Kho tên lửa đạn đạo Triều Tiên có gì?

Google News

Những quả tên lửa đạn đạo đầu tiên xuất hiện trong Quân đội Triều Tiên từ cuối những năm 1960.

Đầu những năm 1970, Triều Tiên đã nỗ lực tìm kiếm một loại tên lửa từ Liên Xô có tầm bắn xa hơn nhằm tấn công mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc. Tuy nhiên do mối quan hệ hai nước rơi vào tình trạng căng thẳng nên Triều Tiên không có được loại tên lửa mới. Họ đã quay sang hợp tác với Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo Đông Phong 61 đạt tầm bắn 600km nhưng dự án cũng hủy bỏ giữa chừng năm 1978.

Vận may tới với chương trình tên lửa Triều Tiên cuối những năm 1980 khi họ nhập khẩu được một số tên lửa đạn đạo chiến thuật Scud-B từ Ai Cập. Nó đã trở thành “nền tảng quan trọng” trong việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung sau này của Triều Tiên.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn

Sau khi “mổ xẻ” công nghệ Scud-B, các chuyên gia Triều Tiên đã sản xuất biến thể nội địa mang tên Hwasong 5 với một vài cải tiến nhỏ.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong 5 có tầm bắn tăng lên 320km, trọng tải 1 tấn (lắp đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học, đầu đạn thường).

Năm 1988, Triều Tiên bắt đầu chương trình cải tiến tăng tầm bắn Hwasong-5, kết quả là tên lửa đạn đạo mới Hwasong 6 ra đời. 

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong 6 đặt xe mang bệ phóng trong một cuộc duyệt binh của Quân đội Triều Triên.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hwasong 6 đặt xe mang bệ phóng trong một cuộc duyệt binh của Quân đội Triều Triên.

Hwasong 6 dài 12m, đường kính thân 0,88m, tải trọng 800kg (mang đầu đạn nổ thường hoặc đầu đạn hạt nhân, hóa học, sinh học). Tên lửa Hwasong 6 tăng tầm bắn lên 700km đủ khả năng vươn tới các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Hàn Quốc. 

Hwasong 6 bắn thử lần đầu tháng 6/1990 và chính thức đưa vào phục vụ năm 1991. Theo các báo cáo quốc tế, tính tới năm 1999 Triều Tiên đã sản xuất khoảng 600-1.000 tên lửa loại này.

Sau sự kiện Ai Cập cung cấp Scud-B cho Triều Tiên để quốc gia này “sản sinh” ra Hwasong 5/6, theo báo cáo quốc tế năm 1997 Syria xuất khẩu cho Triều Tiên một số tên lửa OTR-21 Tochka của Liên Xô. Và tất nhiên, nước này đã không bỏ lỡ “cơ hội trời cho” sao chép cải tiến cho ra đời tên lửa đạn đạo tầm ngắn KN-02.

KN-02 dài 6,4m, đường kính thân 0,65m, trọng lượng phóng 2,01 tấn. Tên lửa lắp đầu đạn nổ thường nặng 485kg, tầm bắn tối đa 160km. Tên lửa đã trải qua ít nhất 17 cuộc bắn thử trước khi đưa vào sản xuất từ năm 2006 và chính thức đưa vào phục vụ năm 2008.

Tên lửa đạn đạo tầm trung

Song song với chương trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến thuật Hwasong 5/6, ngay từ giữa những năm 1980 Triều Tiên xúc tiến nghiên cứu sản xuất tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong 1.

Tên lửa đạn đạo No Dong 1 có chiều dài 16,2m, đường kính thân 1,36m, trọng lượng phóng 16,5 tấn, tải trọng 1,2 tấn (lắp đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân). No Dong 1 đạt tầm bắn tối đa 1.300km nhưng độ sai lệch mục tiêu rất lớn chỉ phù hợp để tấn công các thành phố lớn, sân bay, kho tàng bến bãi. 

Tên lửa đạn đạo No Dong 1.
Tên lửa đạn đạo No Dong 1.

No Dong 1 chính thức đưa vào phục vụ năm 1995. Theo cơ quan tình báo Mỹ, tính tới năm 2006 Triều Tiên đã triển khai 200 quả Nodong 1 trong khi phía Hàn Quốc cho rằng con số vào khoảng 450 quả. 

Có thể nói, tốc độ phát triển tên lửa Triều Tiên như vũ bão, ngay sau sự xuất hiện của No Dong 1 tới lượt No Dong 2. Thông số kỹ thuật No Dong 2 tương tự No Dong 1 được cải tiến tăng tầm bắn lên 1.500km nhưng tải trọng giảm xuống còn 700kg.

Theo một số nguồn tin, Triều Tiên phát triển No Dong 2 với sự hỗ trợ từ các chuyên gia Trung Quốc. Nhiều khả năng, nước này đã cung cấp cho Triều Tiên các công nghệ và linh kiện tên lửa.

Năm 2003 đã có thông tin Triều Tiên đang phát triển loại tên lửa mới dựa trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm R-27 của Nga mang tên BM25 Musudan (hoặc có tên gọi khác là No Dong B, Mirim, Taepodong X).

Tên lửa đạn đạo tầm trung BM25 Musudan có chiều dài khoảng 12-19m, đường kính thân 1,5-2m, trọng lượng phóng 19-26 tấn, trọng tải 1,2 tấn. Tên lửa có khả năng đạt tầm bắn từ 2.500-4.000km. 

Tên lửa đạn đạo BM25 Musudan.
Tên lửa đạn đạo BM25 Musudan.

BM25 Musudan xuất hiện công khai lần đầu trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên tháng 10/2010. Theo một số nguồn tin, Triều Tiên đã sản xuất và triển khai 200 quả BM25 Musudan. 

Loại tên lửa tầm trung thứ 4 mà Triều Tiên sở hữu là Taepo Dong 1 đạt tầm bắn 2.000km. Đây là loại tên lửa đạn đạo 3 tầng động cơ dài tới 25,5m, đường kính thân 1,25m, tải trọng 750kg. Cũng theo báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ, năm 2006 Triều Tiên đã có chừng 25-30 quả Taepo Dong 1 nhưng không rõ tình trạng phục vụ.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa

Theo các nguồn tin quốc tế, trong kho tên lửa Triều Tiên chưa có loại tên lửa đạn đạo liên lục địa chính thức đi vào phục vụ.

Triều Tiên đang trong quá trình thử nghiệm tên lửa đạn đạo Taepo Dong 2 có tầm bắn từ 6.000km.

Taepo Dong 2 được cải tiến từ Taepo Dong 1 thiết kế với 3 tầng động cơ dài 16,3m, đường kính thân 2,4m, trọng lượng phóng 53 tấn. Tên lửa đạn đạo có tải trọng nặng 1-1,5 tấn mang nhiều loại đầu đạn, kể cả đầu đạn hạt nhân.

Quá trình bắn thử nghiệm tên lửa Taepodong 2 có liên quan chặt chẽ tới chương trình chinh phục không gian của Triều Tiên. Trong 5 lần phóng vệ tinh trong các năm 2006-2012, Triều Tiên đã sử dụng tên lửa đẩy Unha-2/3 phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo Taepodong 2.

Chính vì lý do này mà mỗi lần tuyên bố phóng vệ tinh, Triều Tiên gặp phải sự phản đối quyết liệt từ Mỹ và đồng minh. Các quốc gia này luôn cáo buộc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa trá hình.

Hoàng Lê (tổng hợp)

Bình luận(0)