Mỹ dùng “nhân quyền” để đối đầu với Nga

Google News

(Kiến Thức) - Tổng thống Mỹ Barack Obama coi "nhân quyền" là công cụ đặc biệt quan trọng để cạnh tranh với Nga.

Vừa đấm vừa xoa

Ngày 14/12/2012, Tổng thống Mỹ đã phê chuẩn Đạo luật Magnitsky, trong đó bao gồm 2 nội dung trái ngược nhau nên được giới phân tích nhận xét là hành động "vừa đấm vừa xoa". Nội dung thứ nhất là miễn áp dụng Luật Jackson-Vanik Law đối với Nga từ năm 2012 - một đạo luật có từ thời Chiến tranh lạnh, đặt ra những hạn chế quan hệ thương mại giữa Mỹ với những nước có nền kinh tế phi thị trường. Nội dung thứ hai là phong tỏa tài sản và cấm visa đối với những công dân nào ở Nga có liên quan tới cái chết của luật sư Magnitsky bị giam giữ trong nhà tù của Nga và bị chết năm 2009.  

Vì thế, dư luận ở Nga và nhiều nước gọi Đạo luật Magnitsky là "Đạo luật chống Nga". Ngày 24/12/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nhận định, Mỹ và Nga đã bắt đầu một cuộc "chiến tranh nhân quyền" bắt nguồn từ Đạo luật Magnitsky, có thể làm tổn hại nghiêm trọng quan hệ giữa hai nước. Trước đó, Tổng thống V. Putin đã lên án việc Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Magnitsky và cho rằng văn kiện này đã "bị chính trị hóa, không thân thiện và gây phương hại đến quan hệ song phương". 

 Tổng thống Obama ký ban hành Đạo luật Magnitsky tại Phòng Bầu dục
ở Nhà Trắng. (Ảnh: Reuters)



Dự luật Dima Yacolev

Giống như một biện pháp đáp trả, ngày 21/12/2012, Hạ viện Nga đã thông qua "Dự luật Dima Yacolev" (Dima Yakolev là một em bé Nga được người Mỹ nhận làm con nuôi nhưng đã bị đối xử thô bạo và chết ở Mỹ). Theo đó, Nga sẽ đình chỉ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ tham gia vào các hoạt động chính trị ở Nga từng nhận được hỗ trợ tài chính từ Mỹ; cấm hoàn toàn việc công dân Mỹ nhận con nuôi là trẻ em Nga và cấm thị thực nhập cảnh vào Nga đối với những người Mỹ vi phạm nhân quyền. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2013. 

"Dự luật Dima Yakolev" được soạn thảo dựa trên thực tế rất đáng lo ngại về tình trạng trẻ em Nga sau khi được các công dân Mỹ nhận làm con nuôi. Chỉ tính theo con số được công bố chính thức, trong những năm gần đây đã có 19 trẻ em Nga được người Mỹ nhận làm con nuôi bị chết do bị đối xử thô bạo.  

Ở Mỹ, hoạt động nhận trẻ em làm con nuôi từ Nga từ lâu đã trở thành một hoạt động kinh doanh béo bở. Nhiều tổ chức trung gian đã thu nhập hàng tỷ USD trong các hoạt động nhận con nuôi từ Nga. Theo con số chính thức năm 2011 của Bộ Nội vụ Italia thì trong những năm gần đây có tới 1.260 trẻ em từ Nga được nhận làm con nuôi bị mất tích. Theo giới phân tích, không loại trừ khả năng nhiều trẻ em được một số người Mỹ nhận "làm con nuôi" nhưng trên thực tế là đã được đưa vào các đường dây buôn bán nội tạng. 

Vì thế, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, biện pháp đáp trả đối xứng và công bằng nhất đối với Đạo luật Magnitsky của Mỹ là Nga không chỉ bãi bỏ chế độ người Mỹ nhận trẻ em Nga làm con nuôi, cấm nhập cảnh vào Nga đối với những người Mỹ vi phạm nhân quyền mà còn phải lên án các hành động tội ác của những kẻ có hành động tàn bạo đối với trẻ em nhận từ Nga và buộc tội cả các nhân viên bảo vệ pháp luật ở Mỹ đã có các hành động che giấu và biện minh cho các hành động đối xử tàn bạo đối với các trẻ em Nga. 

Gần đây, cả Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác mà hằng năm từng bị phía Mỹ liệt vào danh mục "các quốc gia vi phạm nhân quyền" đã cho công bố kết quả điều tra về các hành động vi phạm nhân quyền ở Mỹ. Trong đó, đáng chú ý nhất là bản Báo cáo về tình hình nhân quyền ở Mỹ dày 100 trang đã liệt kê một cách khách quan các vụ việc vi phạm nhân quyền ở Mỹ và một số nước phương Tây. Mỗi một đối tượng đều được Nga dành một chương riêng, trong đó chương lớn nhất là Mỹ - một quốc gia tự cho mình là "thước đo dân chủ và nhân quyền".

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:




Hương Ly

Bình luận(0)