Nga không kích ở Syria: “Đánh” nhanh để “đàm” sớm?

Google News

Tuy tiếp tục mở rộng chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt các phần tử khủng bố, nhưng Nga vẫn hướng tới một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.

Chiến dịch không kích của Nga ở Syria đã bước sang tuần thứ hai, với cường độ ngày một gia tăng. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các máy bay Su-34, Su-24M và Su-25SM ngày 12/10 đã thực hiện 55 phi vụ ném bom, nhằm vào 53 vị trí của quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Homs, Hama, Latakia và tỉnh Idlib; phá hủy nhiều công trình ngầm, kho đạn, trại huấn luyện của quân khủng bố, tiêu diệt một đoàn xe quân sự của IS đang trên đường vận chuyển vũ khí, xăng dầu ở phía bắc Hama.
Nga khong kich o Syria:
Nga đã đưa máy bay tiêm kích Su-30 sang Syria để bổ trợ cho lực lượng không quân Nga đóng tại đây. 
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Thiếu tướng Igor Konashenkov - tuyên bố, lần đầu tiên Nga đã đưa máy bay tiêm kích Su-30 sang Syria để bổ trợ cho lực lượng không quân Nga đóng tại đây.
Quân đội chính phủ Syria được sự hỗ trợ hỏa lực của không quân Nga cũng đã mở một cuộc phản công quy mô lớn tại ba khu vực trên, có sự yểm trợ của pháo binh, xe tăng, máy bay không quân. Lực lượng này hiện đã kiểm soát toàn bộ “Vùng Tự do” ở Aleppo và 13 thị trấn, làng mạc ở Hama và Latakia. Phiến quân chịu nhiều tổn thất lớn, tháo chạy hàng loạt, với tâm lý sợ hãi bao trùm.
Trong bối cảnh đó, Nga dường như vẫn để ngỏ cánh cửa hợp tác với phương Tây và các nước có liên quan trong khu vực. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) Lamberto Zannier hôm 12/10 tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, các cuộc gặp gỡ giữa Nga với đại diện các nước ở Trung Đông sẽ sớm được tổ chức. Ông cũng nói rằng Nga đã có một loạt các cuộc tiếp xúc gần đây với nhiều bên có ảnh hưởng ở Syria như Ả-rập Xê-út, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và kể cả Mỹ. Quá trình thảo luận cho thấy đã có “bước đà” cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, các bên đều chia sẻ mối quan ngại về chủ nghĩa khủng bố, nhưng còn có sự khác biệt về nhận định tình hình hiện nay.
Nga khong kich o Syria:
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, can dự của Nga tạo điều kiện tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria.  
Trước đó một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, can dự của Nga tại Syria nhằm mục đích ổn định chính quyền hợp pháp tại Damascus để rồi tạo điều kiện tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng. Moscow cũng nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác với Quân đội Syria Tự do (FSA) - lực lượng được Mỹ hậu thuẫn và được xem là “quân nổi dậy ôn hòa” - nhằm mở đường cho tiến trình chính trị, thiết lập kênh đàm phán giữa Damascus và các nhóm đối lập chính danh.
Giới phân tích nhận định, can dự của Nga đã có tác động mạnh đến quan điểm của nhiều bên có lợi ích liên quan ở Syria. Đòn không kích mãnh liệt của Nga sẽ buộc các phần tử thánh chiến IS tháo chạy khỏi Syria.
Vấn đề là chúng sẽ chạy sang đâu? Ít có khả năng là sang Iraq, vì Baghdad đã bắn tín hiệu ủng hộ Nga mở rộng không kích IS ở lãnh thổ Iraq. Chỉ còn cửa chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ, Ả-rập Xê-út, những nước bảo trợ chính cho các nhóm Hồi giáo chống chính quyền ở Syria. Đây sẽ cơn ác mộng thực sự đối với hai nước này: Ankara đã quá đau đầu với làn sóng tấn công khủng bố gần đây, còn Riyadh luôn lo ngại sự đổ bộ của các phần tử thánh chiến sẽ làm gia tăng bất ổn tại quốc gia giàu dầu mỏ này, nhất là khi IS tuyên bố lấy “Mecca làm thủ đô” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Nhìn về châu Âu, thế bất ổn kéo dài ở Syria sẽ đẩy lục địa già tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng di cư - vấn đề gây chia rẽ nội khối.
Giữa lúc xung đột kéo dài với giải quyết bất đồng bằng đàm phán, Châu Âu và nhiều đồng minh của Mỹ tại Trung Đông ít nhiều thiên về giải pháp thứ hai. Ông Putin hé mở “giải pháp chính trị” cho vấn đề Syria, nhưng không giải thích một cách cụ thể. Liên minh Châu Âu (EU) dường như nhanh tay đề cập đến tầm nhìn mới: Quá trình chuyển tiếp chính trị ở Syria gắn với tương lai của ông Assad. Phát biểu tại phiên họp cấp ngoại trưởng EU hôm 12/10, Cao ủy phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh EU Federica Mogherini thừa nhận Moscow giữ vai trò nổi bật trong các nỗ lực chính trị giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, tạo sức ép lên Damascus trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị, kể cả lựa chọn các nhân vật thuộc phái ông Assad trong chính quyền chuyển tiếp. Một tiến trình như vậy phải có sự tham gia của tất cả các nước “chủ chốt” tại khu vực, đương nhiên là cả Nga và Mỹ - bà Mogherini nhìn nhận, đồng thời nhấn mạnh EU và Nga hoàn toàn có thể tìm kiếm sự tương đồng trong vấn đề này.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond chia sẻ, Châu Âu có thể linh hoạt về cách thức và thời điểm Tổng thống Assad thoái lui. Ông Harlem Desir, Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Châu Âu của Pháp thì bình luận, chính quyền Syria thời hậu chiến có thể không còn ông Assad, nhưng vẫn có những “thành phần của chính quyền đương nhiệm”. Trước đó, Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy lập trường mềm dẻo tương tự.
Theo Báo Tin tức

Bình luận(0)