Thương hiệu chè Ngam La chết mòn

Google News

Dưới những thung lũng ngập mây phủ còn giữ được những cây chè Ngam La to như lim như sến, không biết mấy trăm năm.

- Cả một vùng chè cổ xanh ngút giữa những tầng mây phủ ở xã Ngam La (Yên Minh, Hà Giang) là món quà của tạo hóa dành cho dân bản. Tưởng ở đây chỉ có đá tai mèo, dứa dại lẫn với xương rồng nhưng chè Ngam La vẫn sống tốt. Tiếc là, thương hiệu đang bị chết mòn.

Hữu xạ tự nhiên hương

Danh tiếng chè Ngam La thật không thua kém, thậm chí nhỉnh hơn cả chè Shan tuyết ở Sìn Hồ - Hoàng Su Phì hay Bó Đướt - Vị Xuyên. Nhưng khác một điều là cái "uy" của chè Ngam La được nhiều người biết đến không phải do quảng bá tùm lum như một số nơi khác mà bởi chính "chất" chè ngon, đượm mà ra.

Bao giờ chè Ngam La mới lấy lại được thương hiệu?
Cây chè Ngam La nổi tiếng ngon, đậm đà.
 
Một cán bộ của huyện Yên Minh bảo chúng tôi, uống được loại chè Ngam La chính hiệu thì dù chết cũng vẫn nhớ. Chẳng biết, lời giới thiệu ấy có quá hay không nhưng quả thực, những khách sành chè vẫn đặt hàng nhờ người vào Ngam La lấy chè chính gốc.

Chúng tôi cũng lặn lội vượt dốc, vượt suối hơn một tiếng đồng hồ mới tới được Ngam La. Dạo vòng qua những dãy núi lởm chởm đá, tìm mỏi mắt cũng không thấy một ngọn chè để hái thử thưởng thức. Anh bạn đi cùng quyết định tìm gặp lãnh đạo UBND xã Ngam La để hỏi cho rõ thực hư.

May mắn gặp được anh Tẩn A Pấu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngam La, anh Pấu bảo, chè Ngam La nổi tiếng từ thời xưa rồi. Nhưng để nhìn thấy cây chè cổ phải đi xa hơn nữa, đi ngược vòng cung, leo qua đỉnh núi mới vào được bản Sa Lỳ. Ở đấy, gốc chè cổ sù sì chẳng kém nơi nào.

Hành trình lại được tiếp tục, sau nửa tiếng vượt núi, chúng tôi đã có mặt tại nhà ông Cháng A Hành, Trưởng bản Sa Lỳ. Ông Hành bảo, chè cổ Ngam La đã có từ rất lâu đời. Khi ông sinh ra đã thấy những gốc chè to bè bè bên sườn núi. Dưới những thung lũng ngập mây phủ còn giữ được những cây chè to như lim như sến, không biết mấy trăm năm. Dứt lá nhai sẽ thấy vị chát ngọt đầu lưỡi. Chè Ngam La không cần quảng bá mà người ta vẫn biết đến thì đúng là "hữu xạ tự nhiên hương".

Anh Cháng A Nhã, con trai ông Hành sợ khách không tin nên kéo chúng tôi ra đầu ngõ, chỉ tay vào mấy gốc chè: "Mấy cây này là loại em út của chè cổ mà cũng to như cây xoan, cao như cây gạo rồi, các anh cứ hái lá mà ăn, vừa ngon vừa mát".

Quả thật, bao nhiêu đời nay ở bản Sa Lỳ, người dân sống được là nhờ chè. Chè cho họ tiền, giúp họ có cái ăn, cái mặc. Chè đối với bản người Dao vùng cao như là ân nhân cứu giúp mỗi mùa giáp hạt.

Vợ của Cháng A Nhã, chị Cháng Thị Họp nhanh nhẻo địu con sau lưng đi nấu nước pha trà. Hương trà thơm ngát bay khắp nhà sàn, nước trà xanh trong, vị trà lúc đầu đắng dịu, sau chát rồi chuyển sang ngòn ngọt nơi đầu lưỡi. Có điều lạ, trà qua mấy lần thêm nước mà màu cứ xanh trong, vị đậm đà mà khó có danh trà nào sánh được.

Chè Bố Láu đã chết

Cũng nhờ chè cổ từ các sườn núi, thung lũng ở bản Sa Lỳ và các vùng lân cận mà người dân sống được. Tiền mua gạo, tiền cho con cái ăn học, tiền dựng vợ gả chồng, tiền xây nhà, tiền tậu trâu mua nghé cũng từ cây chè mà ra. Có những thời điểm, khách đặt hàng dân bản, giá chè cao vót tới gần 200.000đ/kg.

Thế rồi, một thời gian bỗng dưng chè Ngam La bị ế. Ế mà không rõ nguyên nhân. Chỉ biết, không ai đến mua, không ai đặt hàng, cũng chẳng khách nào ngó ngàng tới. Chè thu hoạch về, phơi, sao, sấy, ủ... đủ công đoạn rồi lại không có đầu ra. Có người bí quá, đem xuống chợ huyện bán rẻ cho các đầu mối thu mua.

Thế rồi, ông Bố Láu người bản Sa Lỳ đứng ra lập xưởng sản xuất. Nói là xưởng nhưng thực chất là tổ hợp gia đình. Dân bản đem nguyên liệu đến bán, ông Bố Láu chỉ huy con cháu chế biến theo cách riêng của mình.

Không biết ông Bố Láu có bí quyết gì mà chè ngon nức tiếng gần xa. Không chỉ ở Yên Minh, mà tận Đồng Văn, Bắc Quang, Hoàng Su Phì... cũng đến mua chè. Nhiều người sành chè, nghiện chè chỉ cần lấy một nhúm nhỏ cho vào miệng nhai là biết có phải chè Bố Láu hay không. Đã vậy, chè Bố Láu lại rẻ, chỉ hơn trăm nghìn một cân. Loại đặc biệt thì không tính được, có khi tiền triệu hoặc cao hơn nữa.

Dân bản cũng nhờ Bố Láu mà bớt nỗi lo chè ế. Xem ra, từ nay Ngam La sẽ phát triển được giống cây chủ đạo. Thế nhưng, đùng một cái, nghe thông báo: Chè Bố Láu đã chết.

Chúng tôi hỏi ra mới biết có nhiều ý kiến khác nhau. Người bảo, Bố Láu láu cá quá, thu mua chè mà không có tiền trả cho bà con nên dân bản đến thu máy móc. Người lại nói, vì để hút khách, Bố Láu bán chè giá rẻ, thu không đủ chi nên vỡ nợ.

Thực hư thế nào không rõ, hỏi Bố Láu, gã cứ lắc đầu không nói. Chè Bố Láu không còn, chè cổ Ngam La lại bắt đầu rơi vào tình trạng... ế. Thương hiệu chè lại một lần nữa bị chết, dân bản lại khổ vì lo đầu ra, lo chè bị ép giá.

Chè ế còn để trong nhà.
Chè ế còn để trong nhà.

Vì đâu thương hiệu trăm năm sụp đổ

Trước thực trạng thương hiệu chè cổ Ngam La đang bị chết mòn, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Tẩn A Pấu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngam La, ông Pấu bảo: "Chè cổ ở đây thì không ai phủ nhận, năm 1972 thì địa phương kết hợp với HTX và trồng chè. Hiện tại, Ngam La có đến 120ha chè được quy hoạch và trồng mới 145ha. Chè cổ Ngam La khó lấy lại được thương hiệu vì nhiều lý do, trong đó có việc trồng và chế biến quá thủ công".

Một lý do nữa mà ông Pấu đưa ra là, bà con dân bản còn lạc hậu, lại nghèo vốn nên không có tiền mua máy móc về chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, cạnh tranh hàng hóa với thị trường.

Một cán bộ UBND huyện Yên Minh xin được giấu tên cho chúng tôi hay, thương hiệu chè Ngam La bị chết mòn cũng có lý do. Các tay buôn sau khi thu mua chè về thì pha chế, thậm chí trộn cả phân đạm vào. Tự nhiên, chè Ngam La thành chè bẩn, mất giá, mất mối hàng, thương hiệu hàng trăm năm bỗng dưng sụp đổ trong giây lát và lay lắt cho đến bây giờ.

"Chúng tôi đang xây dựng phương án bảo tồn, phát triển chè trong tương lai và việc này phải chờ cấp trên phê duyệt. Chúng tôi chưa bao giờ thống kê sản lượng chè hằng năm nhưng có điều chắc chắn là người dân đang bị thiệt thòi khi bán chè vàng cho Trung Quốc chỉ với giá 20.000đ/kg".
Ông Tẩn A Pấu (Phó Chủ tịch UBND xã Ngam La)
Trần Hòa
[links()]

Bình luận(0)