Ai được lợi vụ kem tẩy tóc thành tẩy da?

Google News

(Kiến Thức) - “Sản phẩm Lolane được công ty cung cấp chỉ có tác dụng tẩy màu tóc, chứ không hề có tác dụng tẩy trắng da như quảng cáo trên mạng", ông Đoàn Trần Quốc Huy cho biết.

Sau khi bài báo ”Kem tắm trắng siêu tốc là thuốc tẩy tóc” được đăng tải ngày 22/3 vừa qua, báo điện tử Kiến Thức đã nhận được công văn của Công ty TNHH Lantavina - nhập khẩu chính thức kem tẩy tóc Lolane vào Việt Nam.

Theo đó, công ty này xác nhận sản phẩm bị rao bán trên mạng là kem tẩy trắng da siêu tốc chính là sản phẩm nhập khẩu độc quyền từ Thái Lan, được Bộ Y tế cấp giấy phép lưu hành, nhưng không phải sản phẩm tẩy da mà là tẩy tóc.

 Bao bì sản phẩm nhập khẩu chính hãng vào Việt Nam: Bột tẩy tóc.
 Phiếu công bố sản phẩm của Bộ Y tế chứng thực sản phẩm này chỉ là thuốc tẩy tóc.

 

Đại diện công ty, ông Đoàn Trần Quốc Huy cho biết: “Sản phẩm Lolane được công ty cung cấp chỉ có tác dụng tẩy màu tóc chứ không hề có tác dụng tẩy trắng da như quảng cáo trên mạng. Còn việc một số người bán hàng tự quảng cáo với người tiêu dùng đây là sản phẩm làm trắng da, đó là việc làm sai trái của những người kinh doanh thiếu đạo đức".

"Đúng là chúng tôi có kế hoạch sắp tới nhập sản phẩm kem làm trắng da để phân phối độc quyền, nhưng nhãn mác và bao bì hoàn toàn khác", ông Huy nói.

 Công văn gửi báo điện tử Kiến Thức của công ty sở hữu thương phẩm Lolane.

Công văn này cũng khẳng định tính năng sản phẩm Lolane Bleaching Powder chỉ có tác dụng dùng để nâng độ sáng của tóc (hay còn gọi là tẩy tóc). 

Ông Huy cũng cảnh báo người tiêu dùng không nên tin và mua sản phẩm có nhãn lolane được quảng cáo là kem tắm trắng xách tay từ Thái Lan vì nó hoàn toàn không có tác dụng phục vụ tắm trắng hay làm trắng da.

Trước đó, theo điều tra của báo điện tử Kiến Thức, nhiều trang mạng đã quảng cáo sản phẩm Lolane là "kem tắm trắng siêu tốc" có nguồn gốc từ Thái Lan. Theo dõi hình ảnh quảng cáo trên mạng, bao bì sản phẩm hoàn toàn là tiếng Thái, không có tem tiếng Việt (theo quy định, sản phẩm nhập khẩu chính thức phải in bao bì tiếng Việt). Từ một số nghi vấn của khách hàng, phóng viên báo đã xác minh những sản phẩm trên bao bì quảng cáo là thuốc tẩy tóc, hoàn toàn không có thông tin tẩy trắng da.

Theo phán đoán của ông Huy, có thể sản phẩm quảng cáo trên mạng từ hai nguồn: hoặc nhập theo đường "xách tay", hoặc người bán hàng tự ý mua sản phẩm tẩy tóc của công ty ở siêu thị, cửa hàng rồi xé nhãn mác tiếng Việt để bán.

Sự thật về nguồn gốc của "kem tẩy trắng siêu tốc" Lolane chưa được làm rõ và vì sao lại có sự "hóa thân" từ một hộp kem tẩy tóc sang tẩy trắng da? Tuy nhiên, khi so sánh giá thành một hộp kem tẩy tóc chỉ có 40.000 đồng với kem tẩy trắng siêu tốc "xách tay" giá lên đến hơn 400.000 đồng, thì người thiệt hại nhất trong vụ việc này vẫn là người tiêu dùng "không thông thái". 

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Thu Nguyên

Bình luận(0)