Người mà sông núi mượn tên
Thoại Ngọc hầu (1761 – 1829) vừa có công với triều Nguyễn vì đã phù tá Gia Long giành ngôi báu, vừa có ơn với người dân, nhất là nhân dân miền Nam, nhờ việc mở mang bờ cõi, khai phá đất đai miền sông Hậu, bảo vệ biên cương ở Châu Đốc, Hà Tiên, xây dựng kênh Vĩnh Tế, một công trình thủy lợi – giao thông - quốc phòng lớn. Ông tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê ở vùng Sơn Trà, Đà Nẵng ngày nay, từ đời bố mẹ đã vào Vĩnh Long định cư.
Từ năm 16 tuổi, Nguyễn Văn Thoại đã theo phò Nguyễn Phúc Ánh, vị chúa tuổi thiếu niên đầy tham vọng và chí khí phục thù. Ngoài việc tham gia nhiều trận đánh chống Tây Sơn, ông thường xuyên được cử đi công cán các nước láng giềng như Lào, Xiêm, Chân Lạp và lập nhiều công lao. Vì thế, sau khi nhà Nguyễn thành lập, Nguyễn Văn Thoại có thời gian được bổ làm Bảo hộ Chân Lạp kiêm trấn thủ tỉnh Định Tường. Chính vì thế người dân sau này vẫn gọi ông là ông Bảo hộ, lăng Nguyễn Văn Thoại được gọi là lăng ông Bảo hộ.
|
Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông tại chân núi Sam. Ảnh: Wikipedia.org.
|
Mùa xuân năm 1818, sau khi được đổi làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, Nguyễn Văn Thoại chỉ huy việc đào kênh Đông Xuyên dài 31 km nối từ Long Xuyên xuống Rạch Giá, có vai trò rất lớn trong việc phục vụ nông nghiệp và giao thông ở vùng Kiên Giang. Hoàng đế Gia Long ghi nhận công lao đó, bèn cho lấy tên ông đặt tên cho con kênh mới đào và ngọn núi ở đó, gọi là kênh Thoại Hà và núi Thoại Sơn, người dân vẫn gọi là kênh Ông Thoại và núi Ông Thoại.
Năng lực và tâm huyết của Nguyễn Văn Thoại không bị vua Nguyễn bỏ qua khi ngay năm 1819, ông được triều đình giao phụ trách việc đào con kênh lớn theo biên giới Tây Nam, nối từ sông Châu Đốc ra đến biển Hà Tiên, dài gấp 3 lần kênh Thoại Hà. Công trình vĩ đại này không chỉ là tâm huyết của Nguyễn Văn Thoại đối với sự hưng vượng của đất nước mà còn là mồ hôi, xương máu của 80.000 dân binh, mất 5 năm mới hoàn thành.
Chính thất của Nguyễn Văn Thoại là bà Châu Thị Tế cũng dốc lòng cho việc đào kênh. Bà lo việc việc hậu cần, cung cấp lương thực, đồng thời động viên dân chúng tham gia phục vụ công trình. Để ghi nhận công lao của họ, con kênh đã được nhà vua cho đặt tên theo vợ ông, đó là kênh Vĩnh Tế.
Đánh giá về vai trò của con kênh này, sách Đại Nam nhất thống chí viết: “Từ đó đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân buôn bán đều được thuận lợi vô cùng”. Hoàng đế Minh Mạng hoan hỷ và tự hào đến mức vào năm 1936, khi đúc Cửu đỉnh làm quốc bảo, vua cho chạm vào một chiếc đỉnh hình con kênh Vĩnh Tế.
Vị công thần này cũng là người chỉ huy làm con đường Núi Sam – Châu Đốc, lập 5 làng trên bờ kênh Vĩnh Tế. Chính ông cũng bỏ tiền túi ra trả bù cho dân số tiền mà nhà nước nợ mãi không trả, khi vận động họ đến vùng biên thùy ở để lập làng, giữ đất. Những công trình ông xây dựng được cho là có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì bền vững chủ quyền của người Việt tại những vùng đất mới.
Vì nhiều công lao, Nguyễn Văn Thoại được vua nhà Nguyễn phong là Thoại Ngọc hầu, bố mẹ ông cũng được phong tước hầu.
Liên tiếp hàm oan
Năm 1829, Thoại Ngọc hầu mất trong sự thương tiếc của vua Minh Mạng. Ông không những được truy thăng chức vụ, thưởng thêm nhiều tiền và gấm lụa, mà con trai trưởng còn được tập ấm chức Ân kỵ úy.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bao nhiêu công lao của ông gần như bị “phủi” sạch khi vua Minh Mạng nhận được tờ biểu tâu rằng, trong thời gian làm Bảo hộ Chân Lạp, Thoại Ngọc hầu thường bắt dân Chân Lạp đi lấy gỗ táu đem nộp nhưng không cấp tiền gạo mà triều đình quy định phát cho họ, lại còn bắt dân Chân Lạp phục dịch các việc riêng của mình. Lập tức, Minh Mạng xuống lệnh tịch thu gia sản, rồi truy giáng ông từ hàm nhị phẩm xuống thất phẩm, tước quyền tập ấm của con trai, bao nhiêu gia sản đều sung công.
Vụ việc này khiến Minh Mạng ghét Nguyễn Văn Thoại đến nỗi vào tháng 7 năm 1830, khi một vị quan ở Gia Định dâng sớ xin cấp phu trông coi mộ ông, nhà vua thẳng thừng từ chối.
|
Cổng vào lăng Thoại Ngọc Hầu ở núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang. Ảnh: Thanhnien.com.vn. |
Năm 1832, không biết có phải vì thấy quá nặng tay với công thần không mà Minh Mạng xuống dụ rằng, tội của Thoại nếu còn sống thì phải chém đầu để bêu, nhưng đã chết rồi thì xét có công lao nên chỉ giáng xuống hàm ngũ phẩm, tước quyền tập ấm của con, tịch thu gia sản, còn sắc phong cho cha mẹ Thoại thì không bị thu hồi.
Nhà vua chỉ biết Thoại Ngọc hầu bị oan sau khi đưa một sắc thư sang cho vua Chân Lạp, đại ý khuyên ông ta không nên vì một vị quan hư hỏng là Nguyễn Văn Thoại mà bận lòng, hãy cứ nên kính cẩn giữ lễ với hoàng đế nhà Nguyễn, vì ông quan Bảo hộ quấy nhiễu dân ấy đã bị trị tội, tiền còn thiếu của dân trong việc lấy gỗ thì sẽ ban đủ. Vua Chân Lạp liền dâng biểu tâu rõ là không cần cấp tiền gạo cho việc ấy nữa, vì quan bảo Bộ Nguyễn Văn Thoại đã cấp đủ cho dân rồi.
Rõ chuyện, nhà vua trừng trị kẻ tấu sai, nhưng vẫn kết tội Nguyễn Văn Thoại là bắt dân Chân Lạp phục dịch việc riêng nên không giảm án cho ông.
Năm 1835, cuộc tạo phản của Lê Văn Khôi được dẹp yên, người ta phát hiện có sự tham gia của con rể Thoại Ngọc hầu là Võ Vĩnh Lộc. Cái tên Nguyễn Văn Thoại một lần nữa lại bị nhà vua xuống lệnh tra xét về mối liên quan đến nghịch đảng. Thật may là Vĩnh Lộc chỉ cưới con gái nuôi chứ không phải cưới con đẻ của ông, nên vị công thần đã chết không bị khép thêm tội. Nhưng sự liên đới đó cũng đủ làm cái tên của ông bị bôi đen thêm lần nữa trước mắt triều đình. Nó làm cho cách nhìn của Minh Mạng với ông ngày càng thiên kiến, sai lệch, khiến bao nhiêu công lao trước đó bị quên lãng.
Tội nghiệt vẫn chưa buông tha linh hồn Thoại Ngọc hầu. Vào tháng 3/1838, cháu họ ông là Nguyễn Văn Quang, đang là tù phạm ở Gia Định, đã tham gia vào âm mưu vượt ngục chiếm thành, phản lại triều đình. Quang bị xử lăng trì. Nguyễn Văn Thoại vì thế mà bị truy đoạt các văn bằng, sắc phong đã cấp, tước luôn cả hàm ngũ phẩm.
Với những sấm sét liên tiếp giáng xuống từ cửu trùng, con cháu vị công thần mấy đời phải sống cảnh khổ cực. Con trai trưởng là Nguyễn Văn Tâm bỏ đi biệt tích, con thứ là Nguyễn Văn Minh sống cuộc đời nghèo khổ như mọi thứ dân.
Đến đời Khải Định mới được minh oan
Án oan của Thoại Ngọc hầu vẫn còn đó trải qua mấy triều vua. Đến năm 1880, dưới thời Tự Đức, đền Trung Nghĩa thờ những người có công với vương triều được khánh thành ở Huế. Bộ Lễ tâu lên vua đưa thêm 1.532 người vào thờ, trong đó có Nguyễn Văn Thoại. Vua Tự Đức chuẩn y. Nghĩa là công lao của Thoại Ngọc hầu đã được nhớ đến, tuy chưa được ghi nhận đúng mức, nhưng nỗi oan của ông vẫn chưa được cởi bỏ.
Phải đến năm 1924, hai thập kỷ trước khi vương triều nhà Nguyễn kết thúc, danh dự của Thoại Ngọc hầu mới được phục hồi. Ông được phong thần, danh hiệu là Đoan Tức Dực Bảo Trung Hưng Tôn thần.
Năm 1943, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại lại sắc phong cho ông là Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng thần.
Thế nhưng không chờ đến những đạo sắc của triều đình, lòng người dân vùng sông Hậu đã luôn coi Thoại Ngọc hầu là vị phúc thần ngay từ thời ông còn sống và cả những năm sau đó.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU