Mới đây, hai câu phát ngôn gây sốc một thời của Ngọc Trinh và Bà Tưng đã được đưa vào đề thi chọn học sinh giỏi môn Văn của TP Hải Phòng.
Cụ thể, đề thi thuộc phần nghị luận xã hội 3 điểm, có nội dung như sau: “Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh “Bà Tưng”) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền! (Theo Vietnamnet)
Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.
Trao đổi với Kiến thức, GS Hà Minh Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn học, cho biết: “Việc đề thi đã ra rồi thì tôi không muốn bình luận nhiều, tuy nhiên theo tôi, đề thi như thế này là không hay và đưa những câu nói của những nhân vật trên vào đề là hơi thô. Hơn nữa, trong đề thi cũng thể hiện những yếu tố bất ổn, như hai khái niệm “tiến bộ xã hội” và “ước mơ đại gia của cô gái trẻ” không khớp nối, không đi liền với nhau. Nhiều người dễ hiểu nhầm đề thi đánh đồng các cô gái trẻ có ước mơ đại gia là một tiến bộ xã hội”.
Nếu như GS Hà Minh Đức chỉ tỏ ý không bằng lòng với đề thi trên, thì GS Văn Như Cương lại có ý kiến phản đối rất gay gắt với đề thi.
Theo GS Cương, đề thi này là không phổ cập và phi giáo dục, bởi nội dung đề thi không hướng tới tất cả đối tượng dự thi. Đâu phải tất cả các em học sinh đều biết về hai nhân vật Ngọc Trinh và Bà Tưng. Mặc dù những bài viết về Ngọc Trinh và Bà Tưng khá thu hút giới trẻ, song không phải ai cũng quan tâm tới hai nhân vật này, thậm chí có những bạn trẻ vẫn không biết bà Tưng là ai, Lê Thị Huyền Anh là ai. Trong khi đó, để có thể bình luận về một hiện tượng, một câu nói thì phải biết sâu về nó. Tại sao lại PR cho hai nhân vật không tiêu biểu này, tại sao lại đòi hỏi học sinh phải quan tâm tới Ngọc Trinh, Bà Tưng?
Bên cạnh những ý kiến không bằng lòng hoặc phản đối gay gắt đề thi văn trên, vẫn có một số ý kiến ủng hộ đề thi.
Nhà xã hội học, TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Việt Nam, cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, có thể nói đây là một đề thi khá thú vị.
|
Ngọc Trinh và Bà Tưng. |
TS Bình lý giải: thứ nhất, đây là đề thi nghị luận và nội dung nghị luận phản ánh được một vấn đề khá thực tế của một bộ phận giới trẻ hiện nay, đó là muốn quen biết, yêu và lấy chồng có thật nhiều tiền.
Thứ hai, Ngọc Trinh và Bà Tưng là hai cô gái từng gây ra những ảnh hưởng lớn trong dư luận. Việc đưa hai nhân vật này vào đề thi cũng là một cách để khảo sát định hướng suy nghĩ của giới trẻ về những vấn đề nhạy cảm trong xã hội, nên đây là một đề thi thú vị.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt. Ngọc Trinh và Bà Tưng không phải là hai nhân vật mang những giá trị tiêu biểu của giới trẻ, nếu không muốn nói là bị một bộ phận lớp trẻ “ném đá” khá nhiều, nên đưa vào đề thi là khá nhạy cảm.
Một số ý kiến cho rằng, đưa Ngọc Trinh, Bà Tưng vào đề, cùng những câu nói “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?” hay “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền!”là cổ súy cho các em học sinh học theo họ, hoặc mất thời gian vào đọc những câu chuyện “lá cải” của họ. “Tôi nghĩ nói thế không đúng. Tính cách các em bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chứ không phải chỉ những câu chuyện, nhân vật như thế. Có những học sinh có thể không biết Ngọc Trinh, Bà Tưng là ai, song điều này cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc làm bài của họ. Bởi đề thi yêu cầu viết bài nghị luận về vấn đề “tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của các cô gái trẻ”, và hai hiện tượng trên chỉ là ví dụ minh họa, chứ không phải viết bài bình luận về 2 nhân vật trên hay bình về các câu nói của họ.
Tất nhiên tôi đồng ý với ý kiến của GS Văn Như Cương, đó là bản thân đề thi học sinh giỏi văn này có một số yếu tố bất ổn trong diễn đạt. Thứ nhất đó là 2 yếu tố “tiến bộ xã hội” và “ước mơ đại gia của các cô gái trẻ” không khớp nối, đây có khác gì bắt học sinh bàn về 2 vấn đề khác hẳn nhau. Hơn nữa, trong đề thi, đáng lẽ nên nói “tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của một bộ phận giới trẻ”, chứ không nên nói “ước mơ đại gia của các cô gái trẻ”, như vậy vô hình chung đánh đồng rằng, tất cả các cô gái trẻ bây giờ đều có ước mơ như vậy.
Ngoài ra, từ “đại gia” ở đây được hiểu như thế nào? Đại gia chỉ đơn thuần là người lắm tiền, hay là người vừa giỏi, vừa giàu, vừa có đức? Nếu có người vừa giỏi vừa giàu vừa có đức thì ai chẳng mơ ước và đấy cũng là ước mơ chính đáng, khôn ngoan. Thế nhưng, nếu hiểu theo 2 ví dụ minh họa mà đề thi đưa ra thì đại gia ở đây chỉ là những người có nhiều tiền, mà với những cô gái khôn ngoan, tiền có thể là yếu tố quan trọng đấy, song họ thường không coi tiền là yếu tố sống còn. Như vậy, học sinh sẽ khó mà đưa ra được quan điểm rõ ràng của mình, nếu cứ bám vào đề thi", TS Trịnh Hòa Bình nói.