“Truy” nguyên nhân cái chết oan nghiệt của “Thần tướng” VN

Google News

(Kiến Thức) - Một cuộc đời oanh liệt, nhưng chỉ vì phản đối việc lập vua Trần Dụ Tông mà Nguyễn Chế Nghĩa đã bị sát hại. Với đức cao vọng trọng, ông vẫn được nhân dân lập đền thờ và các triều đại sau ghi nhận công đức.

Từ quan về quê mở phường dạy võ

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần 2 và lần 3, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong chức đại tướng quân, được cử đi giữ các cửa ải ở Lạng Sơn 6 năm liền. Nguyễn Chế Nghĩa lập các đồn trại dọc biên giới, tiễu trừ giặc cướp, thổ phỉ. Ông còn thành lập các đội dân binh, giúp họ khai khẩn đất đai làm ruộng để tự túc lương thực, giao cho các thổ hào tin cậy quản lý trông coi. Các đội dân binh này đã cùng quân triều đình bảo vệ vững chắc vùng biên cương.

Khi vùng biên ải được bình yên, ông được nhà vua triệu về triều ban tước Nghĩa Xuyên công và lần lượt tới các chức vụ Đô uý, Thái uý. Nguyễn Chế Nghĩa được cử đi sứ Nguyên ba lần vào các năm 1302, 1321, 1331. Ông được nhà vua và triều đình quý trọng. Vua Trần gả công chúa Nguyệt Hoa cho ông và phong chức Phò mã đô uý. Nguyễn Chế Nghĩa và Nguyệt Hoa sinh được một con trai là công tử Sùng Phúc.

Nguyễn Chế Nghĩa làm quan trải bốn triều vua: Trần Nhân Tông (1279 - 1293), Trần Anh Tông (1293 - 1314), Trần Minh Tông (1314 - 1329) và Trần Hiến Tông (1329 - 1341). Ông lần lượt giữ chức Nhập nội thị thái uý, Thái tể Nguyễn Xuyên công, có thời gian đứng đầu ban võ, có lúc kiêm chức Lễ bộ Thượng thư.

Đến cuối đời Trần Minh Tông, triều đình nhiễu nhương, vua ham chơi bời không lo đến quốc sự, bọn gian thần nhũng loạn. Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can vua không được bèn từ quan về nghỉ ở đất Cối Xuyên quê hương ông và ở Kiêu Kỵ là đất vua ban cho ông làm thái ấp. Tại Cối Xuyên ông giúp dân mở mang nghề nông, mở chợ Cối Xuyên, mở phường dạy võ cho thanh niên.
 
Tại Kiêu Kỵ, ông cũng khuyến khích nông dân mở mang đồng ruộng, phát triển nghề tằm tang, bảo vệ đê sông Hồng. Ông lập quán Ninh Kiều làm nơi nghỉ ngơi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, nơi xướng họa thơ văn, ngoài ra ông còn khuyến khích mọi người dân trong vùng giữ thuần phong mỹ tục.

Khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa ở thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.
Khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa ở thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

Bị vua Trần Dụ Tông sai người phục kích chém chết

Khi vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341 - 1369) khi đã củng cố được địa vị. Dụ Tông liền trả thù ông vì ông là một trong ba người phản đối việc lên ngôi của Dụ Tông. Dụ Tông đã sai bọn võ sĩ phục kích chém chết ông ở quán Ninh Kiều, xã Kiêu Kỵ. Khi đó ông 76 tuổi. Mặc dù vậy nhưng với công lao hiển hách và đức cao vọng trọng của ông, triều đình vẫn cử Bộ Lễ về tổ chức tang lễ theo nghi thức vương giả và phong thần cho ông là An Nghĩa đại vương. Nhân dân làng Kiêu Kỵ lập đền thờ An Nghĩa Đại vương, công chúa Nguyệt Hoa và Công tử Sùng Phúc.

Công tử Sùng Phúc và mẹ là công chúa Nguyệt Hoa còn dựng chùa thờ Phật ở cạnh đền An Nghĩa Đại Vương. Sau chùa này được mang tên Sùng Phúc tự. Khi công chúa Nguyệt Hoa và công tử Sùng Phúc mất cũng được nhân dân Kiêu Kỵ đưa vào thờ ở đền ở đình Kiêu Kỵ làm thành hoàng của làng.

Đền An Nghĩa Đại vương và Nguyệt Hoa công chúa được các triều đại phong 87 đạo sắc (trong đó đời vua Lê Thần Tông 30 đạo sắc; đời vua Lê Huyền Tông 7 đạo sắc; đời vua Lê Gia Tông 8 đạo sắc; đời vua Lê Dụ Tông 9 đạo sắc; đời vua Lê Hiển Tông 10 đạo sắc; đời vua Quang Trung 11 đạo sắc và đời vua Cảnh Thịnh 12 đạo sắc).

Cụm di tích trên đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử năm 1996.
Dương Tuấn

Bình luận(0)