Xây trụ sở hoành tráng: “Cửa quan” oai... tạo cớ “xà xẻo“?

Google News

(Kiến Thức) - Việc một số địa phương xây trụ sở to đẹp, hoành tráng, nguy nga như cung điện thì cơ hội "xà xẻo" nhiều hơn, đi ra đi vào cũng oai hơn?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội đã có những chia sẻ với Kiến Thức về vấn đề này.
Trụ sở càng lộng lẫy càng xa lạ
Trong phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đã phát biểu: "Tôi đi các địa phương, đến nhiều nơi thấy xây dựng trụ sở như cung điện. Ngay cả trụ sở tỉnh ủy nhiều nơi cũng lộng lẫy lắm... Dân ta đang nghèo như vậy, xây trụ sở hoành tráng làm gì?". Ở góc độ quy hoạch, ông đánh giá thế nào về việc xây dựng các trụ sở ở ta hiện nay?
Thực ra trong công tác quy hoạch, trong các văn bản pháp lý, quy chuẩn tiêu chuẩn đã có những quy định rất cụ thể chi tiết về việc xây dựng các trụ sở. Mỗi cấp chính quyền đều đã có quy định rõ trụ sở thì xây thế nào, diện tích tối đa là bao nhiêu m2. 
Kinh phí từ ngân sách và thông thường do cơ quan địa phương xem xét quyết định. Tuy nhiên, có lẽ là do ngân sách rót xuống, tỉnh nào có tiền thì cứ xây, ngân sách đấy cứ thế mà dùng, nên nhiều địa phương mới xây trụ sở chưa hợp lý như vậy. Nó vừa thể hiện sự xa hoa lãng phí, vừa tạo thêm khoảng cách đối với người dân chứ không tạo hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Nếu đã có quy định rõ ràng thì sao người ta không thực hiện?
Có thể có những nguyên nhân nào đó nhưng rõ ràng ở đây là thiếu thanh tra, kiểm tra, giám sát ngay từ khâu lập dự án đến thẩm tra và quyết định phê duyệt. Nhưng mấu chốt là xây bằng tiền ngân sách chứ không phải tiền túi của ai cả, nên mới có chuyện đó.
Có lẽ chỉ những địa phương ở những vùng sâu vùng xa mới dễ "mắc bệnh oai" này?
Nhiều địa phương có hiện tượng này. Ngay Hà Nội, một số trụ sở quận, huyện qua kiểm tra thanh quyết toán đã phát hiện có tồn tại. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc xây một trụ sở to đẹp, đàng hoàng, chắc là không người dân nào ủng hộ.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội nói về việc một số địa phương xây trụ sở như cung điện. 
Vào "cửa quan" là có cảm giác bị đè nén
Ông vừa nói đến sự xa hoa, lãng phí. Vậy thì trụ sở xây ra là để phục vụ ai, phải chăng là để phục vụ dân nên các lãnh đạo mới cố làm cho nó thật hoành tráng?
Công trình trụ sở không chỉ tạo không gian làm việc mà còn là biểu hiện của văn hóa, là lợi ích chung của toàn xã hội, là thể hiện bản sắc của địa phương. Đáng buồn là một số địa phương đua nhau làm sao có trụ sở thật là hoành tráng mà không chú ý đến cảm nhận văn hóa. Người Việt Nam vốn đã ngại đến "cửa quan" bởi vào đó là người ta đã cảm thấy bị đè nén rồi. Nơi làm thủ tục hành chính, tiếp công dân đòi hỏi phải tạo được cảm giác thân thiện, được tôn trọng. Muốn làm vậy thì không chỉ là thái độ của cán bộ công nhân viên mà còn là giải pháp kiến trúc, tổ chức nội thất.
Có thể vì những nơi đó cần sự uy nghiêm?
Không phải thế. Tòa thị chính Tokyo (Nhật Bản) là một nhà đa năng rộng rãi thoáng mát. Mọi người đều có thể vào đó tham quan, ngắm cảnh. Nó như một điểm công cộng thu hút người ta khám phá. Tuy nhiên, những nơi cần thiết phải có sự uy nghiêm, làm việc có quy củ, có kế hoạch thì người ta vẫn cứ có giải pháp quản lý, kiểm soát để đảm bảo an ninh.
Vậy thì nguyên nhân nào làm cho các trụ sở của ta vẫn cứ là nơi xa lạ với người dân?
Nó có nhiều lý do. Nhiều nơi khi xây dựng trụ sở cũng mời chuyên gia để lấy ý kiến. Thậm chí có cả trưng bày, triển lãm để lấy ý kiến cả nội bộ và cộng đồng liên quan. Thế nhưng đến nay có thể nói, chưa có trụ sở nào của Việt Nam trở thành biểu tượng của vùng đó giống như Oasinhtơn, Bắc Kinh, Sydney... Có lẽ là do năng lực của giới chuyên môn chưa cao, tầm nhìn, quan niệm thế nào là hiện đại, thế nào là bản sắc chưa thống nhất. Bởi thế mà ta chưa có được những công trình tầm cỡ xứng đáng là cơ quan công quyền, là điểm nhấn kiến trúc của đô thị.
Phải chăng vì ta không có nhiều tiền?
Không phải thế. Nhiều nơi tôi được biết còn lập cả một hội đồng khoa học kiến trúc, huy động sự đóng góp của các chuyên gia đầu ngành mà không có được công trình tầm cỡ đó. Cái thiếu sót nhất của chúng ta hiện nay là chưa có giải pháp để huy động tối đa trí tuệ của nhân dân. Ở các nước khác, người dân được quyền nghiên cứu các phương án và đóng góp ý kiến của mình để có được công trình phù hợp nhất.
Nhưng lấy ý kiến nhân dân ở ta cũng khó. Giờ bảo kiến trúc như thế nào là mang bản sắc văn hóa Việt Nam? Không lẽ là nhà tranh vách đất? Còn kiến trúc nhà cửa hiện nay đa phần là nhà hộp, nhà ống!
Đó là thực trạng tồn tại khá lâu rồi. Trong âm nhạc, đã nhận diện dòng nhạc truyền thống là có, chỉ cần nghe giai điệu thôi là biết đó là âm nhạc Việt Nam. Nhưng trong kiến trúc, ta chưa thể xác định tiêu chí nào là công trình mang đặc trưng kiến trúc Việt Nam. Việc này chính các nhà khoa học trong ngành cũng còn đang lúng túng.
Trụ sở đẹp - bộ mặt xấu
Có những địa phương, điều kiện kinh tế còn khó khăn, trường học, bệnh viện thiếu thốn, nhưng trụ sở thì đẹp lộng lẫy như một cung điện thực sự. Có người bảo, trụ sở là bộ mặt của địa phương, phải làm cho thật đàng hoàng. Rõ ràng, họ cũng có cái lý của họ?
Trên lý thuyết, cơ quan công quyền phải là bộ mặt của địa phương, là bộ mặt của đô thị, thể hiện trình độ văn hóa khoa học của địa phương đó. Thế nhưng cũng có thể đặt câu hỏi, liệu một địa phương còn kém phát triển mà có trụ sở hoành tráng, nhìn vào trụ sở ấy có thấy được bộ mặt của địa phương ấy hay không? Điều này phần lớn là từ chính những quyết định của lãnh đạo địa phương đó.
Nhưng xây to, xây đẹp, thì cơ hội "xà xẻo" nhiều hơn, đi ra đi vào nó cũng oai hơn?
Điều này thì chính các cơ quan chức năng, những người có thẩm quyền liên quan đã nói rồi. Tôi chỉ nhìn nhận ở góc độ quy hoạch, kiến trúc.
Vậy với những trụ sở quá to và quá hoành tráng thì có xử lý được không?
Đối với những trụ sở có ý kiến của dư luận, xã hội thì phải kiểm tra, xem xét nó mà trước hết là so với quy chuẩn của nhà nước. Rà soát xem có được thực hiện theo đúng quy chuẩn hay không. Chứ không thể để ai cũng muốn xây to đẹp, hoành tráng rồi đua nhau. Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng  song cần phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và xử lý vi phạm nếu có. Sau đó phải xem xét điều chỉnh kiến trúc cho hợp lý.
Có khi nào chúng ta nên đề xuất với những công trình xây quá to, lãnh đạo địa phương đó phải bỏ tiền túi ra bù vào?
Thực ra cũng đã có chuyện đó rồi. Tôi nghĩ đó là nhiệm vụ của các cấp quản lý. Làm thế nào để chúng ta có những công trình kiến trúc trụ sở đạt đến trình độ biểu tượng, không phải là việc dễ. 
Xin cảm ơn ông!
Trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã triển khai 1.353 cuộc thanh tra lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính trên 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.
Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)