Gắn với sự tích về dòng sông chảy ngược, người bản địa lưu truyền câu chuyện dân gian về một tình yêu của đôi trai gái người J’rai và Bahnar sống ở thượng nguồn và hạ lưu sông. Do bị cấm cản không đến được với nhau, họ đã gieo mình xuống sông Đắk Bla. Dòng máu chàng trai xuôi theo dòng nước về hạ nguồn để tìm cô gái. Còn dòng máu cô gái lại ngược dòng tìm về phía chàng trai. Đến giữa sông thì hai dòng máu gặp nhau, rồi tuân theo tục mẫu hệ chảy ngược dòng về phía thượng nguồn.
Dòng sông chảy ngược Đăk Bla uốn mình quanh thành phố Kon Tum.
Dòng sông Đăk Bla hội tụ nguồn nước của 3 nhánh sông Đăk A Kôi, Đăk Nghệ và Đăk Pone từ huyện Konplong đổ về Kon Tum. Con sông này không chỉ gắn liền sự tích dòng sông chảy ngược, nó còn tạo ra một công trình thủy điện lớn nhất khu vực Tây Nguyên, đó là công trình thủy điện Thượng Kon Tum.
Nơi hợp lưu dòng sông Đăk Bla và dòng sông Pô Kô thành sông Sê San trên địa bàn xã Kroong, thành phố Kon Tum.
Thủy điện Thượng Kon Tum nằm trên sông Đăk Snghé, một nhánh thượng nguồn của sông Đăk Bla, thuộc địa bàn xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) và xã Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy). Cảnh sắc ở khu vực lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum nên thơ và kỳ vĩ với bao la sóng nước, bao phủ xung quanh là rừng nguyên sinh và rừng trồng. Du khách có thể thuê thuyền trải nghiệm hơn 17 km trên dòng chính và nhiều nhánh nhỏ của dòng sông.
Phần lớn hồ thủy điện Thượng Kon Tum được bao quanh bởi rừng nguyên sinh.
Hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum nằm gọn trong lòng của con sông Đắk Bla, giữa hồ là những hòn đảo lớn, đảo nhỏ nhấp nhô giữa làn nước xanh trong. Dòng chảy của hồ thuỷ điện này khá đặc biệt khi chảy ngược về hướng bắc, do bắt nguồn từ sông Đắk Bla, một dòng sông hiếm hoi ở Tây Nguyên có dòng chảy ngược.
Có rất nhiều đảo nhỏ trong lòng hồ.
Bên cạnh đó, phần lớn hồ được bao quanh bởi rừng nguyên sinh và rừng trồng nên tạo ra tiểu vùng khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Có nhiều con suối từ các khe núi đổ thẳng xuống lòng hồ tạo ra những con thác tuyệt đẹp như dải lụa trắng trên nền rừng xanh giữa đại ngàn hùng vĩ.
Thác nước từ dòng sông chảy vào lòng hồ.
Đi xuyên suốt lòng hồ chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi đập vào mắt là những hàng cây đâm thẳng lên từ mặt nước, cây tươi có, cây chết khô ở bìa rừng do bị ngập nước có, tạo ra một khung cảnh hoang vu, tươi đẹp mà bất kỳ ai khi đến đây cũng có cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên trong xanh, mát lạnh hơn bao giờ hết.
Những bè cá của người dân nuôi trong lòng hồ.
Rất nhiều hoạt động khám phá lòng hồ.
Những làn sóng nước do con thuyền tạo ra văng lên tung tóe, phá vỡ bầu không khí yên ắng và mặt nước tĩnh lặng xanh ngắt giữa rừng nguyên sinh. Đoạn cuối của lòng hồ thủy điện có những ốc đảo mà trước đây là những cái đồi, cái làng là nơi dừng chân, ăn uống, cắm trại… tuyệt vời cho chuyến đi.