Izvestia dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Nga cho hay, các tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật – chiến dịch Isakander-M trang bị hệ thống tác chiến điện tử sẽ gia nhập đơn vị chiến đấu vào mùa hè năm nay. Hệ thống tác chiến điện tử mới cho phép Iskander-M trở nên “vô hình” đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, Aegis (Mỹ) và Arrow của Izrael.
“Các tổ hợp Iskander-M cải tiến sẽ được trang bị cho các lữ đoàn tên lửa của Quân khu miền Tây và miền Nam. Tôi không thể đưa ra số lượng cũng như tính năng của chúng”, đại diện Bộ Quốc phòng Nga nói.
Theo Izvesita, tổ hợp tác chiến điện tử trên Iskander-M sẽ bảo vệ tên lửa trong giai đoạn cuối hành trình bay tới mục tiêu. Nó tạo ra nhiễu thụ động và chủ động chế áp các đài radar trinh sát và radar điều khiển hỏa lực hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa đối phương.
Tuy nhiên, không hẳn là Iskander-M có thể chế áp toàn bộ các hệ thống phòng không đối phương, mà chỉ tạo thời gian ngắn vừa đủ để tên lửa vượt qua “lá chắn” vào mục tiêu.
Sĩ quan cấp cao Quân đội Nga cho hay, tổ hợp không có khả năng chế áp toàn bộ các phương tiện phòng không và phòng thủ chống tên lửa. Tuy nhiên, thực tế cũng không cần như vậy, chỉ cần tạo ra trong một khoảng thời gian ngắn sự lộn xộn trong hoạt động của các hệ thống này sao cho tên lửa kịp vượt qua khoảng thời gian/quãng đường nguy hiểm.
“Khả năng tính toán của các hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa hiện đại rất lớn, chúng nhanh chóng loại bỏ các mục tiêu giả và vượt qua màn nhiễu. Song bất luận thế nào cũng cần một khoảng thời gian đủ cho Iskander-M tiêu diệt mục tiêu”, sĩ quan này nói.
|
Bệ phóng di động tên lửa đạn đạo Iskander có thể chứa 2 quả đạn. |
Chuyên gia quân sự độc lập về các xung đột vũ trang hiện đại Vyacheslav Tseluyko bình luận, tổ hợp tên lửa chiến dịch - chiến thuật Iskander-M với khả năng xuyên qua lưới lửa phòng không và phòng thủ chống tên lửa là lời đáp trả tương ứng cho khả năng triển khai lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
“Chính các radar và tên lửa đánh chặn của khu vực trận địa châu Âu có thể bị không quân và tên lửa chiến dịch - chiến thuật tiêu diệt. Vì vậy người Mỹ bảo vệ các mục tiêu của hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu bằng các hệ thống phòng thủ khu vực Patriot PAC-3. Để có thể tiêu diệt các mục tiêu này, Iskander-M được trang bị các tổ hợp tác chiến điện tử”, ông này nói.
Ông này lưu ý thêm là, không cần đến Iskander-M trong các cuộc xung đột khu vực hoặc trong cuộc chiến chống quân nổi dậy.
Chuyên gia này khẳng định: “Các tổ hợp loại Patriot và Arrow quá đắt và chỉ có trong trang bị của một số quốc gia giàu có. Còn chính Iskander-M thì lại cần một đối thủ có trình độ công nghệ cao và siêu hiện đại. Dùng các tên lửa này bắn vào các mục tiêu không được bảo vệ chẳng khác nào dùng kính hiển vi để đóng đinh vậy”.
|
Isakander-M đạt tầm bắn tới 400km, bán kính lệch mục tiêu 5-7m. Ảnh minh họa |
Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật - chiến dịch Iskander-M do nhà sản xuất KB Mashynostroyeniya phát triển. Đạn tên lửa dùng cho tổ hợp có khả năng đạt tầm bắn tới 400km, độ chính xác rất cao với bán kính lệch mục tiêu chỉ là 5-7m. Nga cũng sẵn sàng xuất khẩu loại tên lửa này với biến thể Iskander-E giới hạn tầm bắn ở 280km, bán kính lệch mục tiêu 30-70m.
Theo một số nguồn tin, Syria được xem là khách hàng tiềm năng của Iskander-E nhằm thay thế cho các tổ hợp tên lửa Scud đã lỗi thời. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện tại, thương vụ Iskander-E khó có khả năng xuất khẩu cho Syria.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: