp khó trong tuyển sinh khối ngành Lâm nghiệp và Chế biến Lâm sản. Thực tế, đây là ngành có nhu cầu nhân lực lớn nhưng chưa được nhiều người biết đến.
Nhu cầu về nhóm ngành Lâm nghiệp và Chế biến Lâm sản đang được các công ty, doanh nghiệp quan tâm. Việc phát triển các vật liệu thay thế hoặc chế biến lâm sản xuất khẩu đang là một trong những ngành thu hút nhân lực rất nhiều. Các công ty, tập đoàn lớn thường xuyên liên hệ với nhà trường để tuyển dụng nhân lực ở các nhóm ngành nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của họ do nhà trường không có đủ sinh viên”, Tiến sĩ Trần Đình Lý chia sẻ khó khăn.
Quan sát điểm chuẩn của trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh thuộc nhóm khá cao, có ngành vượt trên 25-27 điểm (phương thức xét tuyển từ kỳ thi tốt nghiệp). Song, điểm chuẩn một số ngành đào tạo lại khá thấp.
Đặt vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo đối với các ngành có điểm đầu vào thấp, Tiến sĩ Trần Đình Lý phân trần, nguồn tuyển chưa nhiều, điểm chuẩn một số ngành có thể thấp hơn ngành khác trong cùng trường nhưng không vì vậy mà chất lượng đào tạo thấp hơn.
“Chất lượng đào tạo đại học không chỉ phụ thuộc điểm chuẩn đầu vào. Điểm chuẩn đầu vào chỉ đánh giá quá trình, khả năng học tập ở bậc trung học phổ thông của sinh viên chứ không có ý nghĩa trong việc quyết định chất lượng đầu ra đại học. Chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học và quá trình thực hành, thực tập của sinh viên”, Tiến sĩ Trần Đình Lý lý giải.
Cũng theo Tiến sĩ này, những năm qua, sinh viên tốt nghiệp được các đơn vị nghề nghiệp đánh giá cao năng lực, khả năng sáng tạo và tư duy độc lập, nhạy bén cũng như tính tự học, tự phát triển bản thân. Nhiều cựu sinh viên nhóm ngành Nông - Lâm – Ngư nghiệp đang giữ vị trí lãnh đạo quan trọng trong các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn, cơ quan quản lý nhà nước.
Có thể thấy, việc tuyển sinh đối với ngành Nông - Lâm – Ngư nghiệp gặp nhiều khó khăn, song, các trường đại học luôn chủ động giải pháp để thu hút sinh viên. Trong đó, có lựa chọn giảm điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, điểm đầu vào khối ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp thấp không có nghĩa chất lượng đào tạo của các trường không cao.
Điểm chuẩn đầu vào quan trọng nhưng không phải yếu tố quyết định đến chất lượng đào tạo đại học, chuẩn đầu ra và khả năng học tập, làm việc của sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Nông – Lâm – Ngư nghiệp.
Theo Ngọc Mai/Giáo dục Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)