Triều Tiên sắp thử hạt nhân?

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên mới làm rung chuyển thế giới với vụ phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo sáng 12/12. Việc này cũng được xem là minh chứng cho tuyên bố có thể chế tạo tên lửa có khả năng "chạm" tới mọi địa điểm của Mỹ.

Nổ bom hạt nhân?

 Tên lửa Unha-3 chuẩn bị được phóng lên quỹ đạo.

Quan chức Hàn Quốc ước tính, Triều Tiên tiêu tốn khoảng 2,8 – 3,2 tỷ USD cho các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân từ năm 1998, bất chấp Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm, bị áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng...

Chuyên gia Baek Seung-joo của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc cho biết: "Triều Tiên sẽ phải chịu những biện pháp trừng phạt mạnh hơn trước. Nếu như Liên Hiệp Quốc không tỏ thái độ cứng rắn hơn thì khả năng Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử hạt nhân là rất cao".

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thảo luận, tìm đối sách giải quyết vấn để của Triều Tiên. Trước đó, Liên Hiệp Quốc áp đặt lệnh cấm phát triển, thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân hai lần vào năm 2006 và 2009 đối với Triều Tiên.

Cho đến nay, Hội đồng Bảo an vẫn tin rằng họ có thể ngăn cản Bình Nhưỡng không tiến hành thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân hay tên lửa tiếp theo.

Ngay cả Trung Quốc, quốc gia hậu thuẫn cho Triều Tiên, cũng bày tỏ quan điểm: "Không có gì quý giá hơn hòa bình nhưng chúng ta không bao giờ cầu xin được nó. Hòa bình chỉ có được khi chúng ta chiến đấu và giành phần thắng”.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết, Triều Tiên xây dựng một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và bước vào giai đoạn hoàn thành từ cuối tháng 11.
 
Triều Tiên giải thích rằng, họ cần năng lượng hạt nhân để cung cấp điện. Tuy nhiên, theo một số báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ thì Triều Tiên nhiều lần "khoe" khả năng răn đe hạt nhân và có giao dịch công nghệ hạt nhân với Syria, Libya và thậm chí cả Pakistan.

Ý kiến của chuyên gia

Giáo sư Rudiger Frank, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Vienna nhận định, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hành động quá khích của Triều Tiên là điều tất yếu. Tuy nhiên, ông cho rằng các biện pháp trừng phạt dù cứng rắn hơn hay mềm mỏng đi thì cũng chỉ là hình thức tượng trưng và không có hiệu quả. Theo ông, Liên hiệp quốc cũng từng áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt trong nhiều thập kỷ qua nhưng Triều Tiên vẫn "kháng cự". Ông giải thích, Triều Tiên không tuân theo lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc bởi quan niệm phóng tên lửa là phục vụ mục đích hòa bình.
 
Theo ý kiến của chuyên gia Rudiger Frank, hiện Triều Tiên chính là mối "đe dọa" đối với Hàn Quốc bởi những lần phô trương vũ khí và thử hạt nhân. Ngoài ra, các quốc gia lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga cũng đang e ngại bởi động thái vừa qua của Triều Tiên.
 
Có thể lần phóng tên lửa hay vệ tinh ngày 12/12 chỉ có mục đích thuần túy là tăng cường phòng thủ và răn đe. Tất nhiên, cũng không thể loại trừ nguy cơ họ đang nuôi âm mưu chế tạo những vũ khí rất nguy hiểm và phân phối chúng. Ông Frank cho rằng đó chính là mối quan tâm lớn nhất của cộng đồng quốc tế.


Nguyên Thảo (theo Reuters, RT)

Bình luận(0)