“Nóng” tranh luận giáo viên ngược đãi học sinh... phạt 5 triệu

Google News

(Kiến Thức) - Theo luật sư Ngô Đình Hoàng, trong phạm vi môi trường sư phạm thì không nên áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền, mà nên xử lý kỷ luật khác. 

Mới đây Bộ GD – ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Tại điều 20, mục 7 của Nghị định quy định mức phạt cho hành vi ngược đãi, hành hạ người học; xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo. Trong đó, hành vi ngược đãi, hành hạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. 

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quy định cụ thể hơn các mức phạt đối với từng đối tượng, mức độ vi phạm. Đặc biệt, sự chênh lệch giữa mức phạt đối với hành vi xâm phạm giáo viên và học sinh như trong Nghị định là chưa hợp lý. 

“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”?

Một số phụ huynh không đồng tình với quy định xử phạt hành chính cũng như mức phạt tiền 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh. Họ cho rằng, mức phạt này không thỏa đáng, nhất là lại thấp hơn nhiều so với hành vi xâm phạm giáo viên. 

“Tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, bạo hành học sinh đang xảy ra ở mức báo động vậy mà chỉ xử phạt hành chính 3 – 5 triệu đồng là xong hay sao? Nếu chỉ quy định nhẹ nhàng như vậy thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, thậm chí trầm trọng hơn, nhất là với những người coi trọng đồng tiền hơn đạo đức, tình người”, chị Nguyễn Thị Huệ, phụ huynh học sinh Tiểu học Dịch Vọng A, (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bức xúc.

 Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hải, phụ huynh THCS Hải Bối (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho rằng, ngoài việc xử phạt quá thấp, sự chênh lệch giữa mức phạt giữa hai đối tượng học sinh, giáo viên khi bị xúc phạm nhân phẩm, thân thể là “nhất bên trọng, nhất bên khinh". 

“Thầy cô giáo mà lại ngược đãi, xúc phạm danh dự nhân phẩm học trò của mình là việc không thể chấp nhận được, không thể phạt tiền là xong. Còn học sinh, nếu có hành vi vô lễ với thầy cô giáo, ngoài phẩm chất đạo đức của học sinh đó yếu kém, gia đình thiếu trách nhiệm dạy dỗ, cũng có một phần lỗi giáo dục của nhà trường. Hơn nữa, cả thầy và trò là hai yếu tố cơ bản, quan trọng của giáo dục, làm nên nhà trường nên mọi quy định phải công bằng”, chị Hải nói.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) tán thành với quy định xử phạt hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm thân thể học sinh và giáo viên. Nó là một biện pháp hạn chế, chấm dứt những hiện tượng tiêu cực trong giáo dục đang diễn ra. 

Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho rằng, phải tách hai khoản trên thành hai điều và có những quy định cụ thể cho từng đối tượng. Trong quy định xử phạt hành vi bạo hành, xúc phạm danh dự học sinh nếu đối tượng vi phạm là thầy cô giáo thì không chỉ xử phạt về hành chính, mà cần phải có những hình thức xử phạt khác cho việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

“Nếu người có hành vi bạo hành, xúc phạm với học sinh là giáo viên thì cần phải tăng nặng. Thầy dạy trò mà đánh trò là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Ngoài phạt hành chính, phải đề cập đến việc nhà giáo vi phạm đến mức nào thì phải nghỉ việc thì mới tổng quát được, không chỉ vi phạm nộp phạt là xong”, ông Lâm nói. 

Còn đối với, trường hợp học sinh có hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên như, ông Lâm đặt vấn đề “có nên phạt tiền hay không?”. Bởi lẽ, đây là đối tượng đang được giáo dục, là vị thành niên. Nếu xử phạt thì nên quy định học sinh vi phạm mấy lần, mức độ như thế nào thì bị nghỉ học. 

Không nên áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền

Trao đổi với Kiến Thức, luật sư Ngô Đình Hoàng, đoàn luật sư TP HCM cho rằng, trong phạm vi môi trường sư phạm thì không nên áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền mà nên xử lý kỷ luật khác.

“Bản thân người học và người dạy đều là những đối tượng về điều kiện tài chính không dư dả hoặc phụ thuộc, phạt bằng tiền không giúp giải quyết được vấn đề. Trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mà chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể kiện ta toà để yêu cầu bồi thường thiệt hại, chứ nhà nước không nên “tận thu” nhắm vào hai đối tượng này”, ông Hoàng nói.

Trường hợp áp dụng biện pháp xử phạt bằng tiền, theo ông Hoàng, cần hết thức cẩn thận, kẻo hoặc trái luật hoặc không áp dụng được trên thực tế mà lại đẻ ra tiếp những thông tư, văn bản hướng dẫn khác. 

“Bởi trong Luật xử lý vi phạm hành chính quy định ở Điểm a Khoản 1 Điều 5: “a) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”. Theo đó những học sinh chưa đủ 14 tuổi thì không thể xử phạt vi phạm hành chính”, ông Hoàng giải thích thêm.

Không nên dùng tiền để xử lý hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên, học sinh cũng là ý kiến của ông Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam. Ông cho rằng, nếu xử phạt bằng tiền, đối tượng sẵn tiền sẽ dễ dàng tái phạm. 

Ông Dong cũng không đồng tình với sự chênh lệch mức tiền phạt cho hành vi xâm phạm thân thể, nhân phẩm giữa đối tượng giáo viên và học sinh. 

“Học sinh là đối tượng đang phát triển về thể lực cũng như nhân cách, là mầm non của đất nước. Là mầm non thì rất nhạy cảm và nếu một mầm non đang lớn mà làm chột thì đó là tội lớn chứ không phải tội nhỏ. Vì thế nếu phạt thì phải phạt thật nặng chứ không phải 3 -5 triệu và nặng hơn hành vi xâm phạm đối với người lớn. Theo tôi, nếu thầy đánh học sinh thì cho ra khỏi ngành cho được việc. Còn nếu học sinh đánh trò thì xử lý bằng cách đình chỉ, chuyển sang học trường nào kỷ luật thật chặt chẽ hoặc cho đi lao động một thời gian để tu tỉnh rồi mới cho học. Nếu chỉ phạt tiền, con nhà giàu có sẽ coi 20 triệu chẳng ra gì và chắc chắn sẽ tái phạm”, ông Dong nói. 


TIN BÀI LIÊN QUAN
TIN BÀI ĐỌC NHIỀU



Khánh Tường

Bình luận(0)